Cung cấp nước ngọt cho người dân vùng hạn, mặn

Vào cao điểm hạn, mặn hằng năm, người dân các địa phương giáp biển của tỉnh Tiền Giang thuộc các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông và thành phố Gò Công luôn lo thiếu nguồn nước ngọt để sinh hoạt, sản xuất. Những ngày qua, ngành chức năng của tỉnh đã mở 23 vòi nước ngọt công cộng cấp miễn phí cho người dân có nhu cầu...
0:00 / 0:00
0:00
Ông Trương Duẩn chở nước ngọt về cho đàn gà thịt 5.000 con uống.
Ông Trương Duẩn chở nước ngọt về cho đàn gà thịt 5.000 con uống.

Cái nắng tháng 3 ở vùng ven biển Tiền Giang như thiêu đốt. Mực nước trên các kênh mương nội đồng dần cạn, lượng nước ngọt chảy về cuối nguồn cũng hạn chế.

12 giờ trưa, ông Lê Văn Công ở ấp Hộ, xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông mang hai thùng nhựa đến điểm lấy nước tập trung được Nhà nước đầu tư để chở nước về sử dụng. Tại nhà, gia đình ông Công tận dụng nhiều vật dụng để trữ nước.

Ông Công cho biết: “Năm nào cũng vậy, vào cao điểm hạn, mặn, nguồn nước ngọt ở vùng này lại khan hiếm. Nhà tôi ở xa khu dân cư, đường ống nước ngọt chưa được kéo đến. Mùa mưa vừa rồi nhà tôi trữ được 5 lu nước nhưng đã sử dụng hết cho nên phải đến lấy nước ở điểm tập trung về nấu ăn, sinh hoạt. Mọi người trong nhà ai cũng bảo nhau phải xài nước tiết kiệm...”.

Tân Điền là xã giáp biển của huyện Gò Công Đông. Toàn xã hiện có 150 hộ dân chưa tiếp cận được hệ thống cấp nước ngọt, trong đó có một ấp với 125 hộ chưa được đường ống cấp nước kéo đến. Theo cán bộ nông nghiệp xã Tân Điền Nguyễn Trung Tín, các hộ này ở phân tán, xa khu dân cư, việc kéo hệ thống nước ngọt về cung cấp rất khó khăn, tốn nhiều chi phí. Vào mùa khô, hạn, địa phương đề xuất cấp trên mở các vòi nước công cộng ở các điểm gần nhất với các hộ này để người dân thuận tiện đến lấy nước...

Xế chiều, nắng càng gay gắt nhưng ông Trương Duẩn ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông vẫn cố gắng lấy đầy 20 thùng nước (20 lít/thùng) chở về cho đàn gà thịt khoảng 5.000 con uống. Ông Duẩn cho hay, trang trại nằm biệt lập với khu dân cư, hệ thống nước ngọt chưa kéo tới, còn nước của tuyến kênh trước cửa trang trại đã xuống thấp và ô nhiễm, gà uống nguồn nước này sẽ nhiễm bệnh. Do vậy, ông phải chở nước ngọt từ hệ thống cung cấp về cho đàn gà uống. Cứ khoảng hai, ba ngày, gia đình ông Duẩn lại thay nhau ra trung tâm xã chở nước ngọt về trang trại. Năm nào cũng vậy, gia đình ông Duẩn phải chở nước ngọt trong khoảng hai, ba tháng cho đến khi có mưa trở lại...

Thời gian qua, Tiền Giang đã cố gắng nâng cấp hệ thống đưa nước ngọt về các hộ dân ở cuối nguồn. Tuy nhiên, vào cao điểm, nhiều người dân ở đầu nguồn đã lấy tối đa nguồn nước này để phục vụ cho sản xuất khiến lượng nước chảy về cuối nguồn rất yếu, thậm chí không có. Do đó, các địa phương phải bố trí vòi nước công cộng tại các điểm tuyến ống chính, nơi có nguồn nước ngọt mạnh để cung cấp miễn phí cho người dân có nhu cầu.

Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH một thành viên cấp nước Tiền Giang Hồ Hữu Nhân cho biết, công ty phối hợp các địa phương đã lắp đặt 23 vòi nước công cộng miễn phí để cấp nước cho nhân dân các khu vực cuối nguồn. Đến nay, đã cung cấp hơn 1.200 m3 nước, công ty sẽ tiếp tục mở thêm các vòi nước công cộng nữa khi địa phương có yêu cầu.

Tổng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của khu vực phía đông và thành phố Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang hơn 145.500 m3/ngày, đêm. Trong đó, người dân đang sử dụng nguồn nước của các trạm cấp nước do Công ty TNHH một thành viên cấp nước Tiền Giang khoảng 92.500 m3/ngày, đêm. Hiện tại các trạm cấp nước vẫn đang hoạt động bình thường, bảo đảm cung cấp đủ nước cho người dân.

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, nhu cầu nước sinh hoạt tại khu vực phía đông của tỉnh Tiền Giang tăng cao. Nhận định mùa khô năm nay sẽ gay gắt, kéo dài, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Tiền Giang phối hợp các địa phương mở hơn 100 vòi nước công cộng trên địa bàn bốn huyện, thành phố, gồm: Huyện Gò Công Tây 11 vòi; thành phố Gò Công 15 vòi; huyện Gò Công Đông 81 vòi và huyện Tân Phú Đông 7 vòi.

Trong trường hợp hạn, mặn gay gắt, công ty sẽ bố trí xe bồn chở nước cung cấp cho người dân ở những khu vực không thể bố trí vòi nước công cộng. Tại những khu vực vòi nước công cộng bị yếu hoặc không có, công ty bố trí thêm các bồn, túi nước đấu nối vào các vòi nước công cộng để người dân đến lấy về sử dụng.

Những năm gần đây, tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô ở Tiền Giang xuất hiện sớm hơn từ 1 đến 1,5 tháng và kéo dài hơn từ 1 đến 2 tháng, ảnh hưởng nặng nề hơn đến đời sống và sản xuất của người dân. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam: Nhằm bảo đảm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân ở phía đông tỉnh trong suốt mùa khô năm 2025, ngành đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép Công ty TNHH một thành viên cấp nước Tiền Giang vận hành 16 giếng khoan dự phòng khi độ mặn trên sông Tiền tại cửa rạch Bảo Định (thành phố Mỹ Tho) cao hơn 2,5 g/l. Công ty thực hiện phương án chở nước ngọt từ phía thượng nguồn sông Tiền về bổ cấp vào các ao, rồi xử lý và bơm vào hệ thống ống cung cấp cho nhân dân sinh hoạt.

Ngành cũng triển khai thi công 10 tuyến ống thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn. Trong đó, huyện Gò Công Đông có 6 tuyến, dài khoảng 13 km; huyện Tân Phú Đông 4 tuyến, dài 4,7 km; tổng kinh phí đầu tư hơn 10,5 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 900 hộ dân trên địa bàn huyện Gò Công Đông và hơn 265 hộ dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. 10 tuyến đường ống dẫn nước sinh hoạt này đã hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp thời trong mùa khô 2024-2025.