Phát triển nguồn năng lượng sạch ở Bạc Liêu

Bạc Liêu là tỉnh tiên phong ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước trong việc xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi. Đến nay, tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước đầu tư phát triển 10 dự án điện gió và một dự án điện khí. Năm 2024, tổng sản lượng điện các nguồn năng lượng sạch của tỉnh đã phát lên lưới điện là 1.436,2 triệu kWh, mở ra bước phát triển mới về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của địa phương và nhiều tỉnh trong khu vực...
Một công trình điện gió ở Bạc Liêu.
Một công trình điện gió ở Bạc Liêu.

Đến các công trình điện gió ở vùng ven biển Bạc Liêu hiện nay rất dễ dàng, thuận lợi, không còn cảnh đường sình lầy và “ổ voi, ổ gà” như những năm về trước. Chúng tôi đến thăm công trình điện gió Hòa Bình, do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh (Hà Nội) đầu tư tại vùng ven biển Bạc Liêu. Giám đốc Ban Quản lý dự án Hoàng Cường - người trực tiếp mấy năm nay “ba cùng” (cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm) với hàng trăm kỹ sư, cán bộ, công nhân ngày đêm lao động hăng say trên công trình điện gió Hòa Bình. Anh Hoàng Cường trực tiếp lái xe điện chở chúng tôi ra tận trụ cột turbine gió được xây dựng xa nhất ngoài khơi, cách đất liền hơn 12 km. Vừa lái xe, anh Cường vừa sôi nổi, hào hứng kể về những tháng ngày vất vả, gian nan và ý chí quyết tâm rất cao của hàng trăm cán bộ, công nhân ngày đêm lao động hết mình trên công trình điện gió này, để có được “cánh đồng điện gió”, với hàng trăm trụ cột turbine gió sừng sững ngoài biển khơi bao la, đem về một nguồn năng lượng sạch khá lớn, quý giá, góp phần làm giàu đẹp quê hương, đất nước.

Anh Hoàng Cường cho biết: Ngày 26/7/2020, tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1-giai đoạn 2 và Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2, tổng công suất 150 MW, sản lượng điện hằng năm đạt khoảng 600 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư hơn 8.225 tỷ đồng.

Theo đó, dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình-giai đoạn 2 được sử dụng chung hạ tầng với dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1, được đầu tư xây dựng nhằm tiết kiệm quỹ đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến môi trường được xây dựng trong khu vực biển thuộc địa phận xã Vĩnh Hậu A và xã Vĩnh Hậu (huyện Hòa Bình), có diện tích hơn 935 ha. “Đây là tổ hợp điện gió trên biển lớn nhất Việt Nam, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương và đất nước, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không những vậy, đây còn là dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện toàn bộ các thủ tục và đăng ký trực tiếp với Gold Standard (tiêu chuẩn Vàng, qua đó sẽ trực tiếp tạo ra tín chỉ GS VER). Mỗi năm, hai nhà máy sản xuất ra sản lượng khoảng 400 triệu kWh, với mức doanh thu dự kiến đạt khoảng hơn 800 tỷ đồng…”, anh Cường chia sẻ thêm.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Văn Thiều, đầu tháng 4, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã tổ chức hội nghị đánh giá bảy năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, việc tỉnh Bạc Liêu phát triển các dự án điện gió ven biển rất phù hợp điều kiện sẵn có của tỉnh và định hướng phát triển của Trung ương, góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế, nhất là phù hợp chủ trương của tỉnh “Bạc Liêu phát triển theo hướng xanh, bền vững”.

Cũng theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí là một trong năm trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 dự án nhà máy điện gió, với tổng công suất hơn 660 MW (có tám nhà máy đã hoạt động, hai dự án đang triển khai đầu tư). Một dự án nhà máy điện khí LNG 3.200 MW đang trong quá trình hoàn chỉnh các thủ tục. Tổng sản lượng điện gió, điện mặt trời đến nay đạt 6 tỷ kWh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và tăng thu ngân sách tỉnh khoảng 200 tỷ đồng/năm.

Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh dự kiến có 16 dự án điện gió, tổng công suất 17.530 MW; các dự án nguồn điện thực hiện sau năm 2030 với 40 dự án, tổng công suất 8.030 MW, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, theo một số nhà đầu tư, các dự án điện gió tại Bạc Liêu, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy việc phát triển các dự án điện gió nơi đây còn một số khó khăn, vướng mắc như: Hạ tầng lưới điện hiện chưa đồng bộ với sự phát triển “khá nóng” về các dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời của tỉnh, có những thời điểm buộc phải cắt giảm công suất phát của một số nhà máy điện gió và hệ thống điện mặt trời mái nhà do quá tải lưới điện.

Tỉnh Bạc Liêu cũng vừa kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về việc bảo đảm của Nhà nước để thực hiện dự án đầu tư và bán giá điện của các dự án điện gió. Đồng thời, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền nam trình Bộ Tài chính thẩm định hồ sơ phê duyệt chủ trương đầu tư công trình đường dây truyền tải 500 kV Bạc Liêu- Thốt Nốt.

Có thể khẳng định, lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đã và đang được tỉnh Bạc Liêu đặc biệt quan tâm, được xác định là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động và hình thành nên sức bật mới cho một tỉnh thuần nông hướng đến công nghiệp hóa-hiện đại hóa, đưa Bạc Liêu đột phá vươn lên sớm trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.