Khôi phục rừng ngập mặn ven biển Cà Mau

Giai đoạn từ năm 2011- 2023, sạt lở vùng ven biển đã làm mất hơn 6.000 ha đất và rừng phòng hộ tại Cà Mau. Phần mất đi này tương đương diện tích bình quân một đơn vị cấp xã nơi cực nam Tổ quốc. Cà Mau đang thực hiện quyết liệt các giải pháp để rừng và đất đai ven biển không bị mất thêm vì sạt lở.
0:00 / 0:00
0:00
Hàng trăm héc-ta cây rừng phòng hộ ở phía tây Bãi bồi xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) được phục hồi, đang phát triển xanh tốt.
Hàng trăm héc-ta cây rừng phòng hộ ở phía tây Bãi bồi xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) được phục hồi, đang phát triển xanh tốt.

Trở lại Bãi bồi xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển lần này, ngay lán trại dừng chân cho khách tham quan, đai rừng phòng hộ dày đặc hàng trăm héc-ta đang lấn nhanh về phía biển. Nhưng ít ai biết, chỉ bốn năm về trước chúng chỉ là những cây rừng non yếu, dễ bị phương hại bởi triều cường, sóng dữ…

Cùng Ban Giám đốc xắn quần lội sình vào tận nơi kiểm tra, ông Dương Hoàng Đỏ, cán bộ kỹ thuật thuộc Ban quản lý dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thốt lên: “Cây bám đất mau lớn thiệt, mới đó mà cao hơn nóc nhà rồi”.

Cuối năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau (khi chưa sáp nhập) được Ủy ban nhân dân tỉnh giao làm chủ đầu tư “Dự án trồng rừng phòng hộ ven sông, gây bồi tạo bãi trồng rừng cửa sông, ven biển”, với tổng mức đầu tư hơn 179 tỷ đồng.

Dự án gồm nhiều hạng mục: công trình lâm sinh trồng mới hơn 316 ha rừng ngập mặn; công trình hạ tầng lâm sinh gồm 16,5 km tường mềm giảm sóng, gây bồi để phục vụ công tác trồng rừng và 2,1 km kè bê-tông ly tâm ven biển. Đến đầu năm 2021, dự án đã hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đề ra. Trong số đó, có trồng mới hơn 316 ha rừng ngập mặn tại vùng ven biển phía đông và phía tây xã Đất Mũi, một phần ven biển thuộc các xã Viên An (huyện Ngọc Hiển) và Lâm Hải (huyện Năm Căn).

Đồng chí Tiêu Thanh Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, quá trình triển khai hạng mục công trình lâm sinh, cây rừng non yếu buổi đầu bị sóng dữ tàn phá phải gia cố, trồng lại nhiều lần. “Nhờ kiên trì đeo bám và chăm sóc mà đến giờ cây đã phát triển tốt, góp phần ổn định nền đất bùn nhão dưới chân rừng để cây rừng tái sinh, lấn dần về phía biển mà không sợ sóng quật ngã như trước”, ông Phương chia sẻ.

Có ba mặt giáp biển với bờ biển dài hơn 250 km, vùng ven biển Cà Mau rất dễ bị tổn thương bởi các hình thái cực đoan của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sạt lở đất vùng ven biển, tàn phá nặng nề đai rừng phòng hộ. Theo thống kê từ Chi cục Thủy lợi Cà Mau, vùng ven biển có khoảng 194/254 km bị sạt lở với nhiều hình thức.

Ứng phó trước các mối nguy từ sạt lở, nhiều năm liền Cà Mau phải ban bố tình huống hộ đê khẩn cấp, huy động mọi nguồn lực cũng như xin cứu viện từ bộ, ngành Trung ương và Chính phủ. Theo đó, tỉnh đã đầu tư xây dựng được khoảng 93 km kè bảo vệ bờ biển với tổng kinh phí gần 3.600 tỷ đồng.

Trong đó kè bảo vệ bờ biển tây dài 56 km, bờ biển đông dài khoảng 37 km. “Các công trình phòng chống sạt lở ven biển bước đầu đã phát huy hiệu quả, không chỉ bảo vệ được tính mạng, tài sản của nhân dân mà còn giúp Cà Mau bảo vệ được hàng chục nghìn héc-ta đất vùng ven biển trước xâm thực mặn; đồng thời giúp phục hồi lại được hơn 1.000 ha rừng phòng hộ ven biển”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết.

Suốt 20 năm qua, “cuộc chiến” giữ đất tại Cà Mau luôn trong tình thế bị động, phần lớn công trình phòng chống sạt lở ven biển được triển khai trong tình trạng sạt lở tàn phá hết đai rừng phòng hộ bên ngoài, uy hiếp đến an toàn đê hoặc uy hiếp các công trình hạ tầng đã xây dựng bên trong, bao gồm cả các công trình ngăn mặn…

Thực trạng nêu trên cần bằng mọi giá phải thực hiện bảo vệ theo tình huống khẩn cấp, nhưng đai rừng phòng hộ đã không còn hoặc đã bị tàn phá rất nặng nề... “Chúng ta cũng tốn tiền đầu tư nhưng đã mất đai rừng bên ngoài và khi công trình hoàn thành, việc phục hồi lại rừng sẽ mất nhiều thời gian. Nếu chủ động hơn về vốn để bảo vệ từ đầu thì vẫn tốn tiền nhưng không mất đất, mất rừng”, ông Lê Văn Sử phân tích.

Thời gian tới, để chủ động và có thêm nguồn lực ứng phó sạt lở và phục hồi rừng phòng hộ vùng ven biển, tỉnh Cà Mau kiến nghị các cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm thực hiện các công trình theo cơ chế đặc thù, giúp xã hội hóa thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước.

Theo đó, Cà Mau thực hiện giao, cho doanh nghiệp thuê một phần diện tích đất rừng phòng hộ nằm phía sau công trình kè đối với khu đất đã bị sạt lở để xây dựng công trình, dự án phát triển kinh tế; hoặc giao đất ở vị trí khác để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT khi nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án kè bảo vệ bờ biển.