Chủ động ứng phó, kiên định mục tiêu tăng trưởng

Trước những diễn biến phức tạp của kinh tế toàn cầu và việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng ở mức cao, có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động đề ra các giải pháp ứng phó toàn diện; đồng thời khẳng định quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 ở mức 8,5% như Chính phủ giao, phấn đấu đạt từ 10% trở lên.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với nhà mua hàng nước ngoài để tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025
Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với nhà mua hàng nước ngoài để tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu năm 2025

Theo các chuyên gia kinh tế, đây không chỉ là thách thức, mà còn là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh “nhìn lại mình”, tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội sinh, mở rộng thị trường và ngành hàng xuất khẩu, từng bước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng.

"Kề vai sát cánh" với doanh nghiệp

Theo Sở Công thương, trong nhiều năm qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của doanh nghiệp thành phố. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 7,4 tỷ USD - mức cao nhất trong giai đoạn 2016-2024, tăng 24,27% so với năm trước. Trong đó, ba nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD/năm gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác.

Tuy nhiên, nếu Hoa Kỳ thực thi mức thuế đối ứng 46%, năm nhóm hàng xuất khẩu chủ lực sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gồm: dệt may, giày dép, điện tử và linh kiện, đồ gỗ và nội thất, thủy sản. Trong đó, riêng dệt may và giày dép chiếm khoảng 21% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nguy cơ giảm mạnh đơn hàng là hiện hữu. Nhóm điện tử và linh kiện, chiếm khoảng 20%, cũng có thể bị ảnh hưởng do nghi ngờ về xuất xứ nguyên liệu.

Không chỉ vậy, nhiều mặt hàng nông sản như rau quả, thủy sản, hạt điều, hồ tiêu, cà-phê… cũng đang được xuất khẩu qua các doanh nghiệp và cảng biển của thành phố, cho thấy vai trò đầu mối quan trọng của thành phố trong chuỗi cung ứng xuất khẩu khu vực phía nam.

Trước những khó khăn trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được đã chỉ đạo các sở, ngành theo dõi sát tiến trình đàm phán giữa hai Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ; kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch đến doanh nghiệp để ổn định tâm lý, duy trì sản xuất. Các cơ quan chức năng cũng được giao nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến kinh tế - xã hội, đặc biệt là tình hình hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó chủ động đề xuất biện pháp hỗ trợ phù hợp và kịp thời.

Thành phố đồng thời tái cơ cấu công tác xúc tiến thương mại theo hướng chọn lọc, tập trung vào những thị trường lớn, ổn định, giàu tiềm năng. Bên cạnh đó, các chương trình nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam cũng sẽ được đẩy mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, thành phố cần tiếp tục thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố (HIDS) Phạm Bình An đề xuất doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thị trường, minh bạch nguồn gốc hàng hóa và tăng cường sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, góp phần cân bằng cán cân thương mại.

Kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài (Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ là phép thử quan trọng, buộc thành phố phải “giải phẫu” mô hình tăng trưởng hiện tại, từ đó xây dựng chiến lược ứng phó cả trước mắt và lâu dài.

Về ngắn hạn, thành phố cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, lắng nghe phản ánh từ thực tiễn sản xuất - kinh doanh; đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, nhất là vào hạ tầng giao thông nhằm giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa.

Song song đó, các chương trình kích cầu đầu tư, kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng nội địa cần được triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Một nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Việc thúc đẩy chương trình “Made by Vietnam” cũng được xác định là giải pháp chiến lược, nhằm làm chủ công nghệ, nguyên vật liệu, gia tăng giá trị hàng hóa và bảo đảm truy xuất nguồn gốc rõ ràng, hạn chế rủi ro bị áp thuế từ các quốc gia nhập khẩu. Cùng với đó, cải cách hành chính tiếp tục là nhiệm vụ then chốt. Thành phố đang rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện và kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi tình huống.

Trước các biến động chính sách, HIDS đã xây dựng ba kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2025, từ kịch bản xấu nhất (thuế đối ứng 46%) đến kịch bản tốt nhất (mức thuế 5-15%). Trong kịch bản tích cực nhất, thành phố có thể đạt tăng trưởng GRDP từ 7,37-8,49%, tiệm cận mục tiêu 8,5% của Chính phủ. Hiện nay, trong bối cảnh Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày, HIDS đang điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng, phù hợp với các yếu tố mới phát sinh.

Đồng chí Nguyễn Văn Được khẳng định: Tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò đầu tàu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước. Đặc biệt, xuất khẩu của thành phố còn là đầu mối liên kết và tiêu thụ nguyên liệu từ nhiều tỉnh, thành phố phía nam. Do vậy, thành phố kiên định giữ vững mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025, đồng thời đặt ra yêu cầu phải luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp một cách kịp thời, thiết thực và hiệu quả cao ■