Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang quyết liệt hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và tăng cường năng lực cạnh tranh trong chuỗi cung ứng xanh.
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã nhận diện, phân tích sâu những thách thức trong huy động nguồn lực cho chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là khoảng trống thể chế và rào cản tài chính. Ba điểm nghẽn chính được chỉ ra gồm: cơ chế giá điện chưa phản ánh đúng rủi ro và chi phí đầu tư; hợp đồng mua bán điện (PPA) thiếu cam kết bao tiêu, bảo lãnh ngoại tệ; và thiếu khung pháp lý cho tài chính xanh, thị trường carbon.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập khẳng định: Diễn đàn “Chuyển dịch năng lượng: Tầm nhìn và Hành động” nhằm thúc đẩy hình thành hệ sinh thái năng lượng an toàn, hội nhập, tạo điều kiện để doanh nghiệp, đặc biệt là Petrovietnam phát triển bền vững.
Trong thời gian qua, nhiều kiến nghị của Hội Dầu khí đã được tiếp thu, phản ánh trong các văn bản chính sách như Luật Dầu khí sửa đổi (2022), Luật Điện lực sửa đổi (2024), Nghị định 56/2025 và mới nhất là Nghị định 100/2025.
Tuy nhiên, các điều chỉnh này vẫn chưa đủ để tháo gỡ toàn diện các điểm nghẽn trong đầu tư và vận hành các dự án năng lượng, trong đó có các dự án điện khí–LNG theo Quy hoạch điện VIII như: Khó khăn trong đàm phán hợp đồng mua bán điện (PPA); chưa có cơ sở pháp lý để bảo lãnh thay thế bảo lãnh chính phủ trong việc vay vốn, thu xếp vốn cho các dự án điện BOT, IPP; chưa có cơ chế bảo lãnh, bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ và nghĩa vụ thanh toán quốc tế về nhập khẩu LNG cho các dự án điện khí-LNG; chưa đồng bộ và thiếu quy hoạch và quy hoạch chi tiết hệ thống từ kho cảng, hệ thống hạ tầng, tồn trữ LNG, nhà máy điện, đến lưới truyền tải và phân phối; cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu, tồn trữ LNG chưa thống nhất.
Các đơn vị thành viên Petrovietnam kiến nghị hoàn thiện đồng bộ cơ chế giá điện, PPA, tín chỉ carbon và hạ tầng dịch vụ, nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng hiệu quả, bền vững. Petrovietnam khẳng định sẵn sàng tiên phong kiến tạo hệ sinh thái năng lượng mới và chủ động phối hợp đề xuất hoàn thiện thể chế.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị về việc luật hóa tài chính xanh, chuẩn hóa định mức đầu tư cho công nghệ mới, thiết kế PPA linh hoạt theo vùng–công nghệ–quy mô, với các dự án trọng điểm cần có giá tham chiếu sát thực tế và cơ chế bao tiêu rõ ràng; đồng thời đưa ra các kiến nghị gửi cơ quan quản lý Nhà nước như sớm ban hành Luật Tài chính xanh, khung pháp lý cho PPA đặc thù và thị trường carbon nội địa; xây dựng bộ định mức đầu tư theo công nghệ mới để hỗ trợ đánh giá tín dụng, rủi ro; tăng cường vai trò điều phối của Nhà nước thông qua định chế tài chính công và cơ chế bảo lãnh rủi ro cho các dự án năng lượng mới; đặc biệt, đề xuất sớm hoàn thiện cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà máy điện khí LNG và khách hàng tiêu thụ lớn nhằm tháo gỡ nút thắt bao tiêu mua điện,…