Chủ động chuyển đổi toàn diện sang kinh tế xanh, GDP sẽ tăng trưởng 10-12%/năm

Tận dụng tối đa tiềm năng kinh tế xanh, Việt Nam không chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hai con số mà còn tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững. Phóng viên Báo Nhân Dân trao đổi với Giáo sư Đinh Đức Trường, Trưởng Khoa Môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân, về vấn đề này.

Giáo sư Đinh Đức Trường.
Giáo sư Đinh Đức Trường.

Đóng góp của tăng trưởng xanh trong 3 kịch bản tăng trưởng

Phóng viên: Trong Báo cáo nghiên cứu “Tác động của tăng trưởng xanh đến tăng trưởng ở Việt Nam: Liệu có thể đạt tăng trưởng hai con số”, do Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện, đưa ra nhận định: Tăng trưởng xanh là chiến lược phát triển then chốt giúp Việt Nam vượt qua những giới hạn của mô hình tăng trưởng cũ và tiến tới thịnh vượng dài hạn. Là Trưởng Nhóm Nghiên cứu, Giáo sư có thể nói rõ hơn về nội dung này?

Giáo sư Đinh Đức Trường: Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, tài nguyên và phát triển kinh tế bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được mục tiêu phát triển kinh tế dài hạn.

Nhóm nghiên cứu đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng và đóng góp của tăng trưởng xanh như sau:

Kịch bản tăng trưởng truyền thống: Giả định Việt Nam tiếp tục mô hình phát triển hiện tại dựa vào công nghiệp nặng, xuất khẩu tài nguyên thô, lao động giá rẻ và phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài (FDI), GDP dự báo chỉ tăng khoảng 6-7%/năm và rất khó đạt ngưỡng hai con số.

Kịch bản chuyển đổi xanh ở mức trung bình: Việt Nam bắt đầu từng bước áp dụng các chiến lược tăng trưởng xanh, nền kinh tế vẫn duy trì một phần các ngành truyền thống nhưng đồng thời đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và công nghệ cao.

Với sự hỗ trợ nhất định từ chính sách của Nhà nước và sự tham gia ngày càng nhiều của khu vực tư nhân vào các sáng kiến bền vững, tốc độ tăng trưởng GDP có thể nâng lên khoảng 7-9%/năm.

Kịch bản tăng trưởng xanh mạnh mẽ: Nếu các chiến lược tăng trưởng xanh được triển khai đồng bộ và quyết liệt trên quy mô lớn sẽ giúp GDP có khả năng tăng trưởng đột phá 10-12%/năm.

Tận dụng tối đa tiềm năng kinh tế xanh, Việt Nam không chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng GDP hai con số mà còn tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững, giảm mạnh phát thải khí nhà kính và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Phóng viên: Tác động của tăng trưởng xanh trong kịch bản tăng trưởng hai con số thể hiện như thế nào, thưa Giáo sư?

Giáo sư Đinh Đức Trường: Nếu áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh mạnh mẽ, Việt Nam có thể tăng trưởng hai con số dựa vào nhiều yếu tố như: tiềm năng của năng lượng tái tạo; lợi ích từ công nghệ sạch và đổi mới sáng tạo; tăng trưởng từ nền kinh tế tuần hoàn; phát triển ngành công nghiệp xanh và việc làm.

Bên cạnh đó, còn có sự đóng góp của yếu tố đổi mới sáng tạo và phát triển khu vực tư nhân; tăng trưởng bền vững và khả năng giảm phát thải; cải thiện năng suất và giảm chi phí năng lượng; đầu tư xanh và gia tăng năng suất lao động….

Những ngành trọng điểm có thể trở thành đầu tàu cho kinh tế xanh ở Việt Nam là năng lượng tái tạo. Những năm qua, chính sách khuyến khích đầu tư đã giúp bùng nổ các dự án điện tái tạo, cải thiện an ninh năng lượng quốc gia và giảm dần phụ thuộc vào nhiệt điện than.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có cơ hội đột phá nhờ áp dụng sản xuất sạch và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, nhóm các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, viễn thông và công nghệ sinh học cũng được xem là động lực tăng trưởng xanh trong tương lai. Trong lĩnh vực nông nghiệp cũng có nhiều tiềm năng tăng trưởng xanh nếu áp dụng mô hình nông nghiệp thông minh và hữu cơ.

Lĩnh vực giao thông vận tải cũng đóng vai trò quan trọng, nhất là góp phần giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện chất lượng không khí đô thị thông qua việc phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại và khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông điện, nhiên liệu sạch tại các thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Giải pháp hiện thực hóa Chiến lược tăng trưởng xanh

Phóng viên: Việt Nam là một trong những quốc gia sớm ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh gắn với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhưng việc thực hiện tăng trưởng xanh còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn gì, thưa Giáo sư?

Giáo sư Đinh Đức Trường: Mặc dù đã có định hướng và chính sách tăng trưởng xanh nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức đáng kể trong quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh.

Trở ngại đầu tiên là vấn đề vốn và tài chính. Việc phát triển hạ tầng và công nghệ xanh đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn, ước tính khoảng 4-5 tỷ USD/năm cho các dự án xanh, trong khi nguồn lực ngân sách có hạn và khu vực tư nhân trong nước chưa đủ mạnh để gánh vác.

Thách thức thứ hai đến từ hạn chế về công nghệ và cơ sở hạ tầng. Nhiều công nghệ năng lượng tái tạo và giải pháp tiết kiệm năng lượng hiện đại còn mới mẻ hoặc chưa được chuyển giao rộng rãi vào Việt Nam; hệ thống lưới điện, giao thông thông minh, cơ sở xử lý chất thải còn thiếu đồng bộ khiến hiệu quả triển khai các dự án xanh chưa cao. Cùng với đó, nguồn nhân lực chất lượng cao cho kinh tế xanh còn thiếu hụt.

Bên cạnh yếu tố nội tại, sự phối hợp liên ngành trong hoạch định và thực thi chính sách cũng chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng chồng chéo hoặc thiếu gắn kết giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc triển khai các chương trình tăng trưởng xanh, làm giảm hiệu lực của chính sách.

Rào cản về nhận thức và thói quen xã hội cũng là trở ngại không nhỏ đối với tăng trưởng xanh ở Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn e ngại chi phí đầu tư ban đầu cho công nghệ sạch. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng hay trả giá cao hơn cho sản phẩm xanh.

Phóng viên: Để vượt qua thách thức và tận dụng tối đa động lực của tăng trưởng xanh nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số, theo Giáo sư, cần tập trung vào những giải pháp gì?

Giáo sư Đinh Đức Trường: Để hiện thực hóa chiến lược tăng trưởng xanh, Chính phủ cần ban hành và triển khai các chính sách toàn diện. Trước hết, cần tăng cường huy động nguồn lực tài chính cho phát triển xanh thông qua việc phát triển các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh, quỹ đầu tư xanh; đồng thời mở rộng ưu đãi về thuế, lãi suất tín dụng để thu hút khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ sạch và dự án giảm phát thải.

Việc tranh thủ các nguồn vốn quốc tế (vay ưu đãi, viện trợ) và hợp tác công tư cũng rất quan trọng để bổ sung nguồn lực cho các chương trình xanh quy mô lớn.

Tiếp theo, cần chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng xanh và thúc đẩy đổi mới công nghệ, bao gồm đầu tư xây dựng mạng lưới điện thông minh liên kết hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng sạc cho xe điện, hệ thống giao thông công cộng hiện đại và các cơ sở xử lý, tái chế rác thải tiên tiến.

Yếu tố quan trọng khác là Nhà nước nên hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) về công nghệ môi trường, tạo môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp xanh và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, tạo nền tảng kỹ thuật vững chắc giúp giảm chi phí triển khai tăng trưởng xanh và mở ra các ngành công nghiệp mới.

Bên cạnh đó, cải cách khung chính sách và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp là thiết yếu. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ kỹ thuật và tài chính giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi mô hình sản xuất, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và quản lý chất thải hiệu quả.

Đồng thời, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực phục vụ tăng trưởng xanh phải được đặt làm trọng tâm; ban hành các chính sách khuyến khích tiêu dùng xanh và nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực…

Từ những nội dung trên, có thể khẳng định vai trò nền tảng của tăng trưởng xanh trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số tại Việt Nam, thông qua giải quyết đồng thời bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn ổn định.

Nếu Việt Nam thực thi đồng bộ và hiệu quả các chiến lược, chính sách tăng trưởng xanh đã đề ra, từ huy động vốn đầu tư, phát triển hạ tầng xanh, cải cách thể chế, đào tạo nhân lực đến thay đổi hành vi xã hội, mục tiêu đạt mức tăng trưởng GDP hai con số bền vững hoàn toàn có thể nằm trong tầm tay.

Có thể bạn quan tâm

back to top