Tây Ninh quyết tâm giữ vững thứ hạng các chỉ số PCI, PAPI

Tây Ninh xác định môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đây sẽ là bước đi chiến lược để Tây Ninh tiếp tục giữ vững và bứt phá thứ hạng trong các bộ chỉ số đánh giá như PCI, PAPI trong thời gian tới.

Lãnh đạo xã Thuận Mỹ, Tây Ninh kiểm tra quá trình việc vận hành dịch vụ công trực tuyến sau ngày vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Lãnh đạo xã Thuận Mỹ, Tây Ninh kiểm tra quá trình việc vận hành dịch vụ công trực tuyến sau ngày vận hành chính quyền địa phương hai cấp.

Để đạt được mục tiêu đề ra thì việc cải thiện chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy cải cách hành chính, tăng tính tương tác giữa chính quyền với doanh nghiệp đang được đẩy mạnh sẽ góp phần nâng cao hình ảnh chính quyền Tây Ninh năng động, sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 của Tây Ninh đã có bước tiến vượt bậc, với mức tăng điểm trung bình hằng năm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Thành quả này phản ánh rõ nỗ lực toàn diện và quyết liệt của tỉnh trong việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới mục tiêu trở thành điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sự cải thiện này được thể hiện rõ qua nhiều khía cạnh, trước hết là chất lượng điều hành cấp tỉnh không ngừng được nâng cao, tạo sự minh bạch và thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình đầu tư và hoạt động.

Cải cách thủ tục hành chính cũng được ghi nhận là ngày càng hiệu quả, giúp rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Môi trường kinh doanh tại Tây Ninh ngày càng bình đẳng, khuyến khích sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân; chi phí không chính thức tiếp tục giảm, việc kiểm soát tham nhũng và nhũng nhiễu doanh nghiệp được thực hiện nghiêm ngặt hơn trên nhiều lĩnh vực.

Một điểm sáng đáng chú ý nữa là công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Tây Ninh đã thực hiện tốt mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, bảo đảm các thủ tục đầu tư được xử lý nhanh chóng, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, tỉnh tiếp tục củng cố thiết chế pháp lý và đảm bảo an ninh trật tự, mang lại sự an tâm và niềm tin cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Tây Ninh.

z6663689270024-0f4b4cef5a0fc7a3a054d8f9bd0c59a0.jpg
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh vinh danh các đơn vị có thành tích tiêu biểu trong công tác tham mưu nâng cao chỉ số năm lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024.

Cùng với những nỗ lực cải cách mạnh mẽ trên, Tây Ninh đã triển khai hiệu quả Bộ chỉ số DDCI – công cụ tham chiếu quan trọng nhằm đánh giá năng lực điều hành của các sở, ngành và địa phương. Thông qua đó, tỉnh từng bước phát huy cơ chế giám sát nội bộ, thúc đẩy tinh thần cạnh tranh tích cực trong bộ máy hành chính, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Song song đó, các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh theo hướng chủ động, thực chất, giúp quảng bá hình ảnh địa phương năng động, môi trường đầu tư thông thoáng, lợi thế cạnh tranh rõ rệt đến với các đối tác trong và ngoài nước.

Nhờ vậy, Tây Ninh đã thu hút ngày càng nhiều tập đoàn lớn, có tiềm lực tài chính và công nghệ cao đến khảo sát, triển khai các dự án chiến lược thuộc những lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh.

Hiệu quả từ những hoạt động trên đã mang lại những dấu hiệu tích cực trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tây Ninh trong 6 tháng qua đạt 9,63%; đứng đầu các tỉnh, thành phố khu vực phía nam và đứng 7/34 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là mức tăng trưởng rất tích cực, vượt kịch bản Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25 và là tiền đề để Tây Ninh phấn đấu tăng trưởng 2 con số trên 10% trong năm 2025.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, Tây Ninh đã thu hút được 164 dự án, trong đó 87 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư cấp mới hơn 556 triệu USD; 77 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 14 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến nay, tổng số dự án FDI đầu tư vào Tây Ninh hơn 1.900 dự án, với vốn đăng ký hơn 24 tỷ USD; tiếp nhận khoảng 3.040 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 660 nghìn tỷ đồng.

Kết quả trên đã giúp tỉnh duy trì vị trí top đầu cả nước trong thu hút đầu tư nước ngoài. Toàn tỉnh có 1.926 doanh nghiệp thành lập mới (với tổng vốn 93.121 tỷ đồng), nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 37.234 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký trên 911.935 tỷ đồng.

z6848732102021-593b0da2837392cd96a7877324be0bd8.jpg
Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược phát triển logistics với Tập đoàn YCH (Singapore).

Tây Ninh luôn xác định, việc đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư từ khảo sát, triển khai đến vận hành là yếu tố then chốt để giữ chân nhà đầu tư và bảo đảm tiến độ, hiệu quả các dự án.

Với tinh thần chủ động, cầu thị và hành động quyết liệt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện ba nhóm giải pháp chiến lược nhằm tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Thứ nhất, Tây Ninh sẽ vận hành hiệu quả mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm hoạt động của các cơ quan, tổ chức diễn ra liên tục, không gián đoạn, không gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.

Song song đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng thực chất, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo. Các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa, thời gian xử lý hồ sơ tiếp tục được rút ngắn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

Việc áp dụng mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” đang phát huy hiệu quả rõ nét, giúp quy trình giải quyết thủ tục trở nên nhanh chóng, minh bạch và thân thiện hơn với doanh nghiệp.

Thứ hai, Tây Ninh luôn coi trọng đối thoại trực tiếp và thực chất với cộng đồng doanh nghiệp nhằm kịp thời lắng nghe, tiếp nhận và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư, sản xuất-kinh doanh. Tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ, đối thoại theo địa bàn, theo chuyên đề để tạo cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Đối với các dự án trọng điểm, lãnh đạo tỉnh duy trì cơ chế theo dõi sát tiến độ, tăng cường trao đổi với nhà đầu tư để xử lý nhanh chóng các vấn đề phát sinh, từ thủ tục pháp lý đến hạ tầng kỹ thuật. Thông qua đó, Tây Ninh từng bước khơi thông các điểm nghẽn, nâng cao niềm tin và sự đồng hành của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế địa phương.

Thứ ba, hạ tầng kinh tế-xã hội của Tây Ninh cũng không ngừng được nâng cấp, tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông, điện nước, logistics và các dịch vụ hỗ trợ, nhằm bảo đảm các dự án đầu tư có nền tảng tốt nhất để phát triển. Đồng thời, tỉnh luôn giữ vững ổn định an ninh trật tự, tạo môi trường đầu tư an toàn và đáng tin cậy cho doanh nghiệp.

Với định hướng rõ ràng và hành động quyết liệt, Tây Ninh đang từng bước khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và bền vững – nơi doanh nghiệp yên tâm phát triển lâu dài, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng không gian phát triển và thu hút mạnh mẽ dòng vốn trong nước và quốc tế trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

back to top