Dấu ấn nhà khoa học nữ của Viện Công nghệ Nano

Qua 40 năm, Giải thưởng Kovalevskaia do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức đã trở thành biểu tượng cho sự danh giá và uy tín dành cho các nhà khoa học nữ với 79 tập thể, cá nhân được khen thưởng. Ngày 8/3/2025, Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 đã vinh danh Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Mỹ Dung, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Nano, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

0:00 / 0:00
0:00
Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 vinh danh PGS, TS Đặng Thị Mỹ Dung, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Nano (thứ hai từ trái sang).
Giải thưởng Kovalevskaia năm 2024 vinh danh PGS, TS Đặng Thị Mỹ Dung, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Nano (thứ hai từ trái sang).

PGS, TS Đặng Thị Mỹ Dung theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu từ khi bà làm chủ nhiệm các đề tài từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước, mang tính chất liên ngành như: Sinh học, vật lý, khoa học vật liệu, công nghệ Nano. Ngay từ những ngày đầu, bà đã lựa chọn công nghệ in phun làm hướng đi chính, mặc dù công nghệ này còn khá mới mẻ tại Việt Nam.

Năm 2009, lần đầu bà tham gia đề tài khoa học cấp bộ, nghiên cứu các thông số cơ bản của kỹ thuật in phun trong ứng dụng in cấu trúc và màng mỏng dẫn điện. Tiếp đó, bà chủ trì nhiều đề tài cấp Đại học Quốc gia, cấp Nhà nước, từng bước mở rộng và hoàn thiện công nghệ in phun ở Việt Nam. Bà đã chủ trì và tham gia phát triển các sản phẩm khoa học-công nghệ có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội, trong đó có mực in phun nano bạc, cảm biến sinh học, cảm biến môi trường…

PGS, TS Đặng Thị Mỹ Dung chia sẻ, ưu điểm nổi bật của công nghệ in phun tiết kiệm khi không cần dùng mặt nạ (mask), một máy tính sẽ điều khiển in từng chấm một dựa trên hình ảnh đã thiết kế. Quy trình in cũng đơn giản hơn, sử dụng ít nguyên vật liệu, hóa chất (chỉ vào khoảng từ 10-20% so với phương pháp quang khắc), cho nên giá thành chế tạo linh kiện giảm đáng kể. Phương pháp in phun giúp giảm khoảng 50% giá thành chế tạo vi linh kiện so với các sản phẩm được sản xuất theo phương pháp truyền thống (quang khắc). Đây là yếu tố quan trọng giúp cho công nghệ in phun có thể ứng dụng trong phòng thí nghiệm để in màng mỏng lên các loại đế khác nhau.

Bà là nhà khoa học đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghiên cứu viên, nhất là các nữ sinh viên và nhà khoa học trẻ, khẳng định phụ nữ hoàn toàn có thể chinh phục những lĩnh vực khoa học-công nghệ đầy thử thách và tạo ra những giá trị to lớn cho xã hội. Bà còn là đồng chủ biên cuốn sách chuyên khảo “Công nghệ in phun, mực in phun nano dẫn điện và ứng dụng trong vi điện tử”, phục vụ cho công tác đào tạo đại học và sau đại học.

Ngoài chuyên môn, PGS, TS Đặng Thị Mỹ Dung còn là Bí thư Chi bộ Viện Công nghệ Nano nên cần sự dung hòa giữa trách nhiệm gia đình và sự nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, cường độ làm việc cao và sự tập trung tuyệt đối là một thử thách không hề nhỏ. Gia đình chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc, tạo điều kiện tối đa để bà toàn tâm, toàn ý theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học và giảng dạy.

Lãnh đạo Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau 15 năm làm nghiên cứu khoa học, PGS, TS Đặng Thị Mỹ Dung đã công bố 60 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín; chủ nhiệm và hoàn thành 3 đề tài cấp quốc gia, 2 đề tài cấp Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và 1 đề tài cấp Viện. Bà cũng được cấp 3 bằng độc quyền sáng chế, 2 bằng độc quyền giải pháp hữu ích và 5 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; chủ trì và tham gia phát triển 4 sản phẩm khoa học công nghệ được đưa vào ứng dụng thực tiễn.

PGS, TS Đặng Thị Mỹ Dung chia sẻ: “Thành tích mà tôi đạt được hôm nay không chỉ là nỗ lực cá nhân, mà còn là kết quả của cả quá trình hỗ trợ và đồng hành từ Đại học Quốc gia. Chính môi trường học thuật năng động, sự đầu tư bài bản vào nghiên cứu khoa học cùng với sự khích lệ từ các thầy cô, đồng nghiệp và những người đi trước đã tạo nên một nền tảng vững chắc, một bệ phóng lý tưởng giúp tôi nuôi dưỡng đam mê, không ngừng học hỏi và phát triển sự nghiệp. Tôi luôn tự hào là một phần của cộng đồng học thuật nơi đây, mỗi bước tiến của tôi cũng chính là sự lan tỏa những giá trị cốt lõi mà Đại học Quốc gia đã bền bỉ vun đắp”.