Qua công tác giám sát về lĩnh vực tội phạm trên địa bàn, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã chỉ ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ trong ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm và bảo vệ tài sản của người dân.
Đấu tranh quyết liệt
Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” với các đường dây “phường”, “hụi”, huy động vốn lãi suất cao; cho vay nặng lãi, hay tội phạm dùng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ở Nghệ An diễn ra phức tạp, quy mô lớn tại các huyện Ðô Lương, Yên Thành, Quỳnh Lưu… Vụ vỡ nợ “tín dụng đen” tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng là điển hình cho hệ lụy từ hình thức vay mượn, huy động vốn trái pháp luật.
Vào giữa tháng 10/2024, một đầu mối của đường dây “tín dụng đen” đã huy động hàng trăm tỷ đồng của người dân, bất ngờ tuyên bố vỡ nợ, khiến nhiều người dân bị mất trắng những khoản tiền lớn. Trong vụ việc này, đối tượng đã lợi dụng sự cả tin và đánh vào lòng tham của người dân khi tổ chức huy động vốn với lãi suất cao... Không chỉ ở Quỳnh Lưu mà một số xã ở các huyện Yên Thành, Ðô Lương… cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Bên cạnh “tín dụng đen”, các hành vi lừa đảo qua mạng cũng gia tăng với nhiều hình thức tinh vi, nhắm vào những người dân có kiến thức hạn chế về an ninh mạng. Các đối tượng thường sử dụng các chiêu thức như giả danh công an, cán bộ viện kiểm sát… để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của người dân, thực hiện các vụ chiếm đoạt tài sản có tổ chức. Tình trạng này không chỉ gây tổn thất tài chính mà còn khiến người dân hoang mang, ảnh hưởng đến niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật và tổ chức tài chính.
Trước tình hình đó, UBND các cấp phối hợp cùng ngành công an đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn Nghệ An.
Các cấp, ngành đã chú trọng tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho nhân dân. Thông qua xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, người dân đã cung cấp nhiều nguồn tin có giá trị giúp lực lượng Công an phát hiện, đấu tranh với tội phạm, nhất là hoạt động “tín dụng đen” và tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Thông qua diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến của người dân”, lực lượng Công an thường xuyên hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa các loại tội phạm nêu trên. Việc đưa Công an chính quy về xã cùng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, tổ tự quản đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Nghệ An phối hợp các cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động liên quan đến các loại tội phạm này. Cơ quan Công an và các đơn vị liên quan đã quyết liệt đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen” và tội phạm công nghệ cao. Từ ngày 1/1/2022 đến ngày 30/6/2024, cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố điều tra 105 vụ, 123 bị can về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, làm rõ số tiền cho vay hơn 150 tỷ đồng, đồng thời thu giữ hơn ba tỷ đồng tiền lãi bất chính.
Cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 13 vụ, 13 đối tượng với tổng số tiền xử phạt 195 triệu đồng; điều tra, khởi tố 105 vụ, 220 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bằng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao; chứng minh số tiền các đối tượng chiếm đoạt hơn 750 tỷ đồng…
Giải pháp đồng bộ, đủ mạnh
Thường trực HÐND tỉnh Nghệ An vừa thực hiện giám sát chuyên đề tại các địa bàn trọng điểm, gồm các huyện Ðô Lương, Nghi Lộc; đồng thời, thực hiện giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện công tác đấu tranh, phòng ngừa, các phương án tuyên truyền và hỗ trợ cho người dân khi gặp phải “tín dụng đen” và lừa đảo công nghệ cao.
Qua hoạt động giám sát, đoàn giám sát nhận thấy còn nhiều bất cập, hạn chế trong công tác phòng chống các loại tội phạm này. Cụ thể, khung pháp lý chưa đủ mạnh là yếu tố quan trọng khiến việc xử lý tín dụng đen và lừa đảo qua mạng chưa hiệu quả. Các đối tượng sau khi bị xử phạt vẫn có thể quay lại hoạt động chỉ sau một thời gian ngắn. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự gặp khó khăn do các quy định pháp lý liên quan tội phạm công nghệ cao chưa hoàn thiện.
Các đối tượng chủ yếu ở nước ngoài, thường sử dụng công nghệ để che giấu danh tính, gây khó khăn cho công tác thu thập bằng chứng, truy vết trong quá trình điều tra. Ngoài ra, nguồn nhân lực và trang thiết bị công nghệ chuyên dụng tại các địa phương còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng đấu tranh và ngăn chặn tội phạm…
Ðể tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tín dụng đen và tội phạm công nghệ cao, UBND tỉnh Nghệ An và các đơn vị liên quan đã đưa ra một số kiến nghị bổ sung quy định cụ thể, nghiêm khắc hơn trong việc xử lý các đối tượng tín dụng đen và lừa đảo qua mạng. Ðối với các vụ việc lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đồng như vụ việc vỡ tín dụng đen ở huyện Quỳnh Lưu, các cơ quan hữu quan cần có những hình phạt thích đáng để tăng tính răn đe.
UBND tỉnh cũng kiến nghị trang bị thêm các công cụ hiện đại cho lực lượng an ninh, đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin. Lực lượng Công an tiếp tục được hỗ trợ về công nghệ để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ lừa đảo qua mạng phức tạp.
Theo Phó Chủ tịch HÐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Như Khôi, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các chiêu thức lừa đảo và các biện pháp phòng tránh. Tại các địa bàn có nguy cơ cao, như các huyện: Ðô Lương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu… chính quyền địa phương cần chú trọng công tác tuyên truyền thông qua các tình huống cụ thể đến các đối tượng dễ bị ảnh hưởng như người già, học sinh, sinh viên,... Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần công khai các vụ việc đã xử lý để nâng cao tính cảnh giác của người dân đối với loại tội phạm này.
Ðể người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các thông tin hỗ trợ, các địa phương cần thành lập đường dây nóng, nhóm mạng xã hội giúp người dân kịp thời báo cáo các vụ việc liên quan đến “tín dụng đen” và lừa đảo qua mạng. Các ngành chức năng cần xây dựng một hệ thống phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng công an, ngân hàng và tổ chức tài chính để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi lừa đảo qua mạng và “tín dụng đen”.