Đổi thay ở xã nghèo biên giới

Xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) từng là một trong những địa phương nghèo nhất vùng biên giới phía tây xứ Nghệ. Tuy nhiên, khoảng hơn 5 năm trở lại đây, một làn gió mới đã làm thay đổi diện mạo vùng đất khó này, đó là phong trào xuất khẩu lao động giúp mở ra con đường thoát nghèo bền vững cho gia đình và quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Xã nghèo biên giới Chiêu Lưu đang từng ngày đổi thay. (Ảnh XUÂN HOÀNG)
Xã nghèo biên giới Chiêu Lưu đang từng ngày đổi thay. (Ảnh XUÂN HOÀNG)

Những người đi lao động ở nước ngoài hợp pháp đã đem về luồng sinh khí mới. Từ những bản làng nghèo khó, giờ đây Chiêu Lưu đang từng bước thay đổi với những ngôi nhà kiên cố, hàng quán sầm uất và những giấc mơ lớn hơn cho thế hệ sau.

BẢN LÀNG ĐỔI THAY

Dòng Khe Tiêu uốn lượn ôm ấp bản La Ngan từ bao đời nay đã chứng kiến những thăng trầm chuyển mình của đồng bào người Khơ Mú nơi đây. Người dân trước đây sống dựa vào nương rẫy, trồng ngô mặc dù chăm chỉ lao động nhưng đất đai cằn cỗi, thiên tai liên miên khiến cái nghèo cứ đeo bám mãi không buông. Tuy nhiên từ năm 2020 trở lại đây, bản nghèo La Ngan đã khoác lên mình tấm áo mới, đời sống ngày càng được nâng cao nhờ những chuyến xuất khẩu lao động của thanh niên trong bản.

Câu chuyện của gia đình ông Moong Văn Dậu là một minh chứng rõ. Trước năm 2022, gia đình ông Dậu thuộc diện hộ nghèo nhất bản, tuy nhiên đến cuối năm 2023, ông đã mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Ông chia sẻ: “Để gia đình thoát khỏi hộ nghèo là nhờ hai đứa con đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2023, cứ đều đặn ba tháng một lần gửi về khoảng 80- 90 triệu đồng. Nhờ đó mà cuối năm 2023, gia đình có tiền xây được căn nhà mới, mua thêm trâu về chăn nuôi. Chúng tôi xin nhường lại suất hộ nghèo cho các hộ khác khó khăn hơn”.

Trưởng bản La Ngan Chích Văn Lập cho biết: Bản La Ngan có 154 hộ, trước những năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo là 80%, tuy nhiên đến nay chỉ còn hơn 37,6% hộ. Hiện bản có hơn 40 người đi xuất khẩu lao động, nhờ đó mà cuộc sống ngày càng khấm khá, nhà cửa khang trang, các cháu không còn cảnh bỏ học, người dân cũng có vốn để đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, chăn nuôi, buôn bán.

Tại bản Khe Nằn, trước năm 2020 gia đình bà Vi Thị Ma thuộc diện hộ cận nghèo. Tuy nhiên khi cháu đầu là Lo Văn Cáng sang Đài Loan (Trung Quốc) làm việc, cuộc sống gia đình bắt đầu khá hơn. Đến năm 2021, gia đình bà Ma thoát khỏi hộ cận nghèo. Thấy xuất khẩu lao động là hướng đi đúng, anh trai của Cáng là Lo Văn Hợi và vợ cũng quyết tâm sang Đài Loan lao động. Bà Ma khoe, Tết vừa rồi mấy cháu ở nước ngoài đặt cho gia đình bộ bàn ghế và chiếc ti-vi trị giá gần 50 triệu đồng; hằng quý cháu Cáng gửi về cho từ 60-70 triệu đồng, nhờ đó gia đình có căn nhà mới, có vốn để làm ăn.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiêu Lưu Lô Văn Cáng, hiện toàn xã có 187 lao động đang làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Ngoài ra, có nhiều lao động đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2025 xã đặt ra chỉ tiêu có 35 lao động đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên ba tháng đầu năm đã có 12 người đi, trung bình mỗi tháng gửi về cho gia đình từ 15-40 triệu đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, hiện còn 33,04%; hộ cận nghèo còn hơn 21%.

CON ĐƯỜNG THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

Khoảng năm 2019, làn sóng xuất khẩu lao động bắt đầu len lỏi vào các bản làng của Chiêu Lưu. Ban đầu chỉ vài thanh niên người Khơ Mú và Thái mạnh dạn vay mượn đi Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Có người về làm ăn khấm khá, dựng nhà mới, mua ô-tô, tạo nên sự thay đổi rõ rệt giữa vùng núi vốn lặng lẽ. Từ đó, những câu chuyện “đi Nhật đổi đời” hay “đi Hàn xây được nhà” lan nhanh.

Dẫn chúng tôi dạo vòng quanh xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lô Văn Cáng phấn khởi khoe: Giờ vào trong bản thấy ngôi nhà nào mới hoặc đang xây đó là những nhà có người đi xuất khẩu lao động. Không ít gia đình còn đầu tư xe tải để vận chuyển hàng hóa, máy móc phục vụ sản xuất. Ngoài cải thiện kinh tế, người dân cũng thay đổi nhận thức. Trẻ em được cha mẹ quan tâm cho đi học đầy đủ, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể. Nhiều gia đình còn đầu tư, định hướng cho các con đi học tiếng Nhật, tiếng Hàn từ sớm để chuẩn bị cho hành trình ra nước ngoài lập nghiệp.

Dù bức tranh Chiêu Lưu hôm nay đã rạng rỡ hơn trước, nhưng không thể phủ nhận những khó khăn, hệ lụy vẫn còn hiện hữu. Một số trường hợp do thiếu hiểu biết đã đi theo đường dây môi giới bất hợp pháp, bị lừa đảo hoặc lao động chui tại nước ngoài dẫn đến rủi ro. Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn Trần Thanh Bình chia sẻ: Thời gian qua, chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ người dân tiếp cận các chương trình vay vốn, đào tạo nghề để đi xuất khẩu lao động.

Huyện cũng thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin, danh sách người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn để rà soát, theo dõi và tuyên truyền, phổ biến về các chính sách hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn cho người lao động và thân nhân đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoàn thiện thủ tục, hồ sơ. Theo thống kê, trong năm 2024, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn có 162 người đi lao động xuất khẩu, nâng tổng số lao động xuất khẩu toàn huyện lên 465 người. Đối với khoản vay xuất khẩu lao động, hiện tổng dư nợ toàn huyện Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay là hơn 2,6 tỷ đồng, riêng xã Chiêu Lưu dư nợ hơn 1,1 tỷ đồng.

Để công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện Kỳ Sơn mang lại hiệu quả cho người dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Xã Văn Lương chia sẻ: Hằng năm các doanh nghiệp vào địa bàn huyện tuyển dụng lao động xuất khẩu đều phải thông qua địa phương và có đầy đủ giấy giới thiệu của cấp trên.

Sau đó, địa phương sẽ cùng các công ty tuyển dụng xuống cơ sở tuyên truyền cụ thể các đơn hàng, đi nước nào, làm gì, mức lương ra sao? Từ đó người dân tin tưởng cho nên con em sau khi học xong trung học phổ thông được gia đình định hướng học nghề, học tiếng, làm hộ chiếu để sẵn sàng đi xuất khẩu lao động, tìm đường thoát nghèo cho gia đình.