Kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955-27/2/2025)

Đầu tư vào AI, xây dựng nền y tế thông minh

Được kỳ vọng tạo nên bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe con người, trí tuệ nhân tạo (AI) ngày nay đã và đang hỗ trợ các y bác sĩ trong chẩn đoán sớm và điều trị bệnh.
0:00 / 0:00
0:00
Bệnh viện Bình Dân đã trở thành trung tâm huấn luyện phẫu thuật robot của khu vực ASEAN. Ảnh: Bệnh viện Bình Dân
Bệnh viện Bình Dân đã trở thành trung tâm huấn luyện phẫu thuật robot của khu vực ASEAN. Ảnh: Bệnh viện Bình Dân

Chẩn đoán chính xác bệnh phức tạp

Tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), thời gian qua việc ứng dụng AI trong chẩn đoán, điều trị bệnh, đặc biệt là ung thư, tim mạch, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. “Ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bệnh là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của bệnh viện, nhằm tăng cường hiệu quả khám chữa bệnh”, PGS,TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Thời gian qua, bệnh viện đã ứng dụng AI trong chẩn đoán sớm ung thư phổi, cho phép phát hiện tổn thương từ 3-5 mm; phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa, khi khối u ở lớp niêm mạc dạ dày... Mới nhất, ngày 22/2, bệnh viện đã ký thỏa thuận hợp tác với đối tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, bao gồm ứng dụng AI trong chẩn đoán, điều trị. Trong đó, ở lĩnh vực chụp cộng hưởng từ, bệnh viện ứng dụng phần mềm chụp nhanh Compressed SENSE, cho phép chụp nhanh hơn tới 50% cho các hình ảnh cộng hưởng từ 2D và 3D đối với chụp sọ não, cột sống, cơ xương khớp, bụng - chậu, tim mạch. Với sự hỗ trợ của AI, hình ảnh siêu âm được thu nhận nhất quán một cách tự động giữa các lần thăm khám, giảm các sai lệch, giúp đơn giản hóa quy trình thăm khám tim thường quy và loại bỏ các thao tác thủ công của bác sĩ.

Theo PGS, TS Đào Xuân Cơ, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 6.000 - 8.000 người bệnh đến khám, điều trị. Việc chẩn đoán chính xác giúp tối ưu quy trình làm việc, giảm áp lực công việc cho đội ngũ nhân viên y tế cũng như giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều năm qua, ứng dụng AI ở nhiều bệnh viện không chỉ cải tiến đáng kể chất lượng và tốc độ chụp mà còn giúp phát hiện các dấu hiệu bệnh sớm, trở thành “trợ thủ đắc lực” cho các bác sĩ. Chẳng hạn, phần mềm EyeDr tại Bệnh viện Mắt Thành phố giúp tầm soát bệnh glaucoma chỉ mất 8-10 giây thay vì đợi 15-20 phút như trước. Trong khi đó, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố đã nghiên cứu ứng dụng AI trong siêu âm tim và trở thành bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam triển khai phương pháp này.

Đối với Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, sau hơn sáu tháng ứng dụng AI trong lập kế hoạch xạ trị ung thư đầu cổ, cũng đã mở ra triển vọng mới cho lĩnh vực này. TS, BS Lâm Đức Hoàng, Trưởng khoa Xạ trị ung thư đầu cổ cho biết, đơn vị là nơi đầu tiên trong nước nghiên cứu và ứng dụng AI trong lập kế hoạch xạ trị ung thư đầu cổ với phần mềm chuyên biệt Raysearch (tích hợp dữ liệu và phân tích). Với phần mềm này, khi nhập thông tin, hình ảnh chụp của bệnh nhân vào, từ kho dữ liệu lớn, AI sẽ xác định tổn thương và tính toán liều xạ trị. Việc sử dụng AI để lập kế hoạch xạ trị giúp giảm thời gian từ 5-10 ngày xuống còn 1-2 ngày, thậm chí xạ trị cấp cứu có thể làm trong ngày.

Nếu như trước đây, một bác sĩ thao tác vẽ tổn thương trên máy tính phải mất 2-4 giờ/bệnh nhân thì với AI thời gian chỉ còn 2-4 phút; thời gian tính toán liều xạ trị cũng được rút ngắn tương tự. Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra lại xem kết quả của AI phù hợp hay chưa và nhận định ban đầu cho thấy sự tương đồng giữa con người làm và AI thực hiện là hơn 90%.

“Với quy trình làm việc mới xen kẽ giữa AI và con người, quy trình tự động hóa dưới sự hướng dẫn của AI sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra sai sót trong quy trình lập kế hoạch xạ trị, từ đó giảm biến chứng và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân”, TS, BS Hoàng chia sẻ.

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực

AI đang dần khẳng định vai trò, mang lại những cải tiến vượt bậc trong chẩn đoán, điều trị, quản lý nguồn lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hành trình ứng dụng AI vẫn đối mặt nhiều thách thức.

Trong đó, rào cản lớn nhất là cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, chi phí đầu tư ban đầu cao và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn nữa, vấn đề bảo mật dữ liệu y tế và xây dựng lòng tin của cộng đồng đối với các giải pháp AI cũng là những yêu cầu cấp bách cần giải quyết. “Vấn đề lớn nhất là tình trạng thiếu hụt dữ liệu y tế đủ lớn và đa dạng để đào tạo cho AI khả năng tổng hợp, phân tích và áp dụng. Bên cạnh đó, cần có nguồn nhân lực trình độ cao, được đào tạo bài bản để sử dụng AI một cách đúng đắn và hiệu quả nhất, tránh lệ thuộc và ỷ lại vào các mô hình tự động”, TS, BS Lâm Đức Hoàng chia sẻ.

Còn PGS,TS, BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dù xây dựng nền y tế thông minh đạt được nhiều thành tựu, nhưng ngành y tế thành phố vẫn đối mặt không ít thách thức. Hạ tầng công nghệ cần được đầu tư mạnh mẽ hơn để bảo đảm hệ thống hoạt động ổn định và bảo mật dữ liệu. Đồng thời, nhân lực y tế cần được đào tạo chuyên sâu để sử dụng hiệu quả các công nghệ mới. Chính sách và cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành cũng cần hoàn thiện để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.

Trong tương lai gần, AI sẽ đi vào ứng dụng nhiều trong chẩn đoán hình ảnh, giúp giảm tải cho y bác sĩ. Bên cạnh đó, AI sẽ là công cụ hữu ích hỗ trợ đội ngũ y tế trong lĩnh vực chẩn đoán, có thể giúp phát hiện các tổn thương rất nhỏ. “Xây dựng y tế thông minh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hành trình chuyển đổi số trong y tế tiếp tục được đẩy mạnh nhằm xây dựng một nền y tế tiên tiến, minh bạch và hiệu quả hơn, phục vụ người dân một cách tốt nhất”, ông Tăng Chí Thượng nhận định.

Để phát huy tiềm năng của AI trong lĩnh vực y tế, Việt Nam cần tập trung đầu tư hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng khung pháp lý chặt chẽ. Những nỗ lực này không chỉ giúp AI phát triển bền vững mà còn bảo đảm lợi ích lâu dài cho cộng đồng và hệ thống y tế quốc gia.