Điều trị tật khúc xạ học đường như thế nào?

Điều trị tật khúc xạ học đường như thế nào?

* Theo bác sĩ, vì sao tỷ lệ trẻ mắc tật khúc xạ học đường ngày càng có chiều hướng tăng nhanh? Căn bệnh này tác động như thế nào đến sự phát triển ở trẻ?

- Tật khúc xạ học đường nói chung và cận thị nói riêng là căn bệnh gây rối loạn chức năng thị giác và chiếm một vị trí đáng kể trong nhóm tật về thị giác, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh và lao động trẻ.

Thực tế cho thấy, càng ở cuối cấp học tỷ lệ học sinh mắc các tật khúc xạ càng tăng. Nguyên nhân chính là mắt bị rối loạn chức năng điều tiết do đọc sách không đúng quy cách, làm việc quá nhiều bằng mắt trong điều kiện thiếu ánh sáng, chế độ dinh dưỡng không đầy đủ...

Khác với cận thị ở người lớn tuổi, cận thị tiến triển (tăng số kính) ở lứa tuổi học sinh không chỉ đơn thuần là rối loạn chức năng thị giác mà là một bệnh lý có biến chứng nguy hiểm.

Trẻ càng cận thị sớm mức độ tăng số kính càng nhanh, tỷ lệ thuận với sự phát triển của cơ thể. Nhiều em chỉ trong một năm mắt đã tăng thêm bốn đi-ốp. Cận thị nặng khiến trẻ nhanh mỏi mắt, nhức đầu, không thể tập trung… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và kết quả học tập.

* Vậy việc điều trị tật khúc xạ, đặc biệt là cận thị ở trẻ hiện nay được thực hiện như thế nào?

- Hiện nay, phương pháp phẫu thuật bằng lazer eximer có thể chữa trị hoàn toàn bệnh cận thị nhưng chỉ áp dụng được cho những trường hợp trên 18 tuổi, khi thể lực và mắt đã ổn định.

Chữa cận thị bằng laser hồng ngoại tại Bệnh viện Mắt Trung ương

Riêng học sinh lứa tuổi THCS chưa thể áp dụng phương pháp này. Với trẻ dưới 18 tuổi trước đây chúng ta thường điều trị bằng cách cho đeo kính gọng hoặc kính áp tròng, song phương pháp này không thể làm dừng quá trình tăng độ cận mà chỉ có tác dụng điều chỉnh mức độ quang học.

Nếu thị lực vẫn kém đi và bệnh nhân cần tăng số kính nghĩa là cận thị đã tăng (độ cận nặng thêm). Để ổn định thị lực và đề phòng các biến chứng như xuất huyết, bong võng mạc... dẫn đến giảm thị lực trầm trọng, bệnh nhân cần được điều trị bằng lazer hồng ngoại. Đây là phương pháp điều trị cận thị tiến triển mới được áp dụng tại Việt Nam và cho kết quả rất cao.

* Bà có thể cho biết những ưu điểm nổi bật của phương pháp này? Trường hợp phát hiện bị cận thị, trẻ có thể điều trị ở đâu?

- Sử dụng lazer hồng ngoại năng lượng thấp có độ dài bước sóng 1,3 micrometre tác động gián tiếp xuyên qua củng mạc, kích thích cơ mi kết hợp luyện tập điều tiết trên máy là phương pháp rất mới và hiện đại trong điều trị cận thị tiến triển ở trẻ em. Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là thời gian điều trị ngắn, chi phí không cao. Chu trình điều trị tối đa là bảy lần, mỗi lần khoảng 10 phút. Chi phí mỗi lần điều trị khoảng 500 nghìn đồng/ mắt.

Sau khi điều trị thị lực của bệnh nhân sẽ được cải thiện rõ rệt, các hiện tượng mỏi mắt, đau đầu, chóng mặt sẽ không còn. Điều trị bằng lazer còn giúp ổn định thị lực và đề phòng được những biến chứng cận thị gây mù lòa... Tuy nhiên, điều trị bằng lazer hồng ngoại chỉ cho hiệu quả cao ở những bệnh nhân bị cận ở mức độ nhẹ, do đó khi thấy trẻ có những triệu chứng bất thường như: học uể oải, mỏi mắt, mỏi cổ... các phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám để có biện pháp điều trị kịp thời. Hiện chữa cận thị bằng lazer hồng ngoại mới được áp dụng ở Bệnh viện Mắt Trung ương, thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu, triển khai phương pháp này tới các tuyến y tế cơ sở để thuận tiện hơn cho người bệnh.

* Xin cảm ơn bà!