Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 40 nghìn doanh nghiệp, nộp ngân sách hơn 12,5 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 36,1% tổng thu nội địa trong tỉnh.
Quan tâm hỗ trợ phát triển, mở rộng hình thức tập hợp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện có hơn 500 hội viên và 2 chi hội cùng 36 hội viên thuộc các ngành hàng, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Thanh Hóa tuyên dương doanh nghiệp, người nộp thuế
Nhiều năm qua, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa chủ trì phối hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tổng hợp khó khăn, vướng mắc, tham mưu đối thoại, giải quyết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
![]() |
Các doanh nghiệp, doanh nhân Thanh Hóa tham dự tọa đàm. |
Nổi bật là năm vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thúc đẩy khởi nghiệp, chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học trong doanh nghiệp, phối hợp đào tạo nhân lực, tọa đàm giao lưu, kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, thực hiện an sinh xã hội.
Tại diễn đàn, các doanh nghiệp phản ánh còn chậm xử lý hồ sơ, giải quyết các thủ tục đất đai cho doanh nghiệp, quy hoạch, bố trí đất sản xuất kinh doanh còn ít, giá thuê đất cao; giá vật liệu xây dựng chưa sát thực tiễn, xuất hóa đơn chỉ bằng 50% sản lượng bán ra, nên rút ngắn thời gian thẩm định điều chỉnh, tăng công suất khai thác mỏ vật liệu xây dựng, tăng sản lượng sản xuất sản phẩm thay thế; tiếp tục thực hiện các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đang triển khai đầu tư công.
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận nguồn vốn vay, lãi suất cao, tiếp cận các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn chế.
Các doanh nhân, doanh nghiệp kiến nghị tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đầu tư hạ tầng, vừa thu hút nhà đầu tư thứ cấp, cung ứng điện phục vụ sản xuất thuận lợi, không nên chấp thuận cho các nhà đầu tư ngoài hạ tầng khu, cụm công nghiệp; quan tâm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, thực hiện bình đẳng giới, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp nhỏ phát triển thành doanh nghiệp lớn; khắc phục thiếu nhân lực chất lượng cao; tiếp tục phát triển hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư khai thác tiềm năng, phát triển đa dạng sản phẩm, cải thiện hoạt động du lịch còn nặng tính mùa vụ.
Một số doanh nghiệp đề nghị các địa phương, ngành liên quan, phối hợp giải quyết chồng lấn đất đai, khắc phục sai sót về mốc giới; hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất xanh, giảm phát thải; tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về thể chế, trợ giúp nhà đầu tư hoàn tất các thủ tục hành chính; quan tâm phát triển tổ chức cơ sở đảng, đảng viên mới trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và nên cụ thể hóa thành tiêu chí thi đua…
![]() |
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao đổi, phát biểu tại diễn đàn. |
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã trao đổi, giải đáp những nội dung liên quan thuộc thẩm quyền, đồng thời tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cơ quan, ngành liên quan xem xét, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị liên quan.
Nhằm đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong những năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 từ 11% trở lên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đề nghị, doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, khuyến khích doanh nghiệp chủ động rà soát, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hiện đại; chủ động nâng cao nhận thức và tích cực hưởng ứng thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, xác định khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế chia sẻ; đóng góp mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa cho 3 đột phá chiến lược của tỉnh: phát triển hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa bày tỏ quan điểm đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp vượt khó, tăng tốc, bứt phá trong tăng trưởng và gợi mở cộng đồng doanh nghiệp, chủ động đề xuất tham gia các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh; phát huy vai trò "doanh nghiệp dẫn đầu", chủ động liên doanh, liên kết, dẫn dắt, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cùng phát triển theo chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao thương hiệu của tỉnh và quốc gia.
Tỉnh Thanh Hóa mong muốn các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng văn hóa kinh doanh, tăng cường trách nhiệm với cộng đồng; tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, trước mắt là xóa nhà tạm, nhà dột nát và xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân.