Đổi mới để thích ứng và vượt qua thách thức

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, dự kiến Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm, đưa ra thảo luận tuần này. Theo Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, tới đây, lần đầu tiên, "Diễn đàn của Quốc hội" về hoạt động giám sát sẽ được tổ chức, cho thấy tinh thần không ngừng đổi mới, cải tiến trong hoạt động của Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Duy Linh
Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ về Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Duy Linh

Song song với đợt 2 của Phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang diễn ra, ngay đầu tuần này, chiều 22/4, Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ tiến hành hội nghị thảo luận và đã cơ bản đồng thuận, thống nhất cao về các nhóm vấn đề trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

Những ngày này, các cơ quan soạn thảo đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu một số dự án luật, dự thảo nghị quyết Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 9, kịp thời gửi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và gửi đại biểu Quốc hội để có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến thảo luận.

Nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của kỳ họp tới đây, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị, thời gian chuẩn bị kỳ họp ngắn, khối lượng công việc lớn, yêu cầu chất lượng cao, do đó đặt ra nhiều thách thức về tiến độ và chất lượng, các cơ quan hữu trách cần quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.

Với tinh thần ấy, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, bảo đảm sự thống nhất và chất lượng nội dung cao nhất trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua.

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, dự kiến Chương trình giám sát năm 2026 của Quốc hội cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt quan tâm, đưa ra thảo luận tuần này. Theo Báo cáo tóm tắt của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, tới đây, lần đầu tiên, chủ trương về việc tổ chức "Diễn đàn của Quốc hội" về hoạt động giám sát đã cho thấy tinh thần không ngừng đổi mới, cải tiến trong hoạt động của Quốc hội. Dự kiến, Diễn đàn sẽ được tổ chức vào khoảng cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8/2025; đồng thời, chủ đề của Diễn đàn đã được xác định là “Giám sát của Quốc hội để kiến tạo phát triển”. Diễn đàn gồm hai chuyên đề, “Hoạt động giám sát của Quốc hội góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước” và “Hoạt động giám sát của Quốc hội góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật”.

Xuất phát từ lợi ích của nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, tại phiên họp ngày 23/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhiều vấn đề quan trọng.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, việc “gần dân, sát dân”, chủ động phục vụ nhân dân là quan trọng cốt lõi, tác động sâu rộng đến toàn xã hội. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ quan chức năng cần kịp thời tham mưu cho Đảng và Nhà nước điều chỉnh vướng mắc, phát sinh (nếu có) để đạt được các yêu cầu theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: “vừa chạy vừa xếp hàng”; “không được để gián đoạn công việc”; “bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ”; “chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Theo dự kiến, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 5/5, tiếp tục được chia thành hai đợt, để xem xét, quyết định khối lượng công việc rất lớn, nhiều nội dung có tính cấp thiết, quan trọng vừa được Trung ương Đảng thống nhất chủ trương tại Hội nghị lần thứ 11 với nhiều nội dung quan trọng như: sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, tinh gọn bộ máy, bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước không bị vướng mắc, gián đoạn, ảnh hưởng tới người dân và doanh nghiệp; đồng thời, các cơ quan của Quốc hội sẵn sàng tiến hành xem xét nội dung khác do Chính phủ đề nghị để bổ sung vào chương trình nếu thật sự cấp thiết.