Tầm nhìn chiến lược Việt Nam-Trung Quốc trong kỷ nguyên mới

Được thực hiện trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đánh dấu mốc son mới trong quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện giữa hai nước láng giềng gần gũi.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Bối cảnh đặc biệt

Diễn ra trong hai ngày (14 và 15/4), đây là chuyến thăm Việt Nam lần thứ tư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Trung Quốc; là chuyến thăm thứ hai trong nhiệm kỳ Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chuyến thăm được thực hiện chỉ hơn một năm sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (tháng 12/2023) và chưa đầy một năm sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (tháng 8/2024). Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình trong năm 2025.

Chuyến thăm diễn ra trong Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước (1950-2025) và vào dịp Việt Nam kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại: 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm thành lập nước và 50 năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Được thực hiện trong bối cảnh đặc biệt đó, chuyến thăm thể hiện đầy đủ sự coi trọng rất cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Trung Quốc đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc và tình cảm hữu nghị, sâu đậm giữa hai Đảng, hai Nhà nước, cùng nhân dân hai nước.

Tin cậy chiến lược cao hơn, hợp tác sâu rộng hơn

Trong các cuộc hội đàm, hội kiến, các nhà lãnh đạo hai nước cùng đánh giá tích cực quan hệ hai Đảng, hai nước. Sau khi hai bên tuyên bố xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, đã có những bước phát triển vượt bậc theo phương hướng “6 hơn”: Trao đổi chiến lược cấp cao và các cấp diễn ra mật thiết; hợp tác thực chất trong các lĩnh vực tiến triển, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại tăng trưởng tích cực; nền tảng hữu nghị được củng cố vững chắc hơn, với nhiều điểm sáng về hợp tác du lịch, giáo dục, văn hóa, giao lưu địa phương… Hai bên hợp tác tốt tại các cơ chế, diễn đàn đa phương; duy trì trao đổi về các vấn đề còn tồn tại, trên tinh thần chân thành, cởi mở.

Tiếp đà ổn định và vững chắc của quan hệ hai Đảng, hai nước, hai bên xác lập định hướng phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới, được nêu bật trong Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc, về tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Theo đó, hai bên “cùng nhau nâng tin cậy chiến lược lên mức cao hơn”, “xây dựng trụ cột hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn”, “xây dựng cấu trúc hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn”…

Khẳng định định hướng cấp cao, nhất là định hướng chiến lược của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước có vai trò quan trọng không thể thay thế đối với sự phát triển ổn định, lành mạnh của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, hai bên tiếp tục phát huy đầy đủ vai trò đặc biệt của kênh Đảng, tăng cường vai trò của cơ chế giao lưu, hợp tác giữa hai Đảng. Đồng thời, hai bên tăng cường giao lưu, hợp tác hữu nghị trên các kênh Quốc hội, Chính phủ, tổ chức Mặt trận Tổ quốc. Nhấn mạnh hợp tác quốc phòng-an ninh là trụ cột góp phần quan trọng củng cố tin cậy chiến lược giữa hai Đảng, hai nước, hai bên nhất trí làm sâu sắc hợp tác an ninh chính trị, thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược “3+3” về ngoại giao, quốc phòng, công an cấp Bộ trưởng...

Về tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, Tuyên bố chung nhấn mạnh: Hai bên coi việc Trung Quốc phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, Việt Nam phát triển lực lượng sản xuất mới là cơ hội xây dựng cấu trúc hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn. Hai bên nhấn mạnh về tăng cường kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế, kết nối các chiến lược phát triển vùng của hai nước; nỗ lực đưa hợp tác khoa học công nghệ trở thành điểm sáng mới trong hợp tác hai nước, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới nổi, như trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, phát triển xanh, kinh tế số...

Kiên định sự nghiệp hữu nghị, củng cố nền tảng xã hội

Nhấn mạnh hai nước tiếp giáp về địa lý, gần gũi về văn hóa, tình cảm nhân dân gắn bó, cùng nỗ lực vì nhân dân hạnh phúc và đất nước giàu mạnh, vì sự nghiệp cao cả hòa bình và tiến bộ của nhân loại, Việt Nam và Trung Quốc khẳng định coi trọng, dành ưu tiên cao cho quan hệ hai nước, coi đây là lựa chọn chiến lược.

Tuyên bố chung nêu bật mục tiêu “kiên định thúc đẩy sự nghiệp hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc”, theo đó, phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, kiên trì phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và mục tiêu tổng thể “6 hơn”, tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Triển khai và làm sâu sắc nội hàm này, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố nền tảng xã hội vững chắc của Cộng đồng. Trong đó, dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc là cơ hội để triển khai chuỗi hoạt động giao lưu nhân văn gắn kết lòng dân, đậm đà và thiết thực, góp phần củng cố nền tảng xã hội.

Tại các sự kiện Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc và khởi động “Hành trình đỏ: Nghiên cứu, học tập của thanh niên”, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước hai nước đều nhấn mạnh: Thực tiễn lịch sử 75 năm qua cho thấy hữu nghị và hợp tác luôn là dòng chảy chính của quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, và một trong những phương hướng hợp tác quan trọng nhất là củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cội nguồn và sức mạnh của quan hệ hai Đảng, hai nước nằm ở nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước gánh vác trọng trách kế thừa và phát triển tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai nước, do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước đích thân gây dựng.

Với dự án “Hành trình đỏ: Nghiên cứu, học tập của thanh niên”, hai nước tiếp tục phối hợp phát huy hiệu quả các “di sản đỏ” ở cả Việt Nam và Trung Quốc, gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối cách mạng hai nước, để tuyên truyền giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về chặng đường cách mạng, hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc, qua đó nâng cao nhận thức về truyền thống hữu nghị và quan hệ hai Đảng, hai nước.