Đồng bộ hạ tầng giao thông Đông Nam Bộ với Tây Nguyên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công dự án đường bộ cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành ngay dịp đầu xuân năm mới 2025 (ngày mồng 4 Tết Ất Tỵ). Đây là bước phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, giúp kết nối liên vùng Đông Nam Bộ với khu vực Tây Nguyên.
Tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã đưa vào khai thác một số đoạn.
Tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành đã đưa vào khai thác một số đoạn.

Khởi đầu…

Đây là tuyến đường cao tốc đầu tiên kết nối TP Hồ Chí Minh với Bình Dương, Bình Phước và sẽ tiếp tục liên thông với tuyến đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa (Đắk Nông) để kết nối lên Tây Nguyên.

Tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 59,2 km, trong đó đoạn qua Bình Dương dài 52,1 km; qua Bình Phước 7,1 km. Ngoài ra còn đoạn nối từ đường vành đai 2 đến vành đai 3 dài khoảng 7 km gồm 4 km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư quy mô đường đô thị 8 làn và 3 km địa phận TP Hồ Chí Minh chưa đầu tư.

Trong giai đoạn 1 sẽ làm đường với quy mô 4 làn xe; tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực; dự kiến hoàn thành năm 2027.

Việc đầu tư xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ kết nối vùng Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển cho các địa phương, mở ra không gian phát triển mới. Khi dự án đường cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa hoàn thành sẽ kết nối với khu vực Tây Nguyên, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các địa phương trong khu vực và cả nước.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng chiến lược của tuyến đường, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương tính toán lại tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án vào ngày 2/9/2026 (sớm hơn dự kiến 1 năm). Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn, giám sát làm việc với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua dông bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”, làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ.

Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh khẩn trương đầu tư càng sớm càng tốt đoạn tuyến 3 km thuộc địa phận TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Phước đẩy nhanh việc triển khai đoạn tuyến 7 km còn lại qua tỉnh với tinh thần không trông chờ, ỷ lại và mục tiêu hoàn thành trong năm 2025 để nối thông toàn tuyến khi đoạn qua Bình Dương hoàn thành.

Thủ tướng cũng yêu cầu trong quý I/2025, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành, địa phương liên quan phải hoàn thành xong các thủ tục để khởi công trước ngày 30/4/2025 tuyến đường cao tốc từ Chơn Thành (Bình Phước) tới Gia Nghĩa (Đắk Nông) để kết nối giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đây là mệnh lệnh của trái tim, phải thực hiện bằng được để đáp ứng mong đợi của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Với vai trò của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận cho hay, hiện mỗi ngày có khoảng 10% container xuất nhập khẩu của cả nước đi qua Bình Dương. Khi các tuyến đường mới hoàn thành thì hàng hóa, nguyên liệu từ Tây Ninh, Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên cũng có thể đi tắt qua Bình Dương rồi đến sân bay, cảng biển. Từ đó giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và mang lại hiệu ứng tích cực cho toàn xã hội.

Đồng loạt triển khai các dự án cao tốc trọng điểm

Theo kế hoạch, khu vực Tây Nguyên sẽ được đầu tư 9 tuyến trước giai đoạn 2030. Trong đó, đoạn cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa nối vùng Tây Nguyên với duyên hải miền trung dài 117,5 km đã khởi công từ giữa năm 2023. Dự kiến tuyến đường cao tốc này sẽ thông xe những đoạn đầu tiên trong năm 2025 trước khi hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026 - 2027. Trong khi đó, tuyến đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành dài 140 km cũng đã được Quốc hội thông qua và có kế hoạch khởi công trong năm 2025.

Ngoài ra, hiện dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 (dự án thành phần nằm trong tổng thể tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Liên Khương dài hơn 200 km, kết nối TP Hồ Chí Minh với Tây Nguyên) đang được Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Cũng theo xác nhận của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái, hiện nay, các vướng mắc của hai tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành xem xét tháo gỡ. Dự kiến, các dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương sẽ khởi công trước ngày 30/4/2025.

Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương Mai Hữu Tín cho rằng, các dự án mới như đường vành đai 4 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành sẽ là các trục giao thông liền mạch, việc tiếp cận hàng hóa, nguyên liệu từ Bình Dương nói riêng và các tỉnh lân cận nói chung đến các cơ sở hạ tầng chính của quốc gia như sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) sẽ được thông suốt.

Riêng vùng Đông Nam Bộ, bên cạnh đang khai thác các đoạn đường cao tốc bắc - nam phía đông từ Dầu Giây về Long Thành, từ TP Hồ Chí Minh đến Trung Lương, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và mới đưa vào khai thác hai đoạn tuyến thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Hai đoạn bao gồm từ nút giao TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đến Quốc lộ 1 và đoạn từ nút giao đường vào cảng Phước An đến Quốc lộ 51. Đoạn tuyến còn lại của tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 đang thi công và mốc hoàn thành vào năm 2025 - 2026. Riêng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vừa được khởi công và đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ khởi công năm 2025.

Theo Bộ Giao thông vận tải, cả nước đã và đang đầu tư nhiều tuyến đường cao tốc để đạt mục tiêu năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km. Trong đó, đường cao tốc bắc - nam phía đông đang khai thác nhiều đoạn và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025 để nối thông từ Lạng Sơn đến Cà Mau.