Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông: Hoàng đế anh minh, danh nhân văn hóa tiêu biểu

Nhân kỷ niệm 700 năm Ngày mất của Trần Nhân Tông (1308 - 2008), ngày 26-11, tại thị xã Wallg Bí (Quảng Ninh), Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Ðức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, cuộc đời và sự nghiệp.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Ðức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đến dự. Dự Hội thảo còn có Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh, Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư đến hội thảo. Tham dự hội thảo còn có đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, các học giả trong, ngoài nước và đông đảo chư tôn, hiền đức trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng đại diện Ban Trị sự các tỉnh, thành phố; các giáo phẩm, hòa thượng, đại đức, tăng ni, phật tử trong cả nước.

Với 91 bản tham luận gửi tới, hội thảo đã tập trung vào ba chủ đề chính: vua Trần Nhân Tông - con người và thời đại; vua Trần Nhân Tông - Anh hùng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; di sản tư tưởng văn hóa của thời đại nhà Trần và vua Trần Nhân Tông. Hội thảo làm rõ thêm cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một giai đoạn phát triển rực rỡ của Ðạo Phật Việt Nam. Ðây cũng là cơ sở, nguồn tài liệu quan trọng để các cơ quan chức năng xem xét trình UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới. Tại hội thảo, UBND tỉnh Nam Ðịnh đã trao tặng bản sao Bản sắc phong sớm nhất của đời vua Trần Thái Tông cho Giáo hội Phật giáoViệt Nam.   

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hùng Hậu, Viện Triết học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Trần Nhân Tông không chỉ là nhà quân sự, ngoại giao, ông còn là nhà chính trị có tầm mắt nhìn xa trông rộng về những kế sách và giữ nước. Dưới thời ông, tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng thấy, thể hiện không chỉ qua việc đánh đuổi một đội quân xâm lược mạnh lúc bấy giờ ra khỏi bờ cõi mà còn hình thành chữ viết riêng (chữ Nôm) và hình thành một thiền phái Phật giáo mang mầu sắc Việt Nam - thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ở ông còn toát lên tư tưởng thân dân, thương dân, khoan thư sức dân để làm gốc rễ lâu dài. Ông đã hợp nhất được hai nhánh Vô Thông Ngôn Thăng Long và Yên Tử thành thiền phái thống nhất.

Hòa thượng Thích Thông Phương, Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Chùa Lân), Yên Tử, xã Thượng Yên Công, Wallg Bí, Quảng Ninh, nêu rõ: Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng tạo là dòng thiền đầu tiên ở nước ta, là bước ngoặt lịch sử của Phật giáo Việt Nam, mở ra nền văn hóa Thiền học nước nhà, mang tính phổ thông và gần gũi với dân tộc. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tham luận về triết lý nhân bản, xã hội Mười điều thiện của Trần Nhân Tông, trong đó nêu rõ thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng sáng tạo không những thể hiện trọn vẹn tinh thần Phật giáo Việt Nam, mà còn phù hợp ý chí chư Phật và lòng người. Qua đó tạo nên sự đoàn kết, nhất trí toàn dân, thống nhất Phật giáo.