Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 có sự đóng góp, đoàn kết, hiệp đồng sức mạnh toàn dân, toàn quân. Mùa xuân năm 1975, cùng với khí thế sôi sục của cả nước chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công chiến lược giải phóng miền nam, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27, khi đó trong đội hình của Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390), Binh đoàn Quyết Thắng, triển khai cuộc hành quân cơ giới thần tốc tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trung đoàn mang tên hai huyện giải phóng
Những ngày này, Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Huy Hiệu luôn bận rộn với những lịch trình dày đặc. Ở tuổi 78, ông vẫn miệt mài tới thăm những cơ sở cách mạng nơi trước đây mình từng công tác. Hành trang ông mang theo cũng thật đặc biệt, đó là hàng nghìn cuốn sách dành tặng các tủ sách nơi ông gặp mặt.
Cách đây đúng 50 năm trước, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu lúc đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, thuộc Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 hay còn được biết đến với cái tên “Binh đoàn Quyết Thắng”. Tháng 3/1975, Trung đoàn 27 thực hiện cuộc hành quân cơ giới từ Tam Điệp vào để làm dự bị cho chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng. Song, khi nhận tin Huế đã giải phóng, Trung đoàn 27 trong đội hình của Binh đoàn Quyết Thắng lại tiếp tục hành quân để hình thành các mũi thọc sâu vào lòng địch.
Trung đoàn 27 được thành lập tháng 2/1968 tại xã Nam Anh (huyện Nam Đàn, Nghệ An), sau đó đơn vị đã tham gia chiến đấu và lập nhiều chiến công trên các chiến trường Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. “Tôi khi đó là chàng thanh niên Nguyễn Huy Hiệu tham gia chiến đấu trên các chiến trường, vai đeo ba-lô, chân đi dép cao su, hành quân dọc theo chiều dài dãy Trường Sơn vào tới mặt trận tham gia cuộc chiến đấu Bình Trị Thiên, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào. Từ đó rồi giữ vị trí chỉ huy chiến đấu từ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, rồi trưởng thành và giữ vị trí Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, sau này là Trung đoàn Triệu Hải”, ông vừa nhấp ngụm trà vừa từ tốn kể với chúng tôi.
Sau này, khi đất nước giải phóng, ông tiếp tục cống hiến cho binh nghiệp, trở thành Tư lệnh Quân đoàn 1, rồi Thứ trưởng Quốc phòng và tháng 4/2010 được Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga bầu làm Viện sĩ khoa học quân sự nghệ thuật chiến tranh.
Ngày 20/12/1972, Trung đoàn 27 được tuyên dương danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, mang danh hiệu “Đoàn Triệu Hải” Anh hùng, ghép giữa tên hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng thuộc tỉnh Quảng Trị, để kỷ niệm trung đoàn nhiều năm chiến đấu ở “đất lửa” và trực tiếp góp phần giải phóng hai huyện này. Với bề dày thành tích, Trung đoàn 27 đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trên chiến trường Quảng Trị, đóng vai trò như một mắt xích trong những diễn biến lịch sử tiếp theo, cả trên bàn đàm phán và trong chiến lược quân sự về sau này.
Đầu tháng 10/1973, theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Trung đoàn 27 về đứng trong đội hình của Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390) để cùng các đơn vị khác thành lập Quân đoàn 1 - quân đoàn chủ lực cơ động đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong thời gian này, đồng chí Huỳnh Ngọc Giao được cử giữ chức Trung đoàn trưởng thay đồng chí Nguyễn Quân được cấp trên điều đi nhận công tác khác, theo “Lược sử Trung đoàn bộ binh 27, Sư đoàn 390 (1968 - 2018)”.
Ông Hiệu kể tiếp: “Sau hơn 1 năm được cử đi đào tạo ở Học viện Quân sự, rồi được giữ lại trường làm giáo viên, tôi được cấp trên quyết định điều về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 thay anh Huỳnh Ngọc Giao nhận nhiệm vụ mới. Quyết định này đúng mong mỏi của tôi, tôi phấn khởi lắm, khoác ba-lô lên đường. Lúc đó, về đơn vị chiến đấu là nguyện vọng của nhiều người!”.
Cuối tháng 10/1974, Trung đoàn được lệnh hành quân từ Quảng Trị ra Thanh Hóa để xây dựng huấn luyện theo yêu cầu của Quân đoàn chủ lực. “Khi tôi về đến thì trung đoàn đang đứng chân ở huyện
Như Xuân, Thanh Hóa. Cả trung đoàn lại hừng hực khí thế thi đua quyết tâm xây dựng đơn vị chính quy, hiện đại, tinh nhuệ, thiện chiến, có sức đột kích mạnh, cơ động cao”, ông nói.
Cuộc hành quân từ ven đê sông Đáy vượt dãy Trường Sơn
Giữa tháng 3/1975, khi cả trung đoàn đang lao động trên công trường đắp đê sông Đáy phân lũ sông Hồng thì nhận được lệnh của Sư đoàn: “Trung đoàn 27 tổ chức hành quân cơ động gấp tại vị trí đắp đê để đi nhận nhiệm vụ chiến đấu”. Tuy đã được chuẩn bị trước nhưng vũ khí trang bị lúc này thiếu thốn, biên chế tổ chức chưa được kiện toàn đầy đủ, đây lại còn là lần đầu trung đoàn tổ chức cơ động bằng xe cơ giới đường dài.
Trung đoàn được giao nhiệm vụ hành quân đi đầu đội hình sư đoàn, quân đoàn với ý định của cấp trên kịp tham gia trận đánh Thừa Thiên Huế. Trung đoàn tổ chức thành hai khối tập kết ở khu vực Binh trạm 1 của Đoàn 559 (phiên hiệu của Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh).
“Thấy bộ đội chuẩn bị hành quân, nhân dân mỗi người một tay giúp các chiến sĩ của trung đoàn. Các cụ phụ lão chọn những cây tre già, dày đốt làm cho anh em những chiếc đòn khiêng pháo. Có đơn vị anh nuôi còn nhận được cả những chiếc sọt tre đan vội, nan không kịp vót. Thôn xóm có bộ đội ở nhộn nhịp như ngày hội. Bà con coi việc giúp bộ đội lên đường ra trận là trực tiếp góp công, góp sức cho tiền tuyến”, ông nhớ lại.
Sau này, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại, Quân đoàn 1 chưa được cấp trên giao nhiệm vụ chiến đấu là nằm trong kế hoạch nghi binh chiến lược của Bộ Tổng Tư lệnh. Vì địch luôn theo dõi Quân đoàn 1 - đơn vị dự bị chiến lược của Bộ. Khi thấy Quân đoàn 1 vẫn “chưa động binh”, chúng đoán rằng ta chưa thể đánh lớn.
Thời cơ là sức mạnh
“Ngày 2/4/1975, một cán bộ tham mưu Đoàn 559 mang đến cho tôi mệnh lệnh của Thiếu tướng Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng. Mệnh lệnh viết: “Gửi Trung đoàn 27. Nhận được điện này, các đồng chí tổ chức cho đơn vị hành quân ngay ra Đông Hà cùng đội hình sư đoàn đi làm nhiệm vụ mới”, ông bồi hồi nhớ khi mệnh lệnh hành quân được truyền đi khắp trung đoàn. Ai nấy đều phấn chấn, các đơn vị nhanh chóng đã có mặt đầy đủ. Ngay sau đó, đơn vị vượt đèo Ang Bun và bắt đầu cuộc hành quân theo tuyến tây Trường Sơn nhằm hướng nam thẳng tiến, tập kết tại Đồng Xoài để chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử.
Thời gian trôi đi vùn vụt. Tình hình chiến trường hết sức khẩn trương. Cách mạng nước ta đang ở giai đoạn một ngày bằng 20 năm. Lúc này cán bộ, chiến sĩ trung đoàn đều hiểu sâu sắc hơn về thời cơ và thời gian còn lại. Thời cơ bao nhiêu năm mới có một lần. Thời cơ là sức mạnh! Thời gian là lực lượng, là chiến thắng! Chậm một giờ, một phút là có tội với dân tộc với lịch sử.
Đường Hồ Chí Minh vào thời điểm này nối đuôi nhau những xe chở bộ đội, chở hàng hóa, xe kéo pháo, xe tăng, xe thiết giáp nối nhau chạy về phía nam, cả Trường Sơn rùng rùng chuyển động. Đội hình hành quân của Trung đoàn 27 nối liền với đội hình của sư đoàn và các đơn vị bạn trải dài theo con đường mang tên Bác. Các đơn vị được lệnh đi cả ngày lẫn đêm, chỉ dừng lại ở những chỗ có nước cho bộ đội thổi cơm. Thời gian thổi cơm được quy định sít sao. Xe nào thổi cơm không kịp phải mang cả nồi lên xe thổi tiếp. Ngày đầu trung đoàn đi được khoảng 100 km, rồi dần dần tăng lên 150-200 km. Có ngày đạt kỷ lục 300 km. Xe chạy suốt ngày đêm bụi cuốn mịt mù, những cánh rừng đại ngàn rung chuyển, ầm ào trong tiếng máy nổ của các loại xe.
“Đã vào những tháng cuối của mùa khô, trời vẫn nắng nóng hầm hập. Mặt đất như bị nung lên, bị đốt cháy dưới nắng lửa, nóng và bụi. Chưa bao giờ cán bộ, chiến sĩ ta gặp một cảnh bụi khủng khiếp đến như vậy. Có những đoạn, xe sau cách xe trước chỉ 5 - 7 m cũng không nhìn thấy nhau…”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại những ký ức xa xăm nhưng đầy hào hùng của một thời hoa lửa.
Đại tướng Văn Tiến Dũng, lúc bấy giờ là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông là người trực tiếp chỉ huy các lực lượng vũ trang trong chiến dịch, bao gồm 5 quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232), cùng các đơn vị hỗ trợ và lực lượng địa phương. Trong cuốn “Đại thắng Mùa xuân” của ông năm 1976, ông viết: “Ngày 25/3/1975, Quân đoàn 1 do đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Hòa - Tư lệnh, và đồng chí Thiếu tướng Hoàng Minh Thi - Chính ủy, chỉ huy đang đắp đê ở Ninh Bình thì được lệnh hành quân bằng cơ giới thần tốc vào nam tham gia chiến đấu. Quân đoàn vượt 1.700 km, cuối trung tuần tháng 4 đã đặt chân tới Nam Bộ”.
(Còn nữa)