1. Đôi bạn Sơn Tùng, Lê Lam là những văn nghệ sĩ từ miền bắc xung phong vào chiến trường Nam Bộ từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Các ông đã quen biết nhau ở R (mật danh của Trung ương Cục Miền Nam). Tại Chiến khu R, đồng chí Nguyễn Văn Linh (tên thật là Nguyễn Văn Cúc - bí danh Mười Cúc), Bí thư Trung ương Cục Miền Nam là người quan tâm tới các nhà báo, phóng viên chiến trường, nhà nhiếp ảnh, nhà văn, họa sĩ đang bám sát thực tế chiến đấu của chiến sĩ và đồng bào miền n am... Anh Mười Cúc đã từng gặp gỡ và trân trọng tài năng và nhiệt huyết của nhà văn Sơn Tùng và họa sĩ Lê Lam.
2. Mùa xuân năm 1988, ông Nguyễn Thắng Vu (mới lên nhận chức Giám đốc NXB Kim Đồng được một năm) đã mạnh dạn quyết định: Đầu tư làm một cuốn sách tranh in mầu có chất lượng cao từ tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng, do họa sĩ Lê Lam sáng tác. NXB Kim Đồng cũng đã được biết thông tin: “Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris (20/10 - 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, vào năm 1990”. Cuốn sách tranh từ tiểu thuyết “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng do họa sĩ Lê Lam sáng tác sẽ là cuốn sách chào mừng kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự kiện vinh danh Người của Đại hội đồng UNESCO.
Tháng 4/1988, NXB Kim Đồng đã cử một đoàn công tác đi thực tế vào quê Bác ở Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. Đoàn công tác gồm có: Nhà văn Sơn Tùng, họa sĩ Lê Lam, ông Nguyễn Văn Tân - Trưởng Ban Biên tập sách Truyền thống, nhà văn Lê Phương Liên - biên tập viên, ông Nguyễn Văn Bính - cán bộ truyền thông và ông Trịnh Phi Bính - lái xe. Tại quê nội của Bác Hồ ở Làng Sen (Kim Liên) và quê ngoại Bác Hồ ở Làng Chùa (Hoàng Trù), nhà văn Sơn Tùng đã là người truyền cảm hứng cho họa sĩ Lê Lam và cả đoàn làm sách những tình cảm gắn bó sâu sắc và thiêng liêng với gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tuổi thơ của Người. Sau đó đoàn đã có chuyến đi tới Cố Đô Huế, nơi gắn bó với tuổi thanh xuân của Bác Hồ.
Từ sau hai chuyến đi thực tế đó, với cảm hứng thăng hoa mãnh liệt, họa sĩ Lê Lam miệt mài sáng tác với sự động viên chia sẻ của nhà văn Sơn Tùng. Mùa thu năm 1988, họa sĩ Lê Lam đã hoàn thành 25 bức tranh mầu nước tuyệt đẹp miêu tả phong cảnh quê hương, con người Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Chỉ bằng 25 bức tranh, họa sĩ Lê Lam đã truyền tải được nội dung của cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh”, cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết trọn vẹn về thời niên thiếu cho tới khi ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Mỗi bức họa là một tác phẩm ghi lại từng giai đoạn trong cuộc đời của Bác, gắn liền với lịch sử dân tộc. Mỗi bức họa từ chân dung thời thơ ấu cho tới khi là một chàng trai rời bến Nhà Rồng đều nổi bật cốt cách, tâm hồn và chí hướng Hồ Chí Minh.
Tác phẩm của hai nghệ sĩ cao niên lại có phong cách hiện đại. Các ông không thể hiện tác phẩm theo dòng kể chuyện như nhiều tranh truyện đã có. Hai tác giả “Từ làng Sen” đã để lại cho đời một cuốn sách tranh theo cảm xúc ấn tượng với những điểm nhấn lịch sử đậm chất mỹ cảm trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Chính vì vậy bản thảo sách tranh “Từ làng Sen” ban đầu đã có những ý kiến trái chiều. Sách như một tập tranh vẽ và lời dẫn là lời bình luận, không phải lời kể chuyện. E rằng người đọc (nhất là trẻ em) chưa thấy rõ câu chuyện cuộc đời Bác Hồ! Giữa lúc Ban Biên tập còn đang bàn luận thì một tin bất ngờ từ họa sĩ Lê Lam đưa tới: “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ đến NXB Kim Đồng để xem những bức tranh của cuốn “Từ làng Sen”!”.

3. Những năm tháng đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đang được toàn dân ngưỡng mộ là một lãnh tụ mở đầu thời đổi mới. Đặc biệt là từ cuối tháng 5/1987 trên trang nhất Báo Nhân Dân xuất hiện chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả N.V.L. Trong dư luận dân chúng, người thì bảo N.V.L nghĩa là “Nói và Làm”; người thì bảo là N.V.L là “Nguyễn Văn Linh”. Những bài báo ngắn, làm sôi động dư luận toàn đất nước.
Tin vui được đón tiếp người đứng đầu của Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo đất nước thời Đổi mới khiến cả NXB Kim Đồng bàng hoàng. Ban lãnh đạo NXB hy vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ có một ý nghĩa lớn hơn một cuộc đi xem tranh “Từ làng Sen”. NXB Kim Đồng đã báo cáo tin vui với Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khi ấy Bí thư thứ nhất Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là đồng chí Hà Quang Dự. Do trụ sở của NXB ở 64 Bà Triệu khá chật chội, lại chung với 4 cơ quan khác của Trung ương Đoàn, nên Ban Bí Thư Trung ương Đoàn đã dành trụ sở 60 Bà Triệu là nơi đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Phòng tiếp khách của Ban Bí thư là nơi trưng bày các bức tranh của họa sĩ Lê Lam trong cuốn “Từ làng Sen”.
Buổi sáng 11/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã xuất hiện ở Trụ sở Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (60 Bà Triệu) với nụ cười thân mật. Ông có dáng người cao lớn nhưng gọn gàng trong bộ âu phục mầu sẫm, toát lên một phong thái thanh lịch giản dị. Đi cùng Tổng Bí thư chỉ có hai cán bộ (một vị là bảo vệ và một bác sĩ chuyên chăm sóc sức khỏe cho ông). Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh rất mừng rỡ gặp lại nhà văn Sơn Tùng và họa sĩ Lê Lam hai người bạn cũ trong những năm tháng kháng chiến gian khổ ở Chiến khu R.
Ông thân mật hỏi thăm sức khỏe nhà văn Sơn Tùng vì biết nhà văn là thương binh nặng đã rất cố gắng viết được tác phẩm nổi tiếng “Búp sen xanh”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vui vẻ bắt tay chào hỏi đồng chí Hà Quang Dự - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cùng ông Nguyễn Đình Hiền - Cục trưởng xuất bản (Bộ Văn hóa, Thông tin) và ông Nguyễn Thắng Vu - Giám đốc NXB Kim Đồng.
Toàn thể cán bộ NXB Kim Đồng ở Hà Nội (chỉ hơn 20 người) có mặt đông đủ tại sảnh chính ngôi nhà 60 Bà Triệu. Cuộc đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh diễn ra trang trọng không rình rang ồn ào. Một số rất ít phóng viên báo chí, nhiếp ảnh tới dự sự kiện tác nghiệp rất trật tự.
Trước hết, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đi xem tranh vẽ của cuốn sách “Từ làng Sen” và nghe họa sĩ Lê Lam giới thiệu các bức tranh. Ông tỏ ra rất thán phục vẻ đẹp của những bức tranh này. Sau đó, Tổng Bí thư lắng nghe ông Nguyễn Thắng Vu báo cáo về hoạt động đổi mới của NXB Kim Đồng trong hai năm 1987, 1988: Thành lập Phòng phát hành để tự chủ việc phát hành sách mở rộng địa bàn hoạt động khắp cả nước. Về đối ngoại mở rộng quan hệ với Nhật Bản và các nước ASEAN; duy trì quan hệ với các NXB thiếu nhi Liên Xô, đồng thời mở thêm các mối quan hệ với Pháp, Đức và các nước châu Âu khác. Về công tác xuất bản, NXB thành lập Ban tranh truyện và tăng số lượng xuất bản tranh truyện so với loại sách theo truyền thống; mở rộng hợp tác quốc tế để học hỏi bạn bè về xuất bản sách trẻ em trên thế giới.
Cuộc gặp gỡ với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại dư âm rất lâu dài trong toàn thể anh chị em cán bộ NXB Kim Đồng. Vui nhất là chị Lê Thanh Nga - cán bộ biên tập (quê ở Bần Yên Nhân, Yên Mỹ, Hưng Yên) đã bạo dạn đến bên đồng chí Nguyễn Văn Linh và nói: “Thưa bác, quê cháu ở Bần!”. Thật không ngờ đồng chí Nguyễn Văn Linh đã vui vẻ đáp lại rằng: “Thế thì bây giờ thì phải làm sao đổi BẦN thành PHÚ nhé!”. Tất cả mọi người đang đứng quây quần chung quanh đều cười vang! Ai cũng vui vẻ hồ hởi khi được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh bắt tay tạm biệt trước khi ra về.
Khi ông Nguyễn Thắng Vu cho biết đã có dự kiến xuất bản sách tranh “Từ làng Sen” bằng 6 thứ tiếng (Việt, Anh, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc). Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tỏ lời khen ngợi NXB Kim Đồng: “Các đồng chí đã biết tự đổi mới, tự cứu lấy mình như thế là rất đúng. Đảng ủng hộ các đồng chí! NXB Kim Đồng cần mạnh dạn đổi mới sáng tạo mà vẫn giữ vững định hướng sách như cuốn “Từ làng Sen” này!”.
4. Đã hơn 30 năm qua, giờ đây ngồi viết lại những dòng này, trong tâm hồn tôi còn hiển hiện từng nét mặt, từng nụ cười, từng giọng nói ngày ấy. Tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Nguyễn Thắng Vu, nhà văn Sơn Tùng, họa sĩ Lê Lam..., những người đã thanh thản về cõi bất tử. Cuốn sách tranh “Từ làng Sen” và kỷ niệm ngày Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm NXB Kim Đồng sẽ còn mãi trong ký ức của các thế hệ cán bộ NXB hôm nay và mai sau.