Người dẫn dắt những ý tưởng hòa bình

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kiên trì tìm cách hòa bình, tìm con đường hòa bình để đem lại hòa bình cho nhân dân, cho đất nước Việt Nam với đầy đủ nội dung về quyền độc lập, tự do của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số thành viên Chính phủ đón Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm Việt Nam tại sân bay Gia Lâm ngày 24/6/1959.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng một số thành viên Chính phủ đón Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm Việt Nam tại sân bay Gia Lâm ngày 24/6/1959.

Những ý tưởng hòa bình của Người vẫn đồng hành để Việt Nam vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định trước tình hình quốc tế đầy biến động.

Tư tưởng hòa bình xuyên suốt và nhất quán

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu nguyên lý mới về quyền dân tộc cơ bản: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Tuyên ngôn độc lập)[1]. Từ nguyên lý đó, Người làm sáng tỏ khát vọng, ý chí của dân tộc Việt Nam “xây dựng khối hòa bình gồm nhiều dân tộc, coi nhau như bầu bạn, anh em, đoàn kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng sống với nhau trên những nguyên tắc hòa mục hữu nghị, cùng nhau ra sức giữ gìn hòa bình thế giới”[2].

Ngày 3/10/1945, chỉ một tháng sau khi “nước Việt Nam mới” ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông cáo về chính sách đối ngoại của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông báo với thế giới đường lối đối ngoại của Chính phủ lâm thời: Với các nước láng giềng thì hợp tác bình đẳng để “sánh vai ngang hàng cùng tiến hóa”, với các “nước lớn” thì sẵn sàng hợp tác thân thiện trên nguyên tắc bình đẳng, ủng hộ lẫn nhau. Đó là những nguyên tắc quan trọng để nhằm mục tiêu: Xây đắp nền hòa bình thế giới.

Khi còn đang phải tiến hành cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn bày tỏ quan điểm: “Nguyện vọng của nhân dân nước Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, có quan hệ hữu nghị và bình đẳng với tất cả các nước trên thế giới”[3].

Với cái nhìn khoan dung văn hóa và văn hóa khoan dung ngời sáng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tìm được và nhấn mạnh những điểm tương đồng, những “mẫu số chung” để hướng tới cái đích cuối cùng là độc lập, tự do, thống nhất, phát triển trong hòa bình khi vẫn bảo lưu những điểm khác biệt. Những điểm chung đó là các giá trị văn hóa nhân văn mang tính phổ quát: Những nguyên tắc đạo đức, lòng nhân, tính thiện, tình yêu tự do, khát vọng độc lập dân tộc... Theo Người: “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành ghét sự dữ”[4]. Từ quan điểm đó, Người nêu phương châm “thêm bạn, bớt thù”, “Việt Nam không gây thù oán với một ai”. Người luôn tìm ra những điểm tương đồng để khai thác mọi khả năng có thể. Với phương châm tìm ra những điểm tương đồng làm cơ sở để thu nhận những giá trị, để hòa đồng, hợp tác và phát triển tình hữu nghị, Hồ Chí Minh cũng là người kết nối bàn tay hữu nghị thân ái của nhân dân Việt Nam với các dân tộc khác, các nền văn hóa khác. Nhà nghiên cứu Mỹ David Halberstam viết: “Cụ Hồ Chí Minh chẳng những đã giải phóng đất nước mình, đã thay đổi chiều hướng của chế độ thuộc địa ở châu Á lẫn châu Phi mà cụ còn làm được một điều đáng chú ý hơn: Dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ địch để chiến thắng”[5]. Tư tưởng hòa bình Hồ Chí Minh tiêu biểu cho khát vọng hòa bình của cả dân tộc Việt Nam. Người là hiện thân của hòa bình, của văn hóa hòa bình Việt Nam.

Con đường hòa bình Hồ Chí Minh

Mùa đông năm 1946, trước nguy cơ cuộc xâm lược đã cận kề, ngày 7/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn báo Paris - Sài Gòn: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách”[6]. Người mong muốn hòa bình và bằng “Con đường hòa bình” (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) tìm cách giảm thiểu những tổn thất, giảm cái giá phải trả vì hòa bình không chỉ cho dân tộc Việt Nam, không làm tổn thương danh dự các dân tộc khác bằng sự đắc thắng quân sự, tạo tiền đề cho việc phát triển những quan hệ hợp tác sau chiến tranh để kiến tạo một thế giới mới hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho nhân dân Việt Nam luôn mở cánh cửa hòa bình, thương lượng để chấm dứt chiến tranh bởi vì lẽ đơn giản “Nhân dân Việt Nam cực kỳ yêu chuộng hòa bình, bởi vì cần có hòa bình để xây dựng nước nhà, cần có hòa bình để khôi phục và mở mang kinh tế và văn hóa, làm cho mọi người dân được hưởng tự do, hạnh phúc, áo ấm, cơm no”[7].

Trong cục diện phức tạp các mối quan hệ quốc tế những năm giữa thế kỷ XX, quan điểm của Hồ Chí Minh về những vấn đề quốc tế hướng đến điều hòa sự đa dạng về xu hướng chính trị, chế độ xã hội giữa các nước để các dân tộc gần gũi và hiểu biết nhau, để tăng thêm sức mạnh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hướng tới độc lập và hòa bình, thịnh vượng. Năm 1955, Người phát biểu: “Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng, mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hòa bình, tin chắc rằng, các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hòa bình được”[8].

Sang thế kỷ XXI, trái đất đã trở nên quá nhỏ bé, mong manh so với kho vũ khí khổng lồ do chính con người tạo ra. Một trật tự quốc tế mới với những quy tắc ứng xử hòa bình giữa các quốc gia dựa trên những nguyên tắc hữu nghị, hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau càng có ý nghĩa khi loài người đang phải cùng nhau giải quyết nhiều vấn đề lớn. Đó là những vấn đề chống chiến tranh, chống suy thoái môi trường, chống nghèo đói, dịch bệnh, chống tội phạm xuyên quốc gia và khủng bố quốc tế... Một khung cảnh thế giới mới bình đẳng, dân chủ và hòa bình là điều cần thiết trên hết và trước hết để các dân tộc có thể có cơ hội cùng nhau tập trung trí lực, tài lực, vật lực để giải quyết thành công các vấn đề toàn cầu vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc mình cùng với tất cả các dân tộc khác. Những điều đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trên trường quốc tế từ cách đây hơn 60 năm. Hôm nay chúng ta vẫn tiếp tục Con đường hòa bình năm xưa, mở rộng sự hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng và khu vực, để tăng thêm sức mạnh trong cuộc đấu tranh chống nghèo nàn lạc hậu cũng như tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu, hướng tới hòa bình và phát triển bền vững.

Tự tin hướng tới tương lai

Từ một nước có nền kinh tế kế hoạch tập trung, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã chủ động tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi, huy động được các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội.

“Từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế”[9]. Việt Nam luôn nêu cao thiện chí “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế” và vững tin trên Con đường hòa bình đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dự liệu cho tương lai.

Tình hình thế giới đã, đang diễn ra những biến chuyển nhanh. Những hy vọng về một nền hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững vẫn sáng. Nhưng ngăn chặn chiến tranh, bảo vệ hòa bình vẫn là chủ đề lớn mà nhân loại luôn phải quan tâm giải quyết. Trong những nỗ lực chung cùng với cộng đồng quốc tế, chúng ta có thể tìm được những lời chỉ dẫn trong Tư tưởng ngoại giao hòa bình Hồ Chí Minh.

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 1.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 111.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 354.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 397.

[5] Song Thành: Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất - Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 123.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 526.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 111.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 10, tr. 12.

[9] Tô Lâm: Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định - https://special.nhandan.vn/VN-vuon-len-tro-thanh-bieu-tuong-hoa-binh/index.html.