Theo bóc tách của một lãnh đạo Tập đoàn FPT, trong năm tháng đầu năm, mặc dù có 44,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động lần đầu, song lại có tới 111,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Sự chênh lệch lạc quan này cho thấy bức tranh kinh tế những tháng đầu năm rất tốt đẹp.
Phản ánh trên thị trường chứng khoán, hàn thử biểu của nền kinh tế cũng đồng điệu với số lượng tài khoản mở mới liên tục xác lập những kỷ lục.
Chỉ số Vn-Index sau cú rũ thuế quan đã trở lại nhịp tăng chậm rãi nhưng vững chắc. Nhiều mã chứng khoán vốn được coi là yếu nhất thị trường đã xác nhận thoát khỏi downtrend (xu thế đi xuống) để bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới. Ở đâu đó cũng lác đác xuất hiện những mẫu hình “hai đáy” (biểu đồ hình W), mẫu hình “cốc tay cầm” (biểu đồ hình chữ U và tay cầm hơi lệch nhẹ) trên đồ thị tuần. Đây chính là sự xác nhận mà giới đầu tư đã mỏi mòn chờ đợi kể từ “con sóng thần” thời đại dịch Covid-19.
Như vậy, bức tranh kinh tế Việt Nam đang thật sự sáng sủa. Điểm trừ có chăng chỉ là đôi chút lo ngại về mức thuế đối ứng 20% theo thỏa thuận thuế quan vừa đạt được giữa nước ta và Mỹ. Đây là mức thuế cao hơn 10,6% so mức thuế trung bình mà Mỹ dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Tuy nhiên, đây là mức trần cao nhất. Còn trong quá trình thực hiện, vẫn có thể có những thay đổi theo hướng tích cực hơn đối với các mặt hàng hay ngành hàng cụ thể. Theo các kịch bản tính toán của Cục Thống kê, tác động của mức thuế đối ứng 20% nói trên chỉ có thể làm suy giảm tối đa 0,8% GDP. Mức giảm này không quá nghiêm trọng và hoàn toàn có thể bù đắp được.
Chúng ta vừa mới bước vào đầu vụ hè, trong khi vụ hè năm nay còn có thêm một tháng 6 nhuận, yếu tố này sẽ gia tăng cơ hội cho ngành dịch vụ. Với lượng cung tiền ra thị trường và nền kinh tế lớn, ngành dịch vụ các tháng cuối năm sẽ còn kỳ vọng tăng trưởng tích cực hơn, bù đắp tốt hơn cho chỉ số kinh tế chung.
Bên cạnh đó, chúng ta còn tiềm năng tăng trưởng lớn từ khu vực đầu tư công. Dư địa tối đa của đầu tư công năm 2025 vô cùng lớn. Vốn ngân sách bố trí là 790 nghìn tỷ đồng, song có thể đẩy lên 1,13 triệu tỷ đồng nhờ khoản vượt thu ngân sách 338 nghìn tỷ đồng của năm 2024. Năm 2024, năng lực giải ngân đầu tư công chỉ đạt 70%. Vậy năm nay, năng lực này có thể cải thiện thêm bao nhiêu?
Theo báo cáo, đến ngày 30/6/2025, vốn giải ngân đầu tư công mới đạt 268 nghìn tỷ đồng. Tốc độ giải ngân so năm 2024 đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn còn cách xa và rất xa kỳ vọng.
Có thể nói, năm nay chúng ta đã huy động rất tốt các nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng, nhất là tín dụng, đã đẩy lên mức 16%. Thu ngân sách các năm gần đây đều bùng nổ, liên tục vượt dự toán. Chúng ta không thiếu tiền cho đầu tư phát triển, nhưng năng lực tiêu tiền thì vẫn còn hạn chế. Chính vì lẽ đó, thành bại của mục tiêu tăng trưởng, bản lề của tiến trình tăng trưởng 8% GDP lại phải đặt và vẫn phải đặt vào kết quả giải ngân đầu tư công.
Bức tranh kinh tế sáng rồi, nhưng giải ngân đầu tư công phải bừng sáng, đột biến hơn nữa, thì mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay mới chắc thắng.