Năm tháng vẫn trôi, và tháng 5 vẫn đều đặn mang tới cho người ta nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm oai hùng, những kỷ niệm đầy bi tráng. Và những kỷ niệm ấy, vẫn được người ta nhắc nhớ bởi cách tổ chức đầy tri ân, hoành tráng hoặc âm thầm sâu nặng. Và đâu đó, trong những bóng hình của lớp người “cổ lai hy” thấp thoáng câu chuyện của sự hy sinh, của cái nền nếp giữ gìn gia quy để cùng cháu con dựng nên quốc pháp.
Nhìn thấy từng nếp áo cũ, được là thẳng thớm dù đã sờn mòn, khoác trên vai những người lính già mỗi lần ra phố, mới hiểu cái nền nếp, cái nghiêm ngắn đầy tự trọng của lớp người đi trước. Mới thấy sự nghiêm túc ấy không chỉ giúp người lính vượt qua cuộc chiến chinh máu lửa mà còn trở thành thứ điều kiện mà mỗi con người phải tuân theo. Sự nghiêm túc ấy không chỉ khiến cho họ trở thành những cá nhân quy củ, mà còn giúp xã hội luôn có được trạng thái cân bằng.
Một đứa bé sinh ra mang theo nhiều kỳ vọng, và cách người lớn cư xử trong xã hội sẽ giúp cho những đứa trẻ học được cách làm người. Vậy nên, khi một đứa trẻ hành xử sai, nó (đầu tiên là tư cách của đứa trẻ) cần được bảo ban dạy dỗ thay vì cả cộng đồng xúm vào “ném đá”. Hành vi bất kính với những người đáng bậc cha chú thường khiến cho những đứa trẻ nhận về hậu quả nặng nề, thậm chí sẽ tạo thành vết sẹo trong tâm hồn chúng. Có người sẽ đồng ý với đám đông cáu giận, nhưng có lẽ, cái sự bảo ban nhẹ nhàng mà thấm thía của bậc trưởng thượng sẽ giúp cho những đứa trẻ vô tâm có một tư cách ngày thêm hoàn thiện hơn. “Dạy dỗ” có lẽ là như thế.
Có câu “gia có gia quy, quốc có quốc pháp”, là nhắc nhở người ta giữ gìn khuôn phép ở ngay trong căn nhà của mình, dù đó là căn nhà đúng nghĩa hay là căn nhà “ảo”. Cái việc “ở đúng ngôi” cũng sẽ giúp cho mỗi cơ quan, tổ chức làm tròn chức trách, nhiệm vụ cao cả và chính danh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Và nếu một cơ quan cư xử đúng ngôi, đã không có chuyện đáng tiếc xảy ra chỉ từ một vụ tai nạn giao thông. Sẽ không có việc các cơ quan quyền lực tối cao phải nhanh chóng vào cuộc nhằm giải quyết thỏa đáng một vấn đề vốn chỉ thuộc thẩm quyền cấp huyện.
Hai vụ việc liên quan tới những đứa trẻ, nhiều cách giải quyết từ cộng đồng mạng xã hội, các “nhà tư tưởng online”, và sự vào cuộc nghiêm túc của cơ quan công quyền… tất cả đều đòi hỏi một kết quả hợp tình, hợp lý. Và nó sẽ chỉ hợp lý khi được giải quyết bởi những cơ quan đại diện cho pháp luật, những con người chính danh, ngồi đúng ngôi, làm đúng việc chứ không thể xong xuôi chỉ bởi những nhân danh trên một xã hội mạng chưa được quản lý một cách phù hợp.