Việc nhanh chóng ổn định tổ chức, trong đó có cả việc làm sao sớm định danh cho những địa phương mới xuất hiện sau sáp nhập là việc làm cần thiết.
Có nhiều sự lựa chọn đối với những tên phường, tên xã… mới. Nơi thì lựa chọn đặt tên theo địa danh có sẵn của một vùng trước khi sáp nhập, các tên còn lại lược bỏ. Cũng có nơi đề xuất sử dụng chữ đầu tiên của các vùng bị sáp nhập ghép nó lại với nhau (kiểu như Hà Nam Ninh hay Bình Trị Thiên, Hà Bắc xưa kia). Thế nhưng, có nơi lại lựa chọn phương án đặt tên gọi của đơn vị hành chính theo số thứ tự (giống một số địa phương ở phía nam trước đây).
Cho tới thời điểm này, đã thấy có nhiều địa phương không sử dụng phương án đặt tên xã, phường theo cấp số thứ tự hoặc số la mã. Theo luật định, cũng không nhất thiết phải đặt tên đơn vị hành chính theo cấp số như vậy. Đánh số kiểu này, có lẽ chỉ những người làm công tác thống kê hay những người làm hành chính… ủng hộ, bởi nó “dễ” tìm trong các bản báo cáo. Còn theo mong muốn của người dân, mỗi đơn vị hành chính được đặt tên mới nên mang những ý nghĩa nhất định về mặt lịch sử, văn hóa.
Nét văn hóa truyền thống ở địa phương có thể hình thành, lưu truyền qua cái tên gọi, được nhắc nhớ cho đời sau qua mỗi câu hò, vè, văn chương và chuyện kể lịch sử.
Quê tôi ở Thái Bình, ngay cái vùng người ta vẫn nói “ăn Tiền Hải, cãi Kiến Xương, dở dở ương ương là mấy ông Thái Thụy”. Làng tôi là làng Đồng Kinh, vốn xưa các cụ kể lại là do đất chật, người đông, một số tiền bối liền quyết định đưa thanh niên trai tráng đi khai hoang, mở đất. Đất Thái Thụy, Diêm Điền khi ấy toàn đồng chiêm trũng, ruộng nhiễm phèn, đường đi lối lại khó khăn, cực khổ. Mà đất các cụ chọn để di dân đương nhiên khủng khiếp hơn nhiều. Cái tên Đồng Kinh đã nói lên cảm xúc khi ấy. Nó cũng thể hiện ý chí mở đất, bắt thiên nhiên phải khuất phục con người.
Lại nhớ, trong những câu chuyện kể, mỗi tên làng, tên xã đều có những thành hoàng, có những gắn bó xa xưa máu thịt và gần gũi. Như xứ Đồng Tỉnh, Huê Cầu ở Hưng Yên. Như Cốc Lếu (tiếng địa phương là gốc gạo) ở Lào Kay xưa. Mỗi cái tên dù “chẳng thơ đâu”, nhưng thật sự là những mạch nguồn văn hóa kết nối trầm tích cội nguồn cho tới tương lai rộng mở.
Thế nên, muốn đặt tên cho một địa danh cũng cần cân nhắc các yếu tố vùng miền, những trầm tích văn hóa, văn minh và lịch sử. Giống như nhân vật “Thứ Sáu” trong một câu chuyện nổi tiếng của nước ngoài - ít ra cũng mang lại cho người ta hiểu phần nào ý nghĩa.