Món ăn dường như là thứ có thể dễ làm cho giống nhau nhất. Bởi, có thể chung hoặc giống nhau về nguồn thực phẩm, có thể trùng nhau về nguyên liệu chế biến, thậm chí có thể giống hệt nhau về thời gian, công thức nấu ăn… Bởi thế, mới thấy ở mỗi quốc gia riêng biệt, vẫn có sự xuất hiện món ăn của các vùng lãnh thổ khác nhau. Ở Hà Nội, vẫn có món cà ri gà, món cá atrakhan… hay ở nước Mỹ xa xôi, người ta vẫn sẵn sàng dọn món phục vụ cho người dân hợp chủng quốc mỗi khi người ta thèm… phở.
Lại nhớ, đã có một thời tại Thủ đô Hà Nội có hai hàng bún chả mọc lên cạnh nhau trên phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến bây giờ). Hai cửa hàng đặt cùng một tên, bán cùng một thứ mặt hàng và có lúc khách hàng tới đông như nhau. Sự cạnh tranh không lành mạnh ấy khiến cho một trong hai nhà hàng “bức xúc” đến mức phải làm thêm một tấm biển đề “lưu ý, hàng bên cạnh là hàng mới mở”. Hoặc cho tới giờ, vẫn bắt gặp vài cửa hàng “gia truyền” trùng tên một cách hữu ý. Dù rằng những thương hiệu nổi tiếng bây giờ đều đã được nhà nước bảo vệ thương quyền.
Câu chuyện bán hàng kiểu ấy, tới giờ vẫn thấy thường xuyên xuất hiện, không phải chỉ ở trong địa bàn, lãnh thổ của một quốc gia. Thậm chí, một số mặt hàng khác trong số vô vàn chủng loại gia dụng, còn xuất hiện ở nước này hay nước khác mà nhãn mác gắn liền không đúng với thương hiệu tác quyền hoặc quốc gia sản xuất.
Có lẽ cũng vì thế, ở thời điểm các nền kinh tế đang ra sức hội nhập chung tiến trình toàn cầu hóa, nhiều nước đã áp dụng các biện pháp bảo hộ thương hiệu một cách khá ngặt nghèo, chặt chẽ. Đầu tiên là nhằm mục đích bảo vệ những cơ sở làm ăn đúng đắn, chính đáng và phù hợp. Bởi lẽ, ai cũng hiểu rằng, trong một nền kinh tế đầy cạnh tranh, ở một thương trường - chiến trường, có khi tính nhạy bén, sự tiện lợi và hình thức bắt mắt được đẩy lên trên mối quan tâm về chất lượng sản phẩm và môi trường hậu mãi. Và cuộc chiến thương mại quyết liệt ấy, đang trở thành mối quan tâm toàn cầu chứ không chỉ còn là nỗi lo của mỗi cá nhân riêng lẻ.
Vậy, trong tiến trình ấy, việc bảo đảm chất lượng sản phẩm, giữ gìn những gì đặc sắc, đặc sản và xây dựng thương hiệu đặc quyền bằng sức mạnh tự thân có lẽ là điều quan trọng hơn cả để giúp cho mỗi nhà cung cấp, mỗi thương hiệu quốc gia giữ vững được khách hàng truyền thống của mình. Nhất là trong hoàn cảnh các “thượng đế” đang ngày càng trở nên khó tính bởi thị trường kinh tế mở đang giúp họ ngày càng có thêm nhiều lựa chọn thay vì cứ mải ngồi so bì với những thủ đoạn ăn theo của một số “cửa hàng bên cạnh”.