Nông sản Việt và những “cuộc chơi” toàn cầu

Năm 2024 chứng kiến một vụ mùa bội thu nông, lâm, thủy sản Việt, cả về sản lượng lẫn giá trị. Tổng kim ngạch của nhóm mặt hàng này đạt 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so năm 2023. Đây cũng là mức tăng trưởng lớn nhất trong hai thập kỷ qua.
0:00 / 0:00
0:00

Trong bức tranh tươi sáng đó, quả sầu riêng bất ngờ nổi lên như một “ngôi sao sáng”. Có những thời điểm, mặt hàng này khan hiếm tới mức thương lái phải chen chúc xếp hàng mà vẫn không mua nổi.

Từ trước đến nay, Thailand vốn thống lĩnh thị trường sầu riêng. Tuy nhiên, Việt Nam đã vươn lên và lần đầu tiên vượt nước này về lượng sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc, thị trường chi phối gần như toàn bộ tăng trưởng của loại trái cây nhiệt đới này. Bằng một cách nào đó, sầu riêng đi ngược xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc, thậm chí trở thành lựa chọn “thời thượng” trong giới trẻ.

Tuy nhiên, không ai rõ “trào lưu sầu riêng” sẽ kéo dài bao lâu. Thị hiếu có thể thay đổi, nhu cầu có thể biến động, và nhiều yếu tố khiến sầu riêng khó phổ biến toàn cầu hay trở thành món ăn thường nhật.

Nếu như sầu riêng cho thấy sức hút bùng nổ nhờ trào lưu, thì cà-phê lại chinh phục thế giới theo cách bền bỉ hơn. Loại quả cũng đến từ vùng nhiệt đới này đã tạo nên thức uống phổ biến bậc nhất toàn cầu, bất chấp khác biệt về tôn giáo, lãnh thổ hay văn hóa. Lịch sử cây cà-phê đã kéo dài hàng trăm năm và vị đắng đặc trưng của nó vẫn tiếp tục được ưa chuộng ở khắp mọi nơi.

Trong số các quốc gia nhập khẩu nhiều cà-phê, Đức nổi lên như một thị trường “ruột” của Việt Nam. Lượng cà-phê Việt Nam xuất khẩu sang Đức luôn ổn định và tăng đều trong nhiều năm. Khó có thể hình dung một buổi sáng của người Đức thiếu vắng ly cà-phê nóng. Vào thập niên 1970, khi sản lượng cà-phê thế giới sụt giảm vì thiên tai, Đông Đức từng rơi vào khủng hoảng thiếu cà-phê nghiêm trọng. Một số nhà máy thậm chí đe dọa đình công nếu không được cấp đủ “thức uống chào buổi sáng”…

Từ sầu riêng đến cà-phê, Việt Nam đều sở hữu những lợi thế nhất định. Sản lượng xuất khẩu đều đứng trong nhóm dẫn đầu thế giới, ngày càng chiếm lĩnh thị phần và tiến đến vị thế có tiếng nói trên thị trường toàn cầu.

Thế giới đang biến động sâu sắc, và sự cạnh tranh không chỉ dừng lại ở công nghệ, chính trị mà còn cả… ly cà-phê sáng hay trái sầu riêng chiều. Người ta nhắc đến mức áp thuế mới khi nhâm nhi tách cà-phê và bàn về chênh lệch thương mại khi thưởng thức múi sầu riêng bổ dở. Sau tất cả những tranh giành, nhu cầu thiết yếu vẫn ở lại.