Lời cảnh tỉnh từ Bangkok

Ngày 31/3/2025, một tòa nhà 30 tầng tại Bangkok sụp đổ sau dư chấn từ trận động đất ở Myanmar. Thế nhưng, theo giới chuyên gia, nguyên nhân sâu xa không chỉ bởi thiên tai. Báo chí Thailand ngày 1/4/2025 hé lộ kết cấu tòa nhà có vấn đề, với phần vật liệu thép sử dụng xây dựng có nguồn gốc từ một nhà máy đã bị chính quyền đóng cửa trước đó không lâu. Loại thép DB32 SD50 bị nghi ngờ là “thủ phạm” bởi đặc tính ngoài cứng trong mềm, dễ nứt khi vặn xoắn, hoàn toàn không phù hợp cho các công trình cao tầng.
0:00 / 0:00
0:00

Câu chuyện Bangkok có lẽ không xa lạ với chúng ta. Việt Nam mỗi năm nhập khẩu hàng triệu tấn thép phế liệu, phần lớn để tái chế thành thép xây dựng. Năm 2024, con số này khoảng 5,5 triệu tấn, chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Số sắt thép này được các doanh nghiệp sử dụng để tái chế, sản xuất thép xây dựng tại các lò luyện trong nước. Phần lớn phục vụ nhu cầu xây dựng nhà ở, cầu đường và các công trình công nghiệp. Các lò luyện sắt thép thủ công xuất hiện rất nhiều tại các làng nghề hay cụm công nghiệp nhỏ ở Bắc Giang, Hưng Yên. Hầu hết đều sử dụng phế liệu tái chế để sản xuất sắt thép giá rẻ.

Những nguồn thép tái chế này có bảo đảm chất lượng? Theo báo cáo “Đánh giá chất lượng thép xây dựng từ các cơ sở sản xuất thủ công tại Việt Nam” công bố năm 2022 của Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng (IBST), 60% thép từ các lò này không đạt tiêu chuẩn TCVN 1651-1:2018 về độ bền. Điều đáng nói là loại thép này lại rẻ hơn đáng kể, chỉ khoảng 10-12 triệu đồng/tấn so với mức 15-17 triệu đồng/tấn từ các nhà máy lớn. Chênh lệch giá ấy mở đường cho không ít chiêu trò “hô biến” thép kém chất lượng thành sản phẩm "đạt chuẩn" để len lỏi vào thị trường.

Thực tế, không thiếu trường hợp nhà thầu vì muốn trúng thầu bằng mọi giá mà tìm cách tối ưu chi phí, sử dụng vật liệu kém chất lượng. Tại một nghiên cứu được Bộ Xây dựng công bố, để trúng thầu, nhà thầu chào giá giảm rất sâu so với giá gói thầu. Đến khi triển khai thì kiếm các nguồn vật liệu và thiết bị giá rẻ thi công. Trong bối cảnh hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia được triển khai, nguy cơ thép không bảo đảm chất lượng len lỏi vào các công trình là rất lớn.

Vụ việc ở Thailand cùng thực trạng thép kém chất lượng ở Việt Nam là lời cảnh báo nghiêm khắc không chỉ về vấn đề thất thoát kinh tế mà còn tiềm ẩn hiểm họa về sự an toàn các công trình và tính mạng con người. Trong cuộc chiến với "thép giả" , không chỉ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp mà chính các nhà thầu cũng cần đặt đạo đức nghề nghiệp lên trên bài toán lợi nhuận.