Kinh tế đêm và du lịch bền vững

Một quy luật đơn giản, nếu không có du khách, sẽ không có kinh tế đêm. Và ngược lại, không có kinh tế đêm, du khách cũng hầu như một đi không trở lại. Bởi phía sau những cảm xúc trực quan ban đầu được thỏa mãn về đất nước, con người Việt Nam, sẽ chẳng còn sản phẩm phái sinh thú vị nào đủ sức níu giữ bước chân họ nữa.
0:00 / 0:00
0:00

Theo Sách trắng 2024 của EuroCham, chỉ khoảng 5% khách quốc tế từng đến Việt Nam quay lại lần hai. Khi đại dịch Covid-19 kết thúc, Việt Nam mở cửa đón khách du lịch đầu tiên ở Đông Nam Á, nhưng tỷ lệ phục hồi ngành du lịch chỉ đạt 18%, kém xa mức 26% đến 31% của Thailand, Singapore và Malaysia. Những điều đó thêm một lần khẳng định, du lịch Việt Nam chưa bền vững và chưa lắng đọng đủ sâu trong lòng thế giới.

Trong khi, Việt Nam là đất nước có nhiều lợi thế về tự nhiên, di sản và lịch sử. Tất cả những điều đó đều có thể hấp dẫn khi người ta chưa đến, để rồi muốn đến, nhưng làm sao để họ muốn nấn ná, muốn tái ngộ thì cần phải thật sự dụng công, thật sự đầu tư, thật sự nghệ thuật.

Lẽ thường của người lao động là ngày đi, đêm nghỉ. Còn lẽ thường của du khách là ngày khám phá, đêm vui chơi. Họ cần cù lao động cả năm thì đến kỳ nghỉ ngơi phải thoải mái hết mình. Nhưng thử hỏi, chúng ta đã thật sự dụng công, thật sự đầu tư, thật sự nghệ thuật đến mức nào để họ sẵn sàng chi tiêu những đồng tiền trong túi của mình?

Nhìn lại 10 năm trước đại dịch Covid-19, theo Niên giám thống kê 2021 của Tổng cục Thống kê, từ năm 2009 đến 2019, mức chi tiêu trung bình của du khách quốc tế đến Việt Nam chỉ gia tăng vỏn vẹn 20%. Đỉnh cao là năm 2019, mỗi khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu 118 USD/ngày đêm, chưa bằng một nửa so với Thailand. Tuy nhiên, cơ cấu chi tiêu mới là điều đáng nói: Du khách đến Việt Nam dành 68-70% ngân quỹ cho ăn, ở, đi lại chủ yếu diễn ra vào ban ngày, dành 30-32% cho mua sắm và chi khác chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi ở Thailand thì ngược lại. Thailand đầu tư, phát triển kinh tế đêm với quy mô công nghiệp, tức là lên ý tưởng công phu, thiết kế tỉ mỉ, đầu tư đúng tầm và có bản sắc riêng. Có lẽ, đây chính là tâm điểm tạo nên sự khác biệt về chất giữa du lịch của hai nước.

Như vậy, phát triển kinh tế đêm cần một chiến lược bài bản từ ý tưởng đến thực thi. Đã đầu tư thì phải đủ tầm, đã khai thác thì phải hiệu quả. Không đầu tư dàn trải, đơn điệu, lãng phí. Khi khách quốc tế chịu “móc hầu bao”, đương nhiên khách nội địa cũng không đứng ngoài cuộc. Chỉ khi phát triển kinh tế đêm bền vững, ngành du lịch mới bền vững.