Giới chuyên môn, nhà quản lý, người thực hành bảo tồn và phát huy giá trị di sản mong ngóng các văn bản hướng dẫn, và mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Di sản văn hóa. Kế hoạch đề ra hai việc lớn là hoàn thiện thể chế, chính sách và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục.
Về thể chế, chính sách sẽ có rà soát để sửa đổi, bãi bỏ, thay thế một số văn bản liên quan. Ngành văn hóa sẽ xây dựng hai nghị định về các biện pháp quản lý, bảo vệ di sản cũng như quy hoạch khảo cổ, tu bổ hoặc xây nhà trong và ngoài khu bảo vệ di tích… Thông thường, những công việc đó sẽ có các nhà nghiên cứu, đơn vị quy hoạch, khảo cổ, tu bổ, bảo tồn bảo tàng…, có thể nói là có nhiều thuận lợi.
Còn với nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục thì phải nói là một… biển công việc với yêu cầu cao về phương pháp, sự đổi mới, sáng tạo và nhất là hiệu quả phổ biến, thấm sâu, nhận thức cần đạt được trong xã hội. Với Luật Di sản văn hóa “cũ”, nhiều năm qua, việc tuyên truyền, giáo dục đã được làm thường xuyên, đặc biệt vào các đợt cao điểm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 hay Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4. Nhưng thực tế cũng cho thấy những khoảng trống lớn trong xã hội về sự hiểu biết và ý thức tôn trọng, bảo vệ di sản. Thậm chí trong bối cảnh mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn ở nhiều nơi còn chưa được dung hòa, thì đã xuất hiện không ít vụ việc xâm lấn, xâm hại, làm biến dạng di sản, trong đó có cả di sản vật thể như di tích, danh thắng, công trình kiến trúc, tư liệu; di sản phi vật thể như nghệ thuật diễn xướng; và những di sản mà nhiều khi người dân chưa nhận thức được đầy đủ như di sản có giá trị về cảnh quan, về địa chất, địa mạo, di sản công nghiệp, di sản đô thị…
Nay với nhiều điều khoản mới của Luật, có những nội dung bắt nguồn từ nhu cầu giải quyết chính những bất cập, phát sinh tiêu cực trong thực tiễn, thì nhiệm vụ giúp cho người dân hiểu, chấp hành và chung tay; cho lực lượng cán bộ địa phương, địa bàn thực hành một cách khoa học, sáng tạo, lại càng thêm bộn bề. Đặc biệt khi thời gian tới, theo sắp xếp bộ máy hành chính, nhiều cơ quan cấp huyện sẽ không còn, trong đó có những đơn vị liên quan đến văn hóa, thông tin, tuyên truyền, an ninh trật tự…, gắn với di sản. Vai trò hướng dẫn, giám sát của sở ngành cấp tỉnh, thành phố sẽ nặng hơn. Nhất là trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản ở cấp xã, liên xã sẽ thêm chồng chất. Bởi xét đến cùng, đây luôn là lực lượng trực tiếp thực thi pháp luật về di sản và triển khai theo chỉ đạo từ các cấp.
Rất cần đánh giá hiệu quả của các phương thức tuyên truyền thời gian qua như việc đưa văn bản pháp luật lên các cổng thông tin; đăng tải và truyền thông trên báo chí; tổ chức các đợt quảng bá, tuyên truyền ở các địa phương nhân các dịp lễ hội, ngày kỷ niệm di sản, văn hóa; hoặc các hình thức truyền thông nội bộ ở di tích, danh thắng… Trên cơ sở đó, bớt dần, loại bỏ những cách thông tin lỗi thời, nặng về một chiều hoặc dừng lại ở phạm vi đội ngũ quản lý, chuyên viên. Cần phát huy những cách làm mới, tận dụng công nghệ, mạng xã hội, nhân lên những mô hình kết nối việc tuyên truyền với học tập, vui chơi giải trí, du lịch một cách sinh động, cuốn hút.
Như thế mới tránh được nguy cơ chính các thành phần ở nơi gắn liền với di sản lại gây ảnh hưởng đến di sản. Và để sự hiểu biết, tình yêu, niềm tự hào về di sản ở địa bàn này chuyển hóa thành những mô hình phát huy giá trị di sản đạt được nhiều giá trị khác nữa về kinh tế, xã hội.