Nhân vật-Ðối thoại

Giáo sư Nguyễn Ðức Khương: Tài năng Việt toàn cầu - sức mạnh và nguồn lực chiến lược cho phát triển bền vững

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, một trong những chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm là xây dựng chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước làm việc.

Giáo sư Nguyễn Đức Khương
Giáo sư Nguyễn Đức Khương

Nhân dịp này, Giáo sư Nguyễn Ðức Khương (ảnh bên), Thành viên Hội đồng tư vấn quốc gia về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Chủ tịch AVSE Global, Giám đốc điều hành EMLV Business School (Pháp), đã trò chuyện với Nhân Dân hằng tháng về bài toán thu hút chất xám Việt toàn cầu về nước cống hiến.

Chỉ trong hơn nửa năm, Đảng và Nhà nước đã ban hành hàng loạt quyết sách để tạo đột phá cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ Nghị quyết 57/NQ-TW, Nghị quyết 193/2025/QH15, đến việc Quốc hội thông qua Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo có hiệu lực từ 1/10 tới. Ông cảm nhận thế nào trước những chuyển biến tích cực này, và theo ông, làm sao Việt Nam có thể tận dụng được nguồn lực lớn là đội ngũ các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài để góp phần phát triển đất nước?

Cộng đồng các nhà khoa học, cả các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng chia sẻ niềm vui chung về thay đổi đột phá trong chính sách này. Kỳ vọng lớn nhất là các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước sớm được cụ thể hóa thành quy định rõ ràng, dễ áp dụng, để cộng đồng khoa học-công nghệ trong và ngoài nước có điều kiện triển khai các dự án thiết thực, góp phần phát triển đất nước bền vững.

Không chỉ cần khung pháp lý thuận lợi, Việt Nam cần cải thiện điều kiện làm việc và nghiên cứu để các nhà khoa học, chuyên gia toàn tâm cống hiến cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tính không biên giới của khoa học-công nghệ trong một thế giới phẳng cho phép chúng ta huy động chuyên gia theo nhiều cách linh hoạt. Thí dụ, để thu hút những nhà khoa học giỏi, có điều kiện công tác ổn định ở nước ngoài và mong muốn được cống hiến thì rất cần những “bài toán lớn”, những dự án có tác động ảnh hưởng rộng rãi. Những người thuộc nhóm này còn có thể mang về Việt Nam những dự án nghiên cứu, công nghệ có ý nghĩa chiến lược, cùng với các đối tác quốc tế hàng đầu. Khi hợp tác với các nhà khoa học trong nước, họ có thể chủ động tìm được nhiều nguồn tài trợ cho dự án nghiên cứu.

Khi tìm cách thúc đẩy khoa học-công nghệ trong nước phát triển, cũng cần thu hút về trong nước những chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu để có những “cục nam châm” hút chuyên gia giỏi khác, các đối tác tốt, và các nguồn lực tài chính. Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng đã mở ra hướng đi khi quy định về vai trò của những “tổng công trình sư” cho những ngành, lĩnh vực hay nhiệm vụ công nghệ chiến lược. Theo tôi, chúng ta không chỉ nên tập trung vào các nhiệm vụ khoa học chiến lược cụ thể, mà còn cần chú trọng thu hút chuyên gia quản lý giỏi cho các đại học, tổ chức nghiên cứu và đào tạo vì đây là cái nôi của khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.

z6802840569913-9f0dbde3fe8a5617e6716f3f1cc0775e.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh lưu niệm với kiều bào dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV và Diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024. Ảnh | TRẦN HẢI

Thực tế không phải nhà khoa học nào cũng có điều kiện tài chính vững vàng để toàn tâm toàn ý theo đuổi nghiên cứu dài hạn, và cũng khó có thể chỉ kêu gọi họ đóng góp vì lý tưởng. Theo ông, Việt Nam nên làm gì để tạo động lực thiết thực cho các nhà khoa học, nhất là những người trẻ và các trí thức Việt kiều yên tâm cống hiến lâu dài?

Cần chia nhóm chuyên gia để có chính sách đãi ngộ phù hợp. Với nhóm nhà khoa học và chuyên gia có gia đình, con cái về làm việc trong nước, thì ngoài điều kiện làm việc cho cá nhân, họ còn cần những điều kiện khác. Thí dụ, phải bảo đảm được một mức thu nhập cơ bản tốt, được hỗ trợ về giấy tờ, nhà ở, thủ tục trường học, con cái rồi các điều kiện liên quan đến y tế, an ninh… tức là tất cả những vấn đề liên quan đến cuộc sống của một gia đình. Các quốc gia khác như Hàn Quốc, Singapore, hay Trung Quốc cũng phải làm vậy trong những năm đầu thu hút chuyên gia, trí thức giỏi, có tầm quốc tế.

Ông có thể đúc kết được những kinh nghiệm nào của các quốc gia trên thế giới, nhất là những nước có địa lý gần với Việt Nam, để áp dụng vào Việt Nam khi muốn thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo?

Có những quốc gia, như Singapore đã rất xuất sắc trong việc thúc đẩy phát triển khoa học-công nghệ, vì đấy chính là nền tảng để họ tạo ra sự bứt phá và đột phá khác biệt so với những quốc gia khác ở châu Á, Đông Nam Á… Tất nhiên còn phải tính đến tầm nhìn về phát triển của một quốc gia và kết hợp với các lĩnh vực khác. Nhưng khoa học-công nghệ rõ ràng là nền tảng, nghiên cứu phát triển là động lực mạnh mẽ giúp Singapore nâng cao được năng lực cạnh tranh, nâng cao sức chiến đấu và sức kháng cự với tất cả những cú sốc từ bên ngoài. Họ thông qua đầu tư cho khoa học-công nghệ, nghiên cứu phát triển, đổi mới sản phẩm, đổi mới về dịch vụ, đổi mới về phương pháp vận hành và quản lý tại các doanh nghiệp để tạo ra đột phá. Chúng ta cũng cần xây dựng những trung tâm nghiên cứu xuất sắc, trong đó có sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, các trường đại học và doanh nghiệp. Cả 3 thiết chế này đều có thể tham gia, đóng góp các nguồn lực theo khả năng của mình. Thí dụ như đại học thì đóng góp nguồn lực về con người. Nhà nước đóng góp một phần kinh phí thông qua cơ chế thuế, hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng phải đầu tư xây dựng đội ngũ làm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và có nguồn lực về cơ sở hạ tầng, nguồn lực về máy móc, trang thiết bị.

Nhưng đầu tư cho khoa học-công nghệ, nghiên cứu phát triển không tránh được rủi ro, thậm chí mức độ rủi ro lớn, chứ không phải làm cái gì cũng thành công ngay. Vì thế nếu không có cơ chế đầu tư mạo hiểm thì chúng ta rất khó tạo ra những đột phá trong phát triển khoa học-công nghệ, cũng như không thể kích thích được tinh thần sáng tạo của các nhà khoa học. Hay như ở Israel, Chính phủ có cơ chế góp vốn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân. Họ có lòng tin vào các quỹ đầu tư mạo hiểm này và thực tế là nhờ đó, đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Từ những bài học này, Việt Nam có nên thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia hay không và quỹ này có thể trực tiếp đầu tư vào những doanh nghiệp đi đầu trong nghiên cứu, nắm bắt những công nghệ của tương lai?

Thưa Giáo sư, suốt nhiều năm qua, đã có không ít nhà khoa học Việt kiều tên tuổi âm thầm đi về giữa Việt Nam và nước ngoài, tạo ra những đóng góp được ghi nhận cho khoa học nước nhà. Đồng thời, Việt Nam cũng đang đứng trước bài toán thu hút thế hệ du học sinh, các nhà khoa học trẻ trở về cống hiến. Ông đánh giá thế nào về vai trò của những đóng góp thầm lặng ấy, và cần có chính sách gì để phát huy hiệu quả nguồn lực trí thức Việt toàn cầu này?

Đây là nhóm nhà khoa học và chuyên gia đã gây dựng được uy tín, vị thế của mình ở các nước có nền khoa học tiên tiến, và có những đóng góp ý nghĩa trong sự phát triển của khoa học-công nghệ nước nhà trong thời gian qua. Họ dày dặn kinh nghiệm, có mạng lưới đối tác rộng khắp, thường xuyên đi lại, kết nối các hợp tác khoa học và một số trực tiếp làm các dự án khoa học-công nghệ ở trong nước. Vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân là tấm gương sáng cho nhiều chuyên gia, trí thức trẻ. Họ đã cùng xây dựng Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành tại Quy Nhơn - một biểu tượng kết nối cộng đồng khoa học quốc tế và tạo cơ hội cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam giao lưu học hỏi. Nhiều giáo sư gạo cội người Việt ở nước ngoài, dù đã nghỉ hưu, vẫn mong muốn đóng góp cho quê hương. Việc của chúng ta là chủ động kết nối và tạo điều kiện để họ cống hiến.

Với nhóm du học sinh Việt Nam, để họ sớm trở về nước sau khi hoàn thành việc học, tôi thấy cần có cơ chế khác. Các bạn trẻ đang trong giai đoạn đi học, làm nghiên cứu sinh, thì chính sách của mình không nhất thiết phải thu hút về ngay. Hoặc trong trường hợp đi học bằng học bổng của Nhà nước cũng không nhất thiết bắt buộc họ phải lập tức trở về mà để họ có thời gian học tập, nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm, tạo lập quan hệ với các đối tác quốc tế hàng đầu, mài giũa trong môi trường quốc tế, thi thố tài năng, va đập cọ xát. Sau đó mới đón họ về và chuẩn bị sẵn môi trường để khi trở về là họ có đất dụng võ ngay.

Vậy nói một cách hình tượng là, chúng ta có nên chú trọng ưu tiên cho các lĩnh vực cần “săn đầu người”?

Tất nhiên chúng ta nhắm vào đội ngũ các nhà khoa học trong những lĩnh vực quan trọng, chiến lược đối với sự phát triển của Việt Nam. Chẳng hạn những ngành mới như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, lượng tử, công nghệ sinh học hay những ngành công nghệ liên quan đến cuộc sống và khoa học trái đất… Ngày 12/6/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1131/QĐ-TTg về danh mục công nghệ chiến lược và sản phẩm công nghệ chiến lược. Đây là quyết định quan trọng giúp các nhà khoa học trẻ định hình các hướng nghiên cứu, học hỏi, trau dồi, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm.

Trong bối cảnh nhiều ngành nghề mang lại thu nhập nhanh như bất động sản hay đầu tư tài chính, việc theo đuổi khoa học-công nghệ là lựa chọn đầy thử thách với người trẻ. Vì vậy, cần sớm có cơ chế hấp dẫn và bền vững để khuyến khích những bạn trẻ có đam mê, khát vọng chinh phục khoa học dấn thân vào con đường nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, góp phần kiến tạo tương lai đất nước.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Có thể bạn quan tâm

back to top