Đất đai của Đồng Ích rất màu mỡ do được sông Phó Đáy bồi đắp phù sa. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp và rất coi trọng các mỹ tục, tập quán đẹp cũng như việc học hành. Các sắc phong, tài liệu lưu trữ khẳng định, Đồng Ích là vùng đất của người Việt cổ, có từ thời Hùng Vương. Tại xã còn các di tích như đình Hạ Ích thờ các tướng có công giúp các Vua Hùng dựng nước và giữ nước, đền Đại Lữ thờ Quốc mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, người có công giúp Vua Hùng mở mang bờ cõi, dạy nhân dân trồng lúa nước. Bên cạnh đó, xã còn có nhiều đình, chùa, miếu, đền thờ các danh nhân và các thành hoàng làng (người địa phương gọi là thần hoàng làng). Đền thờ Lưỡng quốc Tiến sĩ Triệu Thái là Di tích cấp Quốc gia và có 15 đình, đền, miếu, chùa khác được công nhận di tích cấp tỉnh như đình Hoàng Chung, đình Hạ Ích, đền Đại Lữ, đền Bì La …
Đền thờ Lưỡng quốc Tiến sĩ Triệu Thái, thường gọi là đền Triệu Thái hay đền thờ quan Nghè, rộng khoảng 500 m2, làm bằng gỗ. Đền được xây dựng nửa đầu thế kỷ 15, nằm giữa thôn Hoàng Chung, trông hướng bắc, kiến trúc theo kiểu chữ đinh gồm ba gian đại bái và gian hậu cung. Theo sử sách, ông Triệu Thái sinh ra và lớn lên tại thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, là Lưỡng quốc Tiến sĩ, có công lao to lớn với đất nước và quê hương, được các triều đại phong kiến phong sắc, phong thần và phối thờ tại đình làng Hoàng Chung cùng ba vị Đại vương có công giúp nhà Lý đánh giặc vào thế kỷ 11. Tiếp bước truyền thống hiếu học của danh nhân Triệu Thái, dòng họ Triệu tại Đồng Ích có nhiều người đỗ đạt cao. Hằng năm, thôn Hoàng Chung và các trường học tổ chức Hội thi Tiếp bước danh nhân Triệu Thái.
Thôn Hoàng Chung là nơi lưu lại rất nhiều phong tục, tập quán cổ truyền. Các cụ cao tuổi trong thôn rất tự hào với truyền thống của làng mình. Thôn có ba di tích nổi tiếng là đền thờ danh nhân Triệu Thái, đình làng và chùa, miếu làng. Đình làng từ lâu trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, hằng ngày các cụ già uống trà, chơi cờ, trẻ con vui đùa, thanh niên nam nữ chơi thể thao. Năm nay, ông Đỗ Quốc Oanh giữ vai trò ông từ tại đình làng (dân làng còn gọi là cụ mạnh bái hoặc mạnh quan). Ông Oanh kể: Ngày mồng 10 tháng Giêng hằng năm, làng tổ chức lễ cầu đinh, rất nhiều người dân khắp nơi đổ về. Lễ diễn ra lúc nửa đêm, người được chọn cầu đinh đầu tiên lúc sang canh phải là người có gia đình nền tảng tốt, các thành viên đều khỏe mạnh, hạnh phúc, thành đạt... Lễ cầu đinh Xuân Ất Tỵ vừa qua được tổ chức đêm mồng 9 rạng sáng mùng 10 tháng Giêng, có đến 80 lễ của các gia đình trong thôn cùng 50 lễ của con em xa quê.
Việc bầu ông từ được thực hiện vào ngày mồng 10 tháng 2 âm lịch, theo lệ cứ ba năm tổ chức một lần. Hội đồng bô lão của thôn sẽ bầu ba ông mạnh bái (ông từ), mỗi ông làm thủ từ một năm. Ngày Tết, các ông từ sẽ làm bánh mật từ gạo nếp xay kỹ, nhân đỗ, nấu cách thủy, gói thật đẹp bằng lá chuối khô, rồi bọc giấy đỏ để thờ trong ba ngày Tết tại đình. Dân làng làm bánh mụn (nổ bỏng gạo nếp trộn với mật rồi vo tròn), gói giấy xanh, giấy đỏ dâng lên lễ thánh. Nhà nào cũng làm bánh mụn, làm bún (giã bằng tay gọi là quả bún) để dâng cúng.
Mồng 4 tháng Giêng hằng năm, thôn Hoàng Chung tổ chức lễ Tịch điền. Bô lão trong thôn chọn một gia đình tốt lành để cấy vụ chiêm đầu tiên. Hiện nay, thôn Hoàng Chung đang khôi phục lại hội thi nấu cơm cổ xưa: hai vợ chồng khiêng nồi cơm vừa đi vừa nấu, người đi sau cầm bó nứa đốt vào đáy nồi. Cơm nhà nào ngon nhất được đưa lên dâng cúng.
Ngày nay, đình làng Hoàng Chung nằm giữa một quần thể văn hóa-thể thao rộng gần 7.000 m2, được đầu tư khang trang, hiện đại. Trong đó, nhà văn hóa thôn rộng hơn 300 m2, cùng với nhà trưng bày sản phẩm địa phương, sân bóng đá nhân tạo, các sân bóng chuyền, sân cầu lông. Khu văn hóa-thể thao của thôn có đường dạo chung quanh, lắp đặt dụng cụ thể dục-thể thao ngoài trời. Trưởng thôn Nguyễn Văn Cương cho biết: Người dân trong thôn tự giác đóng các quỹ để duy trì hoạt động của khu thiết chế văn hóa thể thao, thường xuyên vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Thôn tổ chức nhiều giải thể thao như cờ tướng, bóng đá, bóng chuyền, kéo co rất sôi nổi và đều được người dân tự nguyện đóng góp, tài trợ.
Ông Trần Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã Đồng Ích phấn khởi cho biết: Toàn xã đã xây dựng 23 tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh; triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại các thôn Hoàng Chung, Viên Luận, Xuân Đán. Nhiều công trình được hoàn thành và đưa vào sử dụng tạo ra diện mạo mới cho xã. Đời sống tinh thần của người dân Đồng Ích rất phong phú, ấm cúng. Chính vì lẽ đó, con em của xã dù đi đâu cũng luôn tìm nguồn cội, tích cực đóng góp, tham gia các hoạt động của địa phương.