Xã Đồng Thịnh được thành lập từ ba làng cổ gồm: Làng Thiều, làng Thượng và làng Ơn (nay là làng Thiều Xuân, làng Yên Tĩnh và làng Thượng Yên). Sinh hoạt văn hóa của người dân Đồng Thịnh rất phong phú với nhiều sân chơi thể thao, câu lạc bộ văn nghệ. Xã còn có câu lạc bộ hát chèo do nghệ nhân Ngô Thúy Tăng truyền dạy. Ở tuổi gần 80, nghệ nhân Ngô Thúy Tăng vẫn say sưa đi hát như chiến sĩ văn công năm xưa và dạy các cháu nhỏ hát chèo.
Đồng Thịnh cũng là địa danh có nhiều di tích lịch sử văn hóa, gồm 9 đình, chùa, đền, miếu, 6 lễ hội truyền thống, trong đó có 7 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nhiều di tích có từ xa xưa, không xác định được niên đại, trong đó có đình Thiều Xuân, một di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, gắn với lễ hội khai xuân vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm.
Đình Thiều Xuân thờ Thạch Sơn Đại vương và An Bình công chúa, những nhân vật lịch sử có công với nước. Đình được nhà nước phong kiến ban 6 đạo sắc phong. Từ khi đình được công nhận là di tích cấp tỉnh, hội làng được tổ chức đều đặn hơn.
Bên cạnh đó là chùa Hoa Nghiêm, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của làng Thượng Yên, được du khách thập phương chiêm bái quanh năm. Chùa được xây dựng từ năm Khải Định thứ hai (năm 1886), sau đó được người dân đóng góp tu bổ, khôi phục lại các hạng mục. Trong chùa đang lưu giữ một số cổ vật bằng đồng quý hiếm như: Lư hương, chuông và chiêng đồng.
Làng Yên Tĩnh có đền Quế Quốc (còn gọi là miếu Kéo Song, miếu làng Ơn) nằm trên một gò đất, nằm chung trong quần thể văn hóa của làng. Nền đất này vẫn còn dấu tích của đình làng cổ xưa.
Trong làng còn năm giếng cổ, nước giếng luôn đầy, cao hơn cả mặt ruộng chung quanh. Phía trước đền Quế Quốc là hai cây đa lớn, ước tính vài trăm tuổi. Rễ đa vắt ngang tạo thành những cái cổng tự nhiên. Hai cây đa cổ thụ rất xanh tốt, tán rộng, trở thành nơi nghỉ trưa quen thuộc của người dân sau những giờ làm đồng vất vả. Cứ đến mồng 6 tháng Giêng, làng lại tổ chức hội tại đền, thu hút rất đông người dân từ khắp nơi tham gia.
Đồng Thịnh nổi tiếng nhất là lễ hội Rước cây bông, hay còn gọi là hội Cướp bông của làng Thượng Yên. Có từ xa xưa, được tổ chức ngày mồng 7 tháng Giêng hằng năm, lễ hội gắn liền với đền Thượng, thờ Tản Viên Sơn Thánh và phối thờ hai vị thần Cao Sơn đại vương và Quý Minh đại vương, mang ý nghĩa cầu mưa thuận, gió hòa, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng bội thu.
Làng Thượng Yên có năm thôn, mỗi năm sẽ có một thôn được phân công đảm nhận việc làm cây bông. Dân làng làm ba loại cây bông: Cây bông lúa, cây bông vải và cây bông đỗ. Để tạo nên cây bông vải và bông lúa, dân làng chọn tre bánh tẻ và khéo léo tạo thành các túm xơ hình bông lúa, bông vải. Bông trắng là bông vải, còn bông nhuộm nước quả dành dành thành màu vàng sẽ là bông lúa.
Cây bông đỗ gồm bông đỗ con và bông đỗ cả, được làm từ thanh tre, trúc, và một hỗn hợp mùn cưa trộn với nhựa cây trám. Dân làng sử dụng lạt tre, lạt mây nhuộm màu sặc sỡ để tạo hình các loài chim trang trí trên cây bông. Sau khi làm lễ tại sân đền, các cây bông sẽ được đưa vào trong đền để tế lễ, rồi sau đó được mang hóa vào ngày rằm tháng Giêng. Tiếc là tục cướp bông cổ truyền không được duy trì, cho nên lễ hội thiếu đi bầu không khí nhộn nhịp như trước đây.
Vùng quê Đồng Thịnh bắt đầu thay đổi khi phần lớn diện tích phải dành cho các khu công nghiệp, song những lễ hội đậm đà chất quê vẫn được người dân nơi đây trân trọng giữ gìn như vốn quý của cha ông để lại.