Một trong những địa danh giữ vai trò quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên-Mông lần thứ hai (năm 1285) chính là Hành cung Vũ Lâm (Tràng An, Ninh Bình) - nơi từng là tổng hành dinh của nhà Trần.
Ngay sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ nhất (năm 1258), các vua Trần đã sớm tiên liệu rằng kẻ thù phương bắc sẽ không dễ dàng từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Việt. Với tầm nhìn chiến lược và tinh thần cảnh giác cao độ, triều đình nhà Trần đã chủ trương xây dựng hệ thống căn cứ địa phòng thủ vững chắc; trong đó, Hành cung Vũ Lâm được chọn làm trung tâm kháng chiến quan trọng.
TỔNG HÀNH DINH VỮNG CHẮC CỦA NHÀ TRẦN
Ngoài các lực lượng bố phòng trong và ngoài hành cung, việc đi lại, ra vào hành cung hết sức cẩn mật. Các tướng lĩnh, đại thần muốn vào hành cung để triều kiến Thượng hoàng và vua Trần đều phải qua Bộ Đầu. Sau đó, họ được dẫn bằng thuyền đến nơi đỗ thuyền gọi là Hạ Trạo (dừng chèo), lên bộ đi theo đường mòn bìa rừng, đến địa điểm báo cáo và nhận chiếu mệnh vua ban gọi là Tuân Cáo, rồi ngược ra đường cũ. Các quan vào triều kiến Thượng hoàng và vua Trần tại Đình Các. Những địa danh và di tích này, nay vẫn còn, thuộc các thôn Tuân Cáo, Hạ Trạo, Khả Lương, Văn Lâm (xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư, Ninh Bình).
Ông Trương Đình Tưởng, Chủ tịch Hội Sử học Ninh Bình, nhận định: Vũ Lâm-Tràng An không chỉ là một địa danh có ý nghĩa lịch sử mà còn là minh chứng cho nghệ thuật quân sự tài tình của nhà Trần. Nhờ địa thế núi non hiểm trở, sông suối chằng chịt, nơi đây trở thành “lá chắn thép” bảo vệ triều đình trước sự tấn công của giặc. Tràng An Hoa Lư vốn là vùng đất kinh đô thời Đinh - Tiền Lê, được bao bọc bởi hệ thống sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Vân Sàng.
CHIẾN THẮNG OANH LIỆT TẠI TRÀNG AN
Cha ông ta đúc kết “Nam chu Bắc mã”, nghĩa là: Người nước Nam giỏi dùng thuyền chiến, người phương Bắc giỏi dùng ngựa chiến. Quân dân nhà Trần bỏ ngỏ thành Thăng Long, thực hiện kế sách vườn không, nhà trống. Đại quân Trần dưới sự thống lĩnh của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn rút về Tràng An. Trong đó, phía nam, án ngữ núi Tam Điệp do Trần Nhật Duật làm tổng chỉ huy. Phía Bắc do Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (con trai Trần Hưng Đạo) trấn giữ thủy bộ dọc sông Đáy, sông Hoàng Long. Các đạo quân khác do các tướng chặn cửa biển Đại An và Thần Phù. Quân thủy bộ liên kết chặt chẽ với Tổng hành dinh Vũ Lâm do các vua Trần và Hưng Đạo đại vương chỉ huy. Giặc Nguyên-Mông sau khi tiến chiếm được Thăng Long ở phía bắc, đánh chiếm được các tỉnh Thanh-Nghệ từ phía Chiêm Thành đánh ra, chủ quan tiến binh vào Tràng An, những tưởng đánh úp, bắt sống được vua tôi nhà Trần. Quân giặc thiện chiến cưỡi ngựa, bắn cung, quen chiến địa bình nguyên, sa mạc, lâm vào thực địa Tràng An bị sa lầy, không thể triển khai được lực lượng tập kích lớn, bị quân nhà Trần từ núi rừng, hang động bao vây, chia cắt, đánh cho tan tác.
Năm 1285, sau khi chiếm được Thăng Long và tiến quân sâu vào lãnh thổ Đại Việt, quân Nguyên-Mông dưới sự chỉ huy của Thoát Hoan đã tiến về Tràng An nhằm tiêu diệt lực lượng chủ chốt của nhà Trần. Tuy nhiên, tại đây, chúng đã rơi vào thế trận thiên la địa võng của quân ta. Ngày 3 tháng 5 năm 1285, trận đánh quyết định diễn ra tại căn cứ Tràng An - Vũ Lâm. Quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tổ chức phản công dữ dội, đẩy lùi quân Nguyên vào các thung lũng, đầm lầy. Trận chiến kết thúc với thắng lợi vang dội, tạo tiền đề cho cuộc tổng phản công đánh bại quân Nguyên, giải phóng Thăng Long vào tháng 6 cùng năm.
Sông suối, núi rừng Hoa Lư là áo giáp che chở cho Hành cung Vũ Lâm. Lòng dân yêu nước, ý chí “sát Thát”, cùng với thế đất hiểm của Tràng An-Hoa Lư, tạo thành căn cứ địa vững chãi, pháo đài kiên cố, bảo vệ an toàn tuyệt đối đầu não vương triều Trần và lực lượng chiến lược.
Ngày nay, Tràng An-Vũ Lâm đã trở thành Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, thu hút đông đảo du khách và nhà nghiên cứu lịch sử. Những di tích như chùa Nhất Trụ, động Thiên Tôn, chùa Bái Đính… vẫn còn đó, như chứng nhân cho một thời kỳ oanh liệt của dân tộc. Kỷ niệm 740 năm chiến thắng Nguyên-Mông lần thứ hai là dịp để chúng ta nhìn lại lịch sử, tự hào về những chiến công của cha ông và hun đúc thêm lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ và phát triển đất nước trong thời đại mới ■