Trong số các địa phương của Quảng Ninh, Đầm Hà được coi là cái nôi của nghệ thuật hát nhà tơ. Nơi đây vừa có không gian thực hành vừa có di tích gắn với loại hình văn hóa dân gian hát nhà tơ.
Với mong muốn bảo tồn, duy trì loại hình nghệ thuật hát nhà tơ, tháng 3/2024, câu lạc bộ hát nhà tơ trong trường học ở Đầm Hà được thành lập và luyện tập 1 buổi/tuần. Không chỉ được các thành viên câu lạc bộ hát nhà tơ của xã hướng dẫn, các em học sinh còn được trực tiếp gặp mặt, học hát với Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự. Bà Đặng Thị Tự ở thôn Trại Giữa, xã Đầm Hà được ví là “cây đại thụ về hát nhà tơ” và là nghệ nhân đầu tiên của Quảng Ninh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Khi đã thuần thục các điệu múa, bài hát, các em học sinh sẽ được tham gia các chương trình giao lưu văn nghệ trong và ngoài huyện, góp phần quảng bá rộng rãi vẻ đẹp văn hóa truyền thống quê hương. Trưởng phòng Giáo dục huyện Đầm Hà Chu Huy Bân cho biết: “Đến nay các câu lạc bộ hát nhà tơ trong trường học của xã Đầm Hà đã duy trì và phát huy hiệu quả, nhằm bồi đắp tình yêu và trao truyền cho thế hệ trẻ nghệ thuật trình diễn dân gian hàng nghìn năm tuổi, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh”.
Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình ở huyện Đầm Hà gắn liền với tín ngưỡng, văn hóa, phong tục địa phương, là phần không thể thiếu trong lễ hội đình truyền thống hằng năm cùng nhiều sự kiện quan trọng khác của cộng đồng dân cư. Trải qua nhiều biến động của lịch sử, hình thức diễn xướng dân gian này đang được quan tâm bảo tồn, tiếp tục có sức sống mới trong xã hội hôm nay.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đầm Hà Hoàng Vĩnh Khuyến cho biết: “Địa phương luôn quan tâm tới công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, ưu tiên các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Thành lập, duy trì các câu lạc bộ hát nhà tơ, hát sán cố và may thêu trang phục truyền thống dân tộc Dao, phục dựng các lễ hội truyền thống, nhất là bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống hát nhà tơ - hát, múa cửa đình”.
Hát nhà tơ - hát, múa cửa đình là một thể loại được coi là biến thể của ca trù Việt Nam, điểm khác ở chỗ là loại hình này rất coi trọng múa, khi trình diễn luôn có đội hình múa đi kèm; phong cách hát, múa nhẹ nhàng, uyển chuyển, thường là trong gia đình có bố mẹ đi hát, hoặc nghe hát rồi truyền lại cho con cháu... Hát nhà tơ là hoạt động thường xuyên trong dân, từ dân, của người dân lao động; còn hát múa cửa đình chủ yếu là để phục vụ lễ hội của làng và để ca ngợi những người có công với nước, với làng, xóm.
Năm 2009, cùng với việc phục dựng lại lễ hội đình Đầm Hà, điệu hát nhà tơ được sưu tầm, hát trở lại. Tháng 6/2011, tỉnh quyết định giao cho Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh thực hiện Dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị hát nhà tơ - hát, múa cửa đình tại Đầm Hà, Vân Đồn và thành phố Móng Cái. Từ đây, di sản hát nhà tơ - hát, múa cửa đình đã chính thức được nghiên cứu, sưu tầm một cách bài bản, khoa học và được phát huy đúng với giá trị vốn có của nó.