Sắc màu nghề thêu Văn Lâm

Sau hơn 700 năm thăng trầm, nghề thêu ren truyền thống ở làng Văn Lâm (xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) vẫn tồn tại, gắn bó cùng người yêu nghề, như sợi chỉ đỏ bền bỉ nối quá khứ với hiện tại.
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm thêu ren Văn Lâm ngày càng được đổi mới, đáp ứng thị hiếu của du khách. (Ảnh SỞ DU LỊCH NINH BÌNH)
Các sản phẩm thêu ren Văn Lâm ngày càng được đổi mới, đáp ứng thị hiếu của du khách. (Ảnh SỞ DU LỊCH NINH BÌNH)

Theo những bậc cao niên trong làng kể lại, nghề thêu ở Văn Lâm có từ thời Trần, gắn với truyền thống làm trang phục cho giới quý tộc và triều đình. Trải qua bao biến thiên lịch sử, từ gấm vóc cung đình đến những tấm khăn tay thêu tinh xảo của Văn Lâm vẫn giữ bản sắc riêng với nét mềm mại, tỉ mỉ, đậm hồn cốt đất Hoa Lư nghìn năm.

THÊU REN TRONG NHỊP MỚI CỦA LÀNG QUÊ

Cụ Đinh Thị Nguyên năm nay đã 80 tuổi, đôi mắt đục màu thời gian nhưng bàn tay vẫn nhanh thoăn thoắt đang ngồi thêu một bức tranh sen trước hiên nhà. Cụ bảo: “Ngày trước, gái Văn Lâm lớn lên là phải biết cầm kim, cầm chỉ. Một đường thêu ngay ngắn, một hoa văn tinh xảo là cả danh dự của gia đình”.

Có giai đoạn, làng thêu Văn Lâm rơi vào cảnh khó khăn khi người trẻ bỏ nghề theo công việc khác mưu sinh. Những chiếc khung thêu phủ bụi, sợi chỉ úa màu lặng lẽ nằm trong góc nhà. Nhưng rồi bằng tình yêu nghề, những người như cụ Nguyên vẫn kiên trì giữ lửa, chờ ngày làng nghề thức dậy.

Khi du lịch Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc-Bích Động bùng nổ, một cơ hội mới mở ra với Văn Lâm. Cả làng như bừng tỉnh. Những gian hàng thêu ren mọc lên dọc các trục đường du lịch. Các sản phẩm thêu không chỉ còn là khăn trải bàn, áo dài mà còn sáng tạo thành túi xách, áo khoác, phụ kiện thời trang… mang phong cách hiện đại, tinh tế. Nguyễn Văn Minh, 26 tuổi, một thợ thêu trẻ thế hệ “9X” chia sẻ: “Thêu ren Văn Lâm giờ không chỉ đẹp mà còn phải bắt kịp thị hiếu du khách. Bọn em học thêm thiết kế, pha trộn kiểu mẫu Âu-Á, làm sản phẩm mới, giữ hồn cốt cũ. Nhiều bạn trẻ trong làng giờ tự hào vì nghề, thậm chí còn lập xưởng nhỏ, bán hàng online, đưa thêu ren Văn Lâm ra thế giới”.

Chính quyền thành phố Hoa Lư cũng rất tích cực hỗ trợ làng nghề. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Bùi Thiện Thi cho biết, địa phương đang phối hợp các cơ sở sản xuất tổ chức lớp truyền nghề miễn phí cho thanh niên, gắn làng nghề với du lịch cộng đồng. Sắp tới sẽ quy hoạch khu trưng bày sản phẩm thêu ren, tổ chức các tour du lịch trải nghiệm “một ngày làm nghệ nhân” để du khách trực tiếp tham gia.

GIỮ LẠI CHO MAI SAU

Giữa dòng chảy tất bật của cuộc sống hiện đại, Văn Lâm vẫn có những buổi chiều êm đềm, khi tiếng cười trẻ thơ vang lên bên khung thêu, khi những nghệ nhân già kiên nhẫn cầm tay lớp trẻ chỉ từng đường kim mũi chỉ. Cụ Nguyên nghẹn ngào: “Thêu không chỉ là kiếm sống. Thêu là giữ lại nghề của cha ông, giữ lại cái nết người”.

Một nhóm du khách người Hà Nội ghé Văn Lâm, say mê ngắm nhìn những chiếc khăn ren mỏng như sương, bức tranh thêu sống động. Chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ, giữa những xô bồ hàng hóa công nghiệp, cầm trong tay tấm thêu ren Văn Lâm mới thấm thía giá trị của lao động thủ công, của tâm huyết con người.

Không chỉ là những sản phẩm lưu niệm, thêu ren Văn Lâm đang được khơi dậy như phần hồn của văn hóa làng quê. Trong từng đường kim run run của người già, từng đường chỉ trẻ trung của thế hệ mới là khát vọng làm sống lại làng nghề, biến nghề xưa thành nguồn sinh kế bền vững, thành sợi dây nối liền hiện tại với cội nguồn.

Hồi sinh nghề thêu không chỉ là niềm tự hào cá nhân mà còn là bước đi chiến lược của cả xã. Với lượng du khách hàng năm đến Tràng An, Bái Đính, Tam Cốc- Bích Động ước tính hàng triệu lượt, nhu cầu quà tặng lưu niệm mang đậm bản sắc địa phương là rất lớn.

Chính quyền xã Ninh Hải đã chủ động phối hợp Phòng Văn hóa huyện Hoa Lư, Sở Công thương, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ thuật, hỗ trợ thiết kế mẫu mã, cấp chứng nhận sản phẩm OCOP cho nhiều cơ sở thêu ren. Một số hộ gia đình mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, mở rộng sản xuất, hướng tới xuất khẩu.

Tuy nhiên, bài toán phát triển vẫn còn nhiều thử thách, đó là: Thiếu đội ngũ trẻ tâm huyết, thiếu vốn đầu tư, khó khăn trong việc tìm kiếm đầu ra bền vững. Chị Vũ Thị Tuệ, xã Ninh Hải bày tỏ: “Chúng tôi mong tỉnh, huyện có thêm chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi, quảng bá làng nghề trên các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, cần thêm nhiều chương trình du lịch trải nghiệm gắn với thêu ren để du khách hiểu và yêu sản phẩm hơn”.

Từ mái ngói phủ rêu của Văn Lâm, từ những bàn tay còn vương màu chỉ, nghề thêu ren đang cựa mình trở lại, giữ trọn những tinh hoa xưa và thổi thêm luồng sinh khí mới, cùng làng quê Ninh Bình vững bước vào hành trình mới: Phát triển nông thôn gắn với bảo tồn văn hóa.