Bảo tồn, phát huy giá trị Bảo vật quốc gia

Hải Phòng được biết đến với những tên gọi thân quen, hiện đại như: thành phố Cảng, thành phố Hoa phượng đỏ, thành phố công nghiệp; nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nhiều Bảo vật quốc gia - những báu vật mang truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc.
0:00 / 0:00
0:00
Học sinh tham quan tại Bảo tàng Hải Phòng.
Học sinh tham quan tại Bảo tàng Hải Phòng.

Theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Văn hóa di sản Việt Nam, mỗi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam có xuất xứ trong nước hoặc từ nước ngoài thuộc các hình thức sở hữu khác nhau đều cần được bảo vệ và phát huy giá trị, phục vụ giáo dục truyền thống văn hóa và góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, góp phần cho thấy quá trình dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.

Trong đó, cổ vật là dấu ấn văn hóa nghệ thuật minh chứng tư duy, thẩm mỹ, óc sáng tạo và đôi tay khéo léo của tổ tiên qua từng vương triều, thời kỳ lịch sử. Bảo tồn cổ vật cũng thể hiện truyền thống yêu quê hương đất nước, trọng đạo nghĩa, giữ gia phong; tạo nên giá trị quý báu làm nội lực, sức mạnh tinh thần cho các thế hệ nối tiếp nhau hướng về nguồn cội.

Từ nhận thức đó, nhiều năm qua, thành phố Hải Phòng luôn quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị cổ vật, nhất là các Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng thành phố và các bảo tàng tư nhân, nhà sưu tập…

Từ yêu mến di sản văn hóa, niềm đam mê sưu tầm, suốt mấy chục năm qua, nhà sưu tập Trần Đình Thăng đã trở nên nổi tiếng với bộ sưu tập An Biên gồm khoảng 500 hiện vật, thể hiện rõ nét văn hóa bản địa Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

Bộ sưu tập An Biên của ông đã được lập hồ sơ khoa học đăng ký với cơ quan nhà nước và chia làm 4 nhóm: Cổ vật thuộc nhà nước Đại Việt (thế kỷ 11-19); cổ vật Trung Hoa (thế kỷ 9-19); cổ vật thời Bắc thuộc (thế kỷ 5 trước công nguyên đến thế kỷ 9) và bộ tượng Phật gỗ, đá (thế kỷ 17- 19).

Bộ sưu tập được trưng bày không chỉ tại thành phố Cảng, mà còn giới thiệu tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trong số các cổ vật thuộc bộ sưu tập này, có 18 món đã được công nhận Bảo vật quốc gia và nhà sưu tập Trần Đình Thăng cũng trở thành cá nhân đang lưu giữ nhiều Bảo vật quốc gia nhất.

Đầu năm 2025, thành phố Hải Phòng tiếp tục đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận “Bộ kim phẩm đền Nghè” là Bảo vật quốc gia. “Bộ kim phẩm đền Nghè” gồm 22 hiện vật là đồ trang sức bằng vàng của người dân cung tiến vào đền Nghè kính dâng Thánh mẫu Lê Chân - người được dân suy tôn là Thánh Mẫu, Thành hoàng của thành phốCảng.

“Bộ kim phẩm đền Nghè” thể hiện rõ nét tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, cũng là sự tôn kính đối với người liệt nữ anh hùng có công lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, khai hoang, lập ấp, tạo dựng nên vùng đất Hải Phòng ngày nay.

Tại Hải Phòng còn có Bảo tàng Văn hóa nghệ thuật Đông Dương của doanh nhân Cao Văn Tuấn, lưu giữ và trưng bày hơn 15.000 hiện vật có niên đại từ hàng trăm đến hàng nghìn năm. Bảo tàng đã tham gia vào chương trình du lịch học đường của thành phố, trở thành điểm đến độc đáo, giúp học sinh tiếp cận và tích lũy kiến thức về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Bảo tàng cũng đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khai thác tiềm năng giáo dục và trải nghiệm văn hóa cho du khách, học sinh thông qua các cổ vật; góp phần làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch, vừa gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa địa phương.

Theo Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng Bùi Thị Nguyệt Nga, cùng với việc gìn giữ cổ vật, nhất là các Bảo vật quốc gia, thành phố Hải Phòng đã ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý, bảo tồn như số hóa tư liệu cổ vật, tạo dựng không gian triển lãm ảo.

Cách làm mới này tạo điều kiện cho người dân, du khách có thể tiếp cận thông tin giá trị và chiêm ngưỡng cổ vật được thuận tiện và rộng rãi hơn. Đồng thời, Bảo tàng Hải Phòng cũng mở rộng hoạt động nghiên cứu, phục dựng cổ vật, hợp tác với các chuyên gia trong và ngoài nước trong công tác bảo vệ và phát huy các di sản một cách bền vững…

Cùng với việc mở cửa thường xuyên các bảo tàng trong dịp lễ trọng, sự kiện đặc biệt, Hải Phòng còn tổ chức trưng bày các bộ sưu tập cổ vật, Bảo vật quốc gia theo chuyên đề nhằm giới thiệu rộng rãi và lan tỏa giá trị văn hóa, lịch sử tới người dân và du khách.

“Việc bảo tồn và phát huy giá trị của Bảo vật quốc gia cũng là cơ sở để thành phố tiếp tục tạo nên bộ nhận diện sâu sắc, khoa học và đầy đủ hơn về hệ giá trị bản sắc văn hóa, con người Hải Phòng với tư cách là nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn lực cho thành phố phát triển trong kỷ nguyên mới” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng khẳng định.