Khởi sắc hạ tầng giao thông

Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng tốc thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để về đích đúng hẹn vào dịp lễ 30/4 nhằm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước. Qua đó, giúp hạ tầng giao thông đô thị thành phố thông thoáng hơn, đồng bộ hơn…
0:00 / 0:00
0:00
Tiến độ nhà ga T3 đang gấp rút về đích.
Tiến độ nhà ga T3 đang gấp rút về đích.

Khơi thông cửa ngõ

Ghi nhận những ngày cuối tháng 3, tại dự án nút giao An Phú (TP Thủ Đức), dù trưa nắng nóng nhưng hàng trăm công nhân cùng máy móc, thiết bị phục vụ thi công vẫn miệt mài làm việc liên tục “3 ca, 4 kíp” mỗi ngày để hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Dự án trọng điểm này nằm ở cửa ngõ phía đông Thành phố Hồ Chí Minh, được thiết kế 3 tầng với hầm và cầu vượt. Trong đó, hầm nhánh HC1 đến nay đạt hơn 90% khối lượng. Công trình dài 760 m, rộng 4 làn xe, kết nối cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Giao thông, chủ đầu tư) cho biết, hầm HC1 đang được tăng tốc thực hiện để kịp thông xe vào dịp lễ 30/4. Các phương tiện di chuyển thuận tiện từ cao tốc đến hầm vượt sông Sài Gòn, giảm áp lực giao thông đáng kể tại cửa ngõ thành phố.

“Việc đưa vào sử dụng hầm chui HC1 tại nút giao An Phú góp phần giải quyết ùn tắc thường xuyên tại nút giao trọng điểm này. Bởi bấy lâu nay, nút giao thông này được xem là điểm đen về kẹt xe vì cứ đi qua đây vào giờ cao điểm ít nhất phải mất vài chục phút, thậm chí có lúc mất gần cả giờ đồng hồ”, anh Giáp Văn Điều, tài xế xe tải thường xuyên đi qua đây vui mừng nói.

Nút giao An Phú là dự án giao thông trọng điểm của Thành phố Hồ Chí Minh, công trình được khởi công vào tháng 12/2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Dự án được thiết kế với quy mô 3 tầng, bao gồm các hầm chui và cầu vượt, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía đông thành phố. Đây cũng là dự án được đánh giá có hạ tầng hiện đại bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Một công trình trọng điểm khác cũng sẽ đưa vào sử dụng vào dịp lễ 30/4 này là cầu Nhơn Trạch thuộc dự án thành phần 1A vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận Trần Văn Thi (Bộ Xây dựng, chủ đầu tư) cho hay, dự án xây dựng cầu Nhơn Trạch và đường dẫn hai đầu cầu đến nay đạt hơn 90% khối lượng. Trong đó, cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, nối TP Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) là cây cầu lớn nhất của dự án vành đai 3, hiện đạt hơn 95% sản lượng.

Dự án thành phần 1A có tổng chiều dài 8,22 km, đi qua tỉnh Đồng Nai 6,3 km và đi qua Thành phố Hồ Chí Minh 1,92 km. Dự án có tổng mức đầu tư 6.955 tỷ đồng, trong đó, cầu Nhơn Trạch dài 2,6 km, quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp với tổng đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Đây là dự án trọng điểm, đóng vai trò kết nối vùng, rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh sang tỉnh Đồng Nai và các địa phương lân cận.

Khi toàn bộ dự án được đưa vào khai thác và kết nối với dự án thành phần 3 vành đai 3 qua tỉnh Đồng Nai sẽ dẫn đến cao tốc Bến Lức - Long Thành, chia tải cho cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51. Dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực.

Tại cửa ngõ phía tây thành phố, công trình trọng điểm quốc gia, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ đưa vào vận hành thêm 33 km trước dịp lễ 30/4. Ghi nhận trên công trường, không khí thi công diễn ra hết sức khẩn trương. Từng tốp công nhân đo đạc, căng dây xác định vị trí thảm nhựa, trong khi các xe lu liên tục hoạt động để nén chặt lớp nhựa đường.

Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC, chủ đầu tư), hai đoạn sắp thông xe là hơn 14 km từ nút giao Phước An đến vành đai 3 (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và 18,8 km từ đường Lê Khả Phiêu đến Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh).

Khi đoạn đường dài hơn 14 km thông xe, các phương tiện có thể di chuyển liên tục hơn 20 km từ nút giao vành đai 3 (huyện Nhơn Trạch) đến nút giao quốc lộ 51 (huyện Long Thành) giúp giảm tải áp lực giao thông cho cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, kết nối giao thông khu vực. Còn đoạn phía tây dài 18,8 km khi thông xe sẽ giúp các phương tiện có thể đi liền mạch hơn 22 km từ nút giao Mỹ Yên (Long An) đến Khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Như vậy, đến dịp lễ 30/4 này, tuyến cao tốc sẽ nâng tổng chiều dài khai thác lên hơn 43 km trong tổng số 57 km, hướng tới mục tiêu hoàn thành toàn tuyến vào năm 2026, tạo động lực quan trọng cho kết nối giao thông khu vực.

Ban Giao thông Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, đoạn giao với đường Nguyễn Văn Linh, đoạn cuối giáp ranh tỉnh Long An. Dự án dài gần 7 km, trong đó có hơn 4,3 km làm tuyến mới song hành. Kết nối giao thông, kinh tế giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây được tăng cường. Mạng lưới giao thông cửa ngõ phía nam thành phố cũng hoàn thiện hơn.

Khởi sắc hạ tầng giao thông ảnh 1

Hàng loạt công trình trọng điểm sẽ về đích trước dịp lễ 30/4.

Thông thoáng nội đô

Là công trình được kỳ vọng lớn nhằm giảm tải cho Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình), Nhà ga hành khách T3 cũng sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác dịp lễ 30/4 này. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư), dự án nhà ga T3 đang hoàn thiện những công đoạn cuối. Hiện công trình đạt hơn 95% tiến độ, các hạng mục quan trọng đang gấp rút hoàn thiện để sẵn sàng đưa vào khai thác. Tại công trường, hơn 2.500 kỹ sư, công nhân cùng hàng trăm thiết bị, máy móc làm việc xuyên suốt cả tuần nhằm đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các hạng mục đúng kế hoạch.

Trong kế hoạch khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nhà ga T3 sẽ khánh thành vào dịp lễ 30/4 theo chỉ đạo của Thủ tướng. Sau giai đoạn cao điểm lễ, Nhà ga T3 sẽ chính thức vận hành, phục vụ tất cả chuyến bay nội địa của hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Nhà ga T3 khai thác với 20 triệu lượt khách/năm giúp nâng công suất toàn bộ Sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm. Trong đó, dự kiến 80% lượng khách quốc nội qua Nhà ga T3 giúp chia lửa cho Nhà ga T1 hiện đang quá tải nhiều năm qua.

Ở khu vực quanh sân bay, tuyến đường Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa cùng với cầu vượt trước Nhà ga T3 kết nối trực tiếp với nhà ga cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện, dự kiến thông xe trước ngày 20/4. Song song đó, tuyến đường Hoàng Hoa Thám thông xe toàn tuyến trước ngày 30/4, cũng sẽ góp phần đồng bộ về hạ tầng cho khu vực quanh sân bay.

Một dự án quan trọng khác là mở rộng đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp), với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, dự kiến thông xe toàn tuyến vào dịp 30/4. Đây cũng là một trong những dự án trọng điểm chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, góp phần thông thoáng hạ tầng khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh.

Đánh giá về vai trò các công trình trọng điểm mang lại, TS, KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, các tuyến đường góp phần đồng bộ và thông suốt các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và lân cận Thành phố Hồ Chí Minh, tạo cú huých mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội khu vực. Đặc biệt sẽ rút ngắn thời gian, công sức, chi phí vận chuyển hàng hóa và tiếp cận nhanh với các đầu mối giao thông trọng điểm của quốc gia như Sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu)...