Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt

NDO - Theo Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh, dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đã bổ sung quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương cũng như các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, chiều 27/5/2025. (Ảnh: BÙI GIANG)
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, chiều 27/5/2025. (Ảnh: BÙI GIANG)

Tạo động lực phát triển mới cho ngành đường sắt

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 27/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi).

Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm.

Dự thảo khắc phục những tồn tại, bất cập về thể chế, tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, thúc đẩy tính cạnh tranh của phương thức vận tải đường sắt…, tập trung vào các vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá để tạo hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt ảnh 1

Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh trình bày tờ trình. (Ảnh: BÙI GIANG)

Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo luật đã bổ sung quy định để huy động tối đa nguồn lực của địa phương cũng như các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Trong đó, có quy định về việc khuyến khích tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng và quy định khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt.

Dự thảo luật còn có quy định địa phương dùng ngân sách của mình để tham gia công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đầu tư xây dựng một số hạng mục kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia…

Để đẩy nhanh quá trình thực hiện đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư công trình đường sắt, dự thảo bổ sung quy định về việc được áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong báo cáo nghiên cứu khả thi.

Dự thảo cũng bổ sung quy định, với các tuyến đường sắt đô thị nằm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định thực hiện ngay việc lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án mà không phải thực hiện thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật có liên quan.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt ảnh 3

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: BÙI GIANG)

Bộ trưởng Xây dựng cho biết, việc bổ sung quy định này là một trong những giải pháp đột phá để tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương.

Về phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt, dự thảo bổ sung quy định dự án đầu tư xây dựng đường sắt, công trình công nghiệp đường sắt có gói thầu được tổ chức đấu thầu quốc tế, phải có điều kiện ràng buộc nhà thầu nước ngoài thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và từng bước làm chủ công nghệ.

Nhà thầu, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường sắt và dự án mua sắm, đóng mới đầu máy, toa xe phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp nhằm tạo điều kiện thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt, qua đó tạo ra thị trường đủ lớn góp phần phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ…

Bộ trưởng Xây dựng cũng cho biết, lần sửa đổi lần này đã cắt giảm 4 thủ tục hành chính; sửa đổi về chủ thể thực hiện của 10 thủ tục hành chính để tạo thuận lợi hơn và chỉ kế thừa 6 thủ tục hành chính.

Dự thảo phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương trong công tác đầu tư, quản lý vận hành kết cấu hạ tầng đường sắt. Một số thẩm quyền từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được chỉnh lý, phân về cho Bộ trưởng Xây dựng, chính quyền địa phương thực hiện.

Bổ sung quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ đường sắt

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng đường sắt ảnh 5

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: BÙI GIANG)

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đường sắt.

Góp ý vào nội dung đầu tư xây dựng công trình đường sắt và về khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt, ông Huy cho biết, một số ý kiến thống nhất với tờ trình của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư cho hệ thống đường sắt đô thị tại địa phương.

Một số ý kiến khác đề nghị báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về cơ chế, chính sách đặc thù quy định để bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật.

Về phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực đường sắt, giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng.

Nghiên cứu bổ sung các quy định phát triển, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực đường sắt; quy định rõ về việc chuyển giao toàn bộ hay một phần công nghệ mang tính bắt buộc.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị, cần có quy định về trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về công nghệ đường sắt, hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học.