Kiểm kê khí nhà kính bằng giải pháp công nghệ Việt

Cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính. Đây không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là cơ hội để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập thị trường quốc tế. Giải pháp tự động hóa kiểm kê khí nhà kính VertZéro do Tập đoàn FPT phát triển có thể giúp đo lường mức độ phát thải, từ đó lên kế hoạch giảm thải hướng đến Net Zero.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng rừng bên trong bờ kè nhằm tạo nên “bức tường xanh” bảo vệ vững chắc đê biển Tây. (Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng)
Trồng rừng bên trong bờ kè nhằm tạo nên “bức tường xanh” bảo vệ vững chắc đê biển Tây. (Ảnh: Nguyễn Thanh Dũng)

Tự động quy trình, ứng phó kế hoạch

Kiểm kê khí nhà kính giúp doanh nghiệp xác định rõ nguồn phát thải, xây dựng lộ trình giảm hiệu quả và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Theo các chuyên gia, để thực hiện kiểm kê yêu cầu tính xác thực, minh bạch và chính xác cao, doanh nghiệp cần đầu tư đào tạo nhân sự nắm rõ các quy định hiện hành. Quá trình kiểm kê khí nhà kính trải qua 5 bước, đó là: Xác định ranh giới tổ chức và nguồn phát thải; thu thập dữ liệu hoạt động; chọn hệ số phát thải, tính toán lượng phát thải cho từng nguồn (nhiên liệu, điện, mua sắm...); báo cáo kết quả; xác định và đề ra mục tiêu giảm phát thải.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang gặp thách thức trong kiểm kê khí nhà kính. Cụ thể, dữ liệu phục vụ cho kiểm kê khí nhà kính tại các doanh nghiệp thường rất lớn, có thể lên đến hàng chục nghìn dòng mỗi tháng. Việc xử lý thủ công từng dòng không chỉ tiêu tốn thời gian mà còn tiềm ẩn rủi ro sai sót dẫn đến kết quả không chính xác, khiến doanh nghiệp phải kiểm tra và hiệu chỉnh nhiều lần.

Bảo đảm độ chính xác của dữ liệu là yếu tố then chốt đòi hỏi nguồn lực đáng kể về thời gian và nhân sự, nhất là đối với những doanh nghiệp chưa có hệ thống dữ liệu môi trường được chuẩn hóa. Vì thế, công nghệ được coi là chìa khóa tháo gỡ thách thức và trở nên cấp thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh thị trường xuất nhập khẩu đang đặt ra hàng loạt quy định môi trường khắt khe từ thị trường quốc tế như các quy định của Liên minh châu Âu (EU) là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay quy định về chống phá rừng (EUDR).

Trước bối cảnh đó, VertZéro là nền tảng tự động hóa kiểm kê khí nhà kính theo ba phạm vi, tự động hóa quy trình thu thập, tính toán và báo cáo phát thải. Ông Tuân Phạm, Giám đốc sản phẩm, đồng sáng lập giải pháp VertZéro, Tập đoàn FPT chia sẻ: Việc áp dụng VertZéro đã giúp tự động hóa hơn 80% quy trình kiểm kê khí nhà kính nội bộ từ thu thập, cập nhật hệ số phát thải, tự động tạo báo cáo phân tích dữ liệu. Đặc biệt, thời gian kiểm kê được rút ngắn từ vài tuần xuống còn vài ngày, nhờ tích hợp API kết nối với các hệ thống quản trị nội bộ (ERP, quản lý tòa nhà, vận hành hạ tầng…)

Thay vì theo cách làm thủ công, ước lượng, VertZéro không chỉ giúp doanh nghiệp tự động hóa các quy trình, đo lường và quản lý tác động môi trường mà còn nhanh chóng xác định lượng phát thải tại từng chi nhánh giúp hoạch định mục tiêu giảm phát thải phù hợp với đặc thù mỗi khu vực, tạo cơ sở cho việc lập kế hoạch dài hạn. Khi đã minh bạch hóa thông tin, toàn bộ quá trình kiểm kê phát thải được vận hành bởi VertZéro tuân thủ các khung kiểm kê chuẩn quốc tế như GHG Protocol và ISO 14064-1, đây là cách tiếp cận phổ biến để bảo đảm độ chính xác trong quy trình kiểm kê. Giải pháp công nghệ Việt này nhận được nhiều giải thưởng về khoa học-công nghệ trong và ngoài nước, tiêu biểu như giải thưởng Stevie Awards for Technology Excellence năm 2024; giải thưởng Sao Khuê năm 2024. Mới đây nhất, VertZéro nằm trong top 10 sản phẩm sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ tư năm 2025.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Đầu tư vào công nghệ kiểm kê khí nhà kính được coi là bước đi chiến lược, giúp doanh nghiệp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập thị trường toàn cầu. Trong khuôn khổ chiến lược chuyển đổi xanh, VertZéro hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê phát thải và đóng vai trò tư vấn chiến lược, cung cấp các khuyến nghị hành động dựa trên dữ liệu thực tiễn. Từ việc cải thiện hiệu quả năng lượng (tối ưu hóa chiếu sáng, điều hòa), chuyển đổi phương tiện vận tải, triển khai giải pháp năng lượng tái tạo như điện mặt trời đến các sáng kiến dài hạn như trồng rừng hoặc đổi mới công nghệ sản xuất. Các đề xuất của VertZéro được thiết kế để giúp doanh nghiệp xây dựng lộ trình giảm phát thải phù hợp đặc thù hoạt động, năng lực đầu tư và mục tiêu Net Zero theo từng giai đoạn. Đây là bước tiến quan trọng giúp tích hợp quản trị khí hậu vào chiến lược vận hành và tài chính của doanh nghiệp.

Net Zero trở thành định hướng chiến lược của các ngành kinh tế, với yêu cầu cao về tính bền vững, thân thiện với môi trường. “Xanh hóa” trong sản xuất, kinh doanh không chỉ là yêu cầu trong kế hoạch phát triển của doanh nghiệp trong ngành kiến trúc và xây dựng, mà cả các lĩnh vực khác. Một minh chứng là đã có những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng, sản xuất ô-tô, tài chính và logistics tại Việt Nam đã tích hợp VertZéro để kiểm kê phát thải trong chuỗi vận hành. Ngoài ra, các doanh nghiệp báo cáo phát thải công khai và minh bạch có khả năng thu hút vốn từ các quỹ đầu tư xanh cao hơn 40% so với các doanh nghiệp không công khai thông tin này.

Cam kết Net Zero vào năm 2050 của Việt Nam đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt trên hành trình chuyển đổi xanh, FPT hợp tác cùng Ngân hàng BIDV cung cấp giải pháp phần mềm kiểm kê và quản lý phát thải khí nhà kính cho tất cả khách hàng doanh nghiệp của BIDV miễn phí (có thời hạn) và cung cấp với mức phí ưu đãi lên đến 25% sau thời gian này. Việc ứng dụng công nghệ giải pháp như VertZéro để đo lường, kiểm soát và báo cáo phát thải khí nhà kính đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh các ngân hàng muốn tăng cường cho vay xanh và là bước đi chiến lược trong hành trình chuyển đổi xanh. Tích hợp kiểm kê khí nhà kính vào chiến lược ESG (Environmental, Social, Governance) của doanh nghiệp vừa tuân thủ các yêu cầu về phát triển bền vững, vừa tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đạt được các chứng nhận quốc tế về môi trường. Minh bạch hóa dữ liệu phát thải cũng giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín, thu hút vốn đầu tư từ các quỹ phát triển bền vững và tài chính xanh.