Kiên quyết tháo dỡ vi phạm đầm Ô Loan

Sau bài viết “Làm gì để cứu đầm Ô Loan” (Thời Nay số 878, ra ngày 14-6-2018), Báo Thời Nay nhận được các ý kiến phản hồi từ các cấp lãnh đạo chính quyền.

Cần xử lý dứt điểm những vi phạm tại đầm Ô Loan.
Cần xử lý dứt điểm những vi phạm tại đầm Ô Loan.

1/ Theo đó, UBND tỉnh Phú Yên đã có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan để bàn giải pháp bảo tồn, giải quyết các trường hợp vi phạm, xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong quản lý đầm Ô Loan, tiến tới xây dựng đô thị Ô Loan trong tương lai.

Theo đó, sẽ rà soát khắc phục các hoạt động lấn chiếm mặt nước, bờ đầm Ô Loan. Ông Đình Văn Ìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa (Tuy An, Phú Yên), cho biết: “Sau cơn bão số 12, năm 2017, vùng nuôi tôm Hoàng Yến đã bị lấn chiếm 16 ha mặt đầm dẫn đến mâu thuẫn giữa bà con trong vùng. Chúng tôi đã khôi phục lại những thiệt hại sau bão, giải quyết các vùng nước bị lấn chiếm”.

Với những vùng lấn chiếm trước kia, ông Ìn cho biết thêm, những năm trước xảy ra lấn chiếm đầm đìa nuôi trồng thủy sản, lấn chiếm mặt nước để xây dựng các công trình kiên cố. Hiện người dân đã được tuyên truyền, không còn hộ nào vi phạm nữa. Về những hiện tượng mới phát sinh trong thời gian gần đây, chúng tôi thành lập các đoàn kiểm tra, thu hồi các vật liệu xây dựng.

2/ Vấn đề lập lại trật tự, xử lý những căn nhà xây dựng trên bờ đầm Ô Loan, theo lãnh đạo địa phương: ngổn ngang như những “phố nổi”. Ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: “Riêng nhà, hộ dân trong dân cư (kể cả nhà có sổ đỏ) ở từ trước những năm giải phóng, nếu chúng tôi cưỡng chế sẽ ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến nhiều mặt nữa”. Để ngăn chặn tình trạng đã lấn chiếm và tiếp tục lấn chiếm, ông Thành cho biết: “Huyện quyết định làm con đường bao quanh mặt đầm, tránh tình trạng tái diễn lấn chiếm”.

Về tình trạng xây dựng ven đầm trong thời gian gần đây tại các xã An Hòa, An cư, An Hiệp, ông Thành cho biết: “Chúng tôi đã làm rất quyết liệt. Cơ bản nhân dân cũng đã thấy, dứt khoát không để xảy ra vi phạm. Chúng tôi đã làm lại quy hoạch đầm Ô Loan theo Quyết định 1178 của UBND tỉnh, quy hoạch từ 396 ha xuống còn 361 ha. Quy hoạch vùng nuôi tôm, để vùng nuôi phát triển bền vững, tạo điều kiện cho phát triển du lịch, phát triển vùng nuôi trồng”.

3/ Bàn về “tương lai” cho đầm Ô Loan, ông Thành cho biết thêm, sắp tới, địa phương sẽ phối hợp một dự án khoảng 10 tỷ đồng để trồng đước, trồng các cây khác để làm công tác môi trường, để các loài thủy hải sản trú ngụ, với phương châm du lịch gắn với môi trường, gắn với con tôm, con cá, con hàu nổi tiếng của Ô Loan xưa. Về phía tỉnh, ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Giao trách nhiệm quy hoạch cho các địa phương, đồng thời bàn giao các vị trí cắm mốc kèm theo sơ đồ; có quy hoạch cụ thể để xác định các giải pháp bảo tồn cho từng khu vực”.

Danh thắng đầm Ô Loan - danh thắng quốc gia đã bị xâm hại được coi là một bài học của cách làm không nghiêm túc từ các sở, ngành liên quan. Bàn về giải pháp bảo tồn, giải quyết các trường hợp vi phạm, xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân trong quản lý, tiến tới xây dựng đô thị Ô Loan trong tương lai, ông Thế cho biết: “Vấn đề đặt ra đối với chính quyền các cấp của tỉnh Phú Yên hiện nay là ngoài việc xử nghiêm, dứt điểm các trường hợp sai phạm làm mất cảnh quan thiên nhiên, ô nhiễm môi trường nước, phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nuôi trồng thủy sản của ngư dân với phát triển du lịch”.

Qua rà soát, có 129 trường hợp phù hợp với quy hoạch, nằm xen kẽ trong khu dân cư, biện pháp khắc phục được tỉnh chỉ đạo là: “Có thể cho phép làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có thu tiền và chuyển mục đích sử dụng. Ngoài ra, tiếp tục vận động nhân dân tự giác tháo dỡ những công trình vi phạm để trả lại mặt bằng cho thắng cảnh đầm Ô Loan”. Đối với những diện tích nằm liền kề trong khu dân cư được xã quy hoạch theo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ông Thế cho hay: “Sẽ xem xét chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất để người dân sinh sống ổn định. Những diện tích lấn chiếm nhưng không phù hợp với quy hoạch cũng như khu vực 1 của đầm Ô Loan cần phải được bảo vệ nguyên trạng, sẽ kiên quyết buộc tháo dỡ”.

Báo Thời Nay sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh với bạn đọc những bước triển khai tiếp theo của địa phương nhằm giành lại sự trong sạch của di sản đầm Ô Loan.