Đảng ủy Cục Hải quân cũng được nâng cấp thành Đảng ủy Quân chủng Hải quân. Các phòng Tham mưu, Chính trị, Hậu cần nâng thành Cục Tham mưu (tháng 10/1965 là Bộ Tham mưu), Cục Chính trị, Cục Hậu cần và thống nhất về tổ chức biên chế cho phù hợp. Các đơn vị được củng cố, xây dựng cho phù hợp yêu cầu chiến đấu mới.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng chỉ đạo tích cực làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, các phương tiện, vũ khí cho sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Trong giai đoạn này Quân chủng Hải quân cùng một lúc tiến hành nhiều nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khẩn trương, đương đầu với nhiều khó khăn thử thách ác liệt của chiến tranh, song đã giành nhiều thành tích vẻ vang và không ngừng trưởng thành, tiến bộ.
![]() |
Hải quân nhân dân Việt Nam đánh trả máy bay Mỹ bắn phá miền bắc ngày 5/8/1964. (Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia) |
Tháng 4/1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân họp, quyết định mở cuộc sinh hoạt chính trị học tập quán triệt lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng “chuyển một bộ phận lực lượng vũ trang sang trạng thái thời chiến”, làm cho mọi quân nhân, công nhân viên quốc phòng nhận thức đúng tình hình, yêu cầu nhiệm vụ mới, xác định tốt tư tưởng, trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Toàn Đảng bộ thực hiện tư tưởng chỉ đạo: “Sẵn sàng có lệnh là đi, có địch là đánh; nhiệm vụ ở đâu cũng làm, khó khăn mấy cũng vượt; kẻ địch nào cũng đánh, đánh là phải tiêu diệt”.
Tháng 6/1964, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh cho Bộ Tư lệnh Hải quân chuyển các đơn vị vào trạng thái thời chiến: “9 năm hòa bình xây dựng của Hải quân đến đây chấm dứt. Phải nhanh chóng chuyển mọi sinh hoạt và nền nếp của đơn vị sang thời chiến. Đây là một thời cơ rất thuận lợi để bộ đội rèn luyện trưởng thành trong thực tế”.
Đầu tháng 7/1964, Thường vụ Đảng ủy Quân chủng họp hội nghị mở rộng quán triệt tình hình nhiệm vụ và xác định quyết tâm chuyển Quân chủng sang thời chiến, sẵn sàng chiến đấu đánh trả máy bay, tàu chiến của Mỹ với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao nhất, không để bị bất ngờ, quyết đánh thắng ngay từ trận đầu.
Rạng sáng 1/8/1964, đài quan sát của Hải quân phát hiện tàu khu trục Ma-đốc (Maddox) của đế quốc Mỹ xâm phạm vào vùng biển Quảng Bình và đi ngược lên phía bắc.
Chấp hành sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, đêm 1/8/1964, Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh sử dụng một phân đội tàu phóng lôi làm nhiệm vụ đánh tàu khu trục Ma-đốc của địch.
Ngày 2/8/1964, Phân đội 3, Tiểu đoàn 135 tàu phóng lôi gồm 3 tàu (số hiệu 333, 336, 339) do đồng chí Nguyễn Xuân Bột, Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Tàu 333 chỉ huy, được lệnh xuất kích đánh tàu địch. Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao và ý chí quyết tâm chiến đấu đến cùng, quyết trừng trị quân xâm lược, cán bộ, chiến sĩ phân đội tàu phóng lôi đã dũng cảm tiến công đánh đuổi tàu địch, mưu trí cơ động tránh các làn hỏa lực của chúng, bắn bị thương tàu khu trục Mađốc và bắn rơi 1 máy bay, bắn bị thương một chiếc khác, buộc tàu địch phải tháo chạy ra khỏi vùng biển của nước ta.
Ngay sau đó, nhà cầm quyền Mỹ đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, vu cáo Hải quân Việt Nam cố ý tấn công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, lấy cớ để ngày 5/8/1964 tiến hành cuộc tập kích bằng không quân đánh phá hầu hết các căn cứ, kho tàng, khu trú đậu và lực lượng tàu thuyền của Hải quân nhân dân Việt Nam trên suốt dọc bờ biển miền bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh.
Do đã được chuẩn bị từ trước, với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, lực lượng ở các căn cứ và các tàu hải quân đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng của Quân chủng Phòng không-Không quân, lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương anh dũng chiến đấu, đã bắn rơi 8 chiếc máy bay địch, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống tên giặc lái đầu tiên của đế quốc Mỹ trên biển miền bắc nước ta (trung úy phi công An-vơ-rét).
Chiến công trong đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ngày 2/8 và trong đánh trả máy bay giặc Mỹ xâm lược ngày 5/8/1964 đã thể hiện bản lĩnh chiến đấu anh hùng, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng” kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại hơn ta gấp nhiều lần, làm nên “Chiến thắng trận đầu” của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân, dân miền bắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Kỳ 1: Hải quân nhân dân Việt Nam ra đời, xây dựng và phát triển trong điều kiện hòa bình

Kỳ 2: Quân chủng Hải quân chiến đấu và xây dựng, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1964-1975)

Kỳ 3: Tham gia chống chiến tranh phá hoại miền bắc bằng không quân, hải quân của đế quốc Mỹ
