Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch

NDO - Sáng 7/5, Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Y tế đầu tiên, Viện trưởng Viện Chống lao Trung ương - tiền thân của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay.
0:00 / 0:00
0:00
Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc ưu tú Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: T.H)
Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc ưu tú Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: T.H)

Tiến sĩ, bác sĩ cao cấp, Thầy thuốc ưu tú Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, tinh thần bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là sợi chỉ đỏ với tư duy “khó mấy cũng làm” xuyên suốt trong quá trình hình thành, phát triển và lớn mạnh của Bệnh viện Phổi Trung ương ngày nay.

Ngày 24/6/1957, Chính phủ ký Quyết định thành lập Viện Chống lao Trung ương và bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là Bộ trưởng Y tế đầu tiên và cũng là Viện trưởng đầu tiên. Trong quyết định thành lập Viện Chống lao ghi rõ "Viện chống lao có nhiệm vụ nghiên cứu bệnh lao và phòng chống bệnh lao, giúp Bộ Y tế lãnh đạo toàn ngành và nhân dân tiến lên từng bước giảm dần tỷ lệ và tiêu diệt bệnh lao".

Ngay từ ngày đó, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã nêu quan điểm của tư duy lồng ghép có tính xuyên suốt của chuyên ngành, đó là: "Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm", Ông cũng khẳng định rằng việc nghiên cứu và thực hành lâm sàng bệnh lao không thể tách rời các bệnh phổi.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch là một nhà khoa học của nhân dân, vì nhân dân, là người lãnh đạo tài năng về khoa học quản lý ngành y tế, quản lý sức khỏe cộng đồng, quản lý chuyên ngành lao và bệnh phổi.

Cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch đã tìm ra con đường và để lại cho những thế hệ kế tiếp một hệ tư tưởng quý giá đối với ngành y tế Việt Nam, đặc biệt là chuyên ngành lao và bệnh phổi.

Đối với các bệnh phổi, tinh thần bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính là kim chỉ nam trong việc chinh phục kỹ thuật ghép phổi, đây là một trong những kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng.

Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh cố Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch ảnh 1

Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

Với tinh thần ấy Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và tinh thần phục vụ người bệnh, đã đạt được rất nhiều thành công trong thực hiện các kỹ thuật cao về bệnh phổi và kiểm soát lao, đặc biệt là lĩnh vực ghép phổi, một trong những kỹ thuật khó nhất của ghép tạng.

Tinh thần bác sĩ Phạm Ngọc Thạch với quyết tâm “Khó mấy cũng làm” đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu cao trong chuyến thăm và làm việc tại Bệnh viện Phổi Trung ương trước thềm Tết Ất Tỵ 2025 vừa qua đã trở thành “kim chỉ nam” trong sứ mệnh thanh toán bệnh lao và chăm sóc, nâng cao sức khoẻ phổi cho nhân dân Việt Nam.

Bệnh viện Phổi Trung ương đã tiếp tục hoàn thiện quy trình, chuyển giao công nghệ ghép phổi – nối dài những kỳ tích trong ghép phổi, từng bước phấn đầu xây dựng bệnh viện trở thành Trung tâm Ghép phổi vùng để phục vụ người bệnh Việt Nam và các nước trong khu vực.

Sau hơn 30 năm phát triển kỹ thuật ghép tạng, Việt Nam đã thực hiện hơn 9.000 ca ghép tạng nhưng trong số này chỉ có 14 ca ghép phổi. Riêng trong năm 2024, Bệnh Viện Phổi Trung ương thực hiện thành công 3 ca ghép phổi toàn diện cho người bệnh từ người hiến chết não, cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu trong nước.

Năm 2025, 2 ca ghép được thực hiện thành công trong một tuần của tháng 4 vừa qua với sự điều phối người bệnh và tạng phổi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Bệnh viện Phổi Trung ương.

Với 2 ca ghép đặc biệt này đã nâng tổng số ca ghép phổi thành công của Bệnh viện Phổi Trung ương lên 6 ca như tiêu chuẩn cao nhất tại Mỹ, đưa ghép phổi thành kỹ thuật thường quy tại Bệnh viện Phổi Trung ương, trong đó ca bệnh đầu tiên được bệnh viện thực hiện ghép phổi 5 năm với thành công cao nhất.