Tháng tư, bầu trời Tây Nguyên lồng lộng, trên đỉnh dốc nhìn xuống, trung tâm xã anh hùng Sơn Điền, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng như được núi rừng bao bọc, ủ ấp. Vùng quê cách mạng gian lao mà anh dũng một thời, nay là những buôn nối buôn tươi mới trong nắng mai. Giữa buôn Bó Cao, tôi gặp già K’Mùng, người có tên trong danh sách 140 người tham gia cách mạng của chiến khu Sơn Điền năm xưa. Già còn nhớ chuyện xưa không? - Tôi bắt chuyện. “Nhớ chớ. Ngày xưa, người Cơ Ho mình ở đây khó khăn lắm, sống nhờ rừng thôi, nhưng rất kiên cường. Cuộc sống nghèo khó, bọn giặc lại luôn rình rập, bắn phá; rồi cách mạng về chỉ cách cho dân làng đánh đuổi Mỹ-ngụy. Mình tham gia du kích từ năm 1960 và gia nhập Bộ đội Cụ Hồ từ năm 1971, phải cầm súng bảo vệ buôn làng, giành lại cuộc sống tự do chớ”, già K’Mùng nói.
Thời điểm già K’Mùng tham gia đội quân du kích, tại căn cứ Sơn Điền, lực lượng này được phát triển thành một trung đội, cùng nhau đào hầm chông, bố phòng cung tên sẵn sàng chiến đấu. Tại buôn Con Sỏh, địch phát hiện người dân tổ chức làm rẫy để cung cấp lương thực cho bộ đội, nên tổ chức nhiều cánh quân đến phá rẫy. “Lực lượng du kích xã luôn theo sát hành tung của địch, tổ chức gài cung bẫy tại các ngả đường, sau đó cùng với lực lượng vũ trang nổ súng vào đội hình địch đang phá lúa, hơn 20 tên bị tiêu diệt và bị thương”, già K’Mùng nhớ lại. Trận càn năm 1967 mới lớn, địch dùng cả máy bay trực thăng và đổ bộ vào căn cứ Sơn Điền. Trận chiến diễn ra 7 ngày liên tục. Trước sức mạnh hỏa lực của địch, dân quân du kích xã phối hợp các đơn vị lực lượng chủ lực đánh trả quyết liệt và đã bắn cháy máy bay địch, tiêu diệt nhiều tên. “Bảo vệ Tổ quốc, buôn làng mình mà, phải đánh cho giặc cút thôi. Bác Hồ dặn rồi, chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước…”, cựu chiến binh K’Mùng khảng khái.
K’Mùng cũng từng băng rừng qua giúp nước bạn Campuchia tiêu diệt kẻ thù chung. Bố của ông là cựu cán bộ Việt Minh và người anh đã hy sinh cũng là Bộ đội Cụ Hồ. Câu chuyện với già K’Mùng còn dài, nhưng chúng tôi phải rời đi vì có hẹn. Trước lúc chia tay, già bảo: “Ở đất Di Linh này có du kích K’Méo nổi tiếng lắm, bắn rơi 3 máy bay trực thăng địch, khi Mỹ-ngụy càn quét, bắn phá buôn làng vùng căn cứ Bảo Tuân”. Lần nào cũng thế, về vùng đất lọt thỏm giữa bốn bề rừng thẳm này, tôi đều viếng thăm nhà tưởng niệm liệt sĩ xã Sơn Điền. Tấm bia đá tri ân 16 liệt sĩ, những cái tên K’Biền, K’Biều, K’Bẻo, K’Măng Yệu… những người con Cơ Ho sáng mãi anh linh giữa núi rừng vì độc lập, tự do. Đứng trên đồi cao, Phó Chủ tịch xã K’Nhuân chỉ cho tôi, kia là đồi Mỹ, là dốc B40, dưới đó là khe Máu… Những cái tên ra đời trong thời bom đạn gợi lên bao ý nghĩa.
Chia tay vùng căn cứ xưa, những buôn làng người Cơ Ho mát xanh bên dòng Đạ Tianhil hiền hòa, mang theo câu hát của những người lính Cụ Hồ, cựu du kích Sơn Điền trong bài “Đảng lam gùng” (Đảng lãnh đạo), tạm dịch từ tiếng Cơ Ho: “Từ năm này anh ủng hộ cách mạng. Từ năm này anh có Đảng lãnh đạo. Tập hợp Kinh, Thượng anh đánh Mỹ - Diệm…”, như nhắc nhớ về một thời gian lao thấm nghĩa Đảng, tình dân.
Lâu rồi mới trở về xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng để được xoay cần rượu thơm nức cùng các già làng, cựu du kích kiên dũng ở các buôn làng người Mạ, Cơ Ho trên cao nguyên B’Lao. Mùa này, đường về xã anh hùng hương chè và mùi hương cây trái dìu dịu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Lộc Bắc là căn cứ cách mạng. Cùng với bộ đội, du kích xã Lộc Bắc có nhiệm vụ bảo vệ buôn làng, bảo vệ căn cứ cách mạng phía bắc đường 20 và đường hành lang chiến lược bắc-nam. Trong nhà dài truyền thống người Mạ, già làng K’Diệp “khoe” với tôi những kỷ vật được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận hàng chục năm qua, nào Huân chương Kháng chiến hạng ba của cha mẹ, Huân chương Kháng chiến hạng nhất của ông và người vợ quá cố Ka Đơm. “Mình theo cách mạng từ năm 1963 cùng với nhiều anh em trong các buôn làng. Được làm Bộ đội Cụ Hồ vinh dự lắm”, già K’Diệp tự hào.
Cũng như bao chàng trai, cô gái người Mạ ở vùng đất anh hùng này, theo tiếng gọi của lớp người đi trước, K’Diệp tham gia kháng chiến khi tuổi vừa đôi mươi. Đầu thập niên 60 thế kỷ 20, vùng Lộc Bắc được xây dựng thành “căn cứ bắc” gồm bốn xã thuộc huyện K1. Đây là căn cứ cách mạng trọng yếu và bảo vệ hậu cứ vững chắc. “Đi nhiều lắm, băng rừng lội suối không sợ gì đâu. Mình phải dũng cảm mới bảo vệ được buôn làng. Khắp vùng rừng núi này đều in biết bao dấu chân của mình và đồng đội”, già K’Diệp hào sảng. Ông kể: “Những năm 1970-1971, mình làm giao liên, đưa thư từ K1 đến những vùng căn cứ khác. Đi bộ xuyên rừng hàng tuần, bao lần gặp địch càn quét. Nguy hiểm là thế nhưng chẳng sợ gì, vì biết nhiệm vụ của mình rất quan trọng”.
![]() |
Một góc xã nông thôn mới Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng. |
Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng xã Lộc Bắc anh hùng đã lưu danh họ, từ những chiến sĩ giao liên, dân công tải đạn, du kích đến người lính Cụ Hồ. Vùng này cũng đã lưu danh sử sách chiến công vang dội của quân, dân trong phong trào chống trả các cuộc không kích bằng máy bay của địch, như ông Ma Bu (70 tuổi), thương binh cụt một tay K’Léo, K’Châu (14 tuổi), đều đã bắn rơi trực thăng địch bằng súng trường. “Nổi tiếng nhất là du kích K’Wét, dùng súng CKC bắn rơi trực thăng HU1A tại buôn B’Tạch; tên trung tướng Kisi cùng 6 tùy tùng Mỹ đi trên máy bay bị tiêu diệt. K’Wét được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ đó”, già làng K’Diệp kể.
Những người như già K’Diệp, K’Mùng chính là nhân chứng sống của lịch sử, cũng như sự đổi thay của những vùng đất kiên trung. Thời binh lửa, họ cầm súng bám đất, bám làng, bảo vệ quê hương. Hòa bình, họ là tấm gương sáng, răn dạy lũ trẻ chung sức xây dựng buôn làng. Ka Hương, cô cán bộ trẻ lớn lên từ buôn làng người Mạ Lộc Bắc cũng được nuôi dưỡng tinh thần, ý chí từ cái nôi cách mạng; từ những câu chuyện kể mà nung nấu khát khao xây dựng buôn làng. “Những già làng, người có uy tín như già K’Diệp đã góp công rất lớn để vùng đất khó Lộc Bắc vươn mình trở thành xã nông thôn mới hôm nay”, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ka Hương ghi nhớ.
Thời gian lao mà anh dũng, đồng bào các dân tộc trên miền đất nam Tây Nguyên chắt chiu từng hạt bắp, củ mì; sẻ chia từng bó rau rừng nuôi cán bộ cách mạng, nuôi bộ đội. Máu của họ và các chiến sĩ đã đổ xuống để cây trái nảy mầm, để núi rừng dệt những miền xanh. Thời binh lửa đã lùi vào ký vãng, lịch sử đã khắc ghi, trên dải đất từ cao nguyên Lang Biang đến Đồng Nai Thượng ở Lâm Đồng, có 29 đơn vị được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 14 xã đều đã cán đích nông thôn mới. Ở đó, nhiều cái tên đã gắn liền với những chiến công hiển hách, như Điểu K’Khen, Điểu Tư Lôi, Năm Lôi, K’Lý (Đạ Huoai), K’Mùng, K’Wét (Di Linh), K’Dĩnh, K’Kíu (Bảo Lâm), K’Rang, Ha Siêng, Ha Nhưng (Lạc Dương)… Giờ người còn, người đã hòa vào đất mẹ, nhưng họ luôn là những biểu tượng sáng ngời của tinh thần quật cường, gan dạ; khí phách kiêu hùng của người con đất Việt trong các cuộc chiến bảo vệ quê hương. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng Bon Yo Soan chia sẻ: “Vùng đất nam Tây Nguyên này có rất nhiều người dân tộc thiểu số tham gia kháng chiến ở các chiến trường thời chống Mỹ, cứu nước. Đất nước thống nhất, họ trở về đời thường và tích cực tham gia phát triển kinh tế-xã hội địa phương, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.
Chia tay những chiến sĩ anh hùng, thổn thức câu ca trong “Đảng lam gùng”. Những người con núi rừng Tây Nguyên bao đời vẫn thế, can trường, bền bỉ bám bàn chân trần lên những vách đá, sườn đồi, những vùng rừng sâu hiểm nguy để viết nên giai điệu những bản hùng ca.