Lễ hội phát lương đền Trần Thương: Ước vọng một năm sung túc, đủ đầy

NDO -

NDĐT - Lễ hội phát lương đền Trần Thương là một trong những lễ hội lớn đầu năm của tỉnh Hà Nam. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao to lớn của vị Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Lễ hội phát lương đền Trần Thương: Ước vọng một năm sung túc, đủ đầy

Lễ hội được tổ chức ngay tại ngôi đền chính là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn chọn làm kho lương, cung cấp lương thảo cho quân đội trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ thứ XIII. Hiện trong đền còn giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị như hương án, sập thờ bằng đá, ngai thờ, khám thờ và tượng Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Đền Trần Thương thuộc thôn Trần Thương, xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, đây là di tích tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và cả nước, hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tâm linh.

Trần Thương là mảnh đất địa linh, trù phú như câu ca truyền đời “Cá Nhân Đạo, gạo Trần Thương” và câu thơ khắc ghi trên bức châm tại đền: “Trần Thương dư phúc địa, trà thảo tứ thời xuân” có nghĩa là: đất Trần Thương lắm phúc, hoa quả bốn mùa xuân. Trước đây, Trần Thương là trung tâm “lục khê đầu” (6 khe nước). Từ đây có thể ngược sông Hồng, đi Thăng Long hoặc xuôi dòng về hành cung Thiên Trường rồi ra biển, qua sông Hồng về phía Đông khoảng 3km là khu Tam đường (Hưng Hà, Thái Bình), nơi đặt lăng mộ của nhà Trần, về phía nam khoảng 20km là Đền Trần - chùa Tháp (Nam Định)

Đền Trần Thương là một trong ba ngôi đền lớn của đất nước, nơi thờ chính Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền trên đường đi đánh quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo thấy địa thế nơi đây hiểm yếu, bèn đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến. Địa điểm ngôi đền hiện nay là kho lương chính. Sau khi chiến thắng trở về, ngài đã cắm sinh phần, lấy đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương và các thôn khác như Đội Xuyên, Khu Mật…

Trong số các di tích thờ Hưng Đạo Vương trên đất Hà Nam, Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu có quy mô kiến trúc lớn, ngôi đền thâm nghiêm, cổ kính tọa lạc trên đất thiêng “Hình nhân bái tướng”, “Ngũ mã thất tinh”, được xây kiểu “Tứ thủy quy đường”. Tổng thể kiến trúc, cảnh quan ngôi đền gồm nghi môn ngoại, nghi môn nội, 5 tòa, 15 gian, chia thành 3 cung: Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tam; 2 giải vũ và 5 giếng…

Kiến trúc độc đáo và cảnh quan tự nhiên của đền Trần Thương như nhập đời vào đạo, nhập con người với vũ trụ trong một không gian văn hóa linh thiêng. Giá trị đền Trần Thương còn được thể hiện ở trang trí kiến trúc với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, song nước, mây trời… Tạo nên một bức tranh thiên nhiên vừa sống động, vừa cổ kính trang nghiêm, hàm chứa triết lý dân gian.

Với tâm nguyện bảo tồn, phát huy những giá trị lịch sử và văn hóa tâm linh tốt đẹp, giáo dục các tầng lớp nhân dân yêu nước. Từ năm Canh dần (2010), UBND tỉnh Hà Nam quyết định tổ chức lễ phát lương đền Trần Thương trên quy mô lớn vào dịp Rằm tháng Giêng âm lịch.

Ông Trần Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng Ban tổ chức lễ hội phát lương đền Trần Thương năm 2014, cho biết: Việc chuẩn bị cho lễ hội và công tác đầu tư nâng cấp cho di tích được các cấp chính quyền quan tâm, triển khai thực hiện từ trước tết Nguyên đán, bảo đảm lễ hội phát lương đền Trần Thương được tổ chức đầu xuân diễn ra đúng với ý các nghi thức truyền thống. Lễ hội phát lương đầu năm tại Đền Trần Thương nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, đồng thời tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, đặc biệt là thời Trần, để động viên nhân dân phát huy truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, bước vào năm mới mọi người hăng say lao động, học tập, công tác.

Theo ông Ngô Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân, năm nay, ban tổ chức Lễ phát lương đền Trần Thương đã chuẩn bị 100.000 túi lương để phát tại 29 điểm vào giờ Tý đêm 14 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (tức đêm 13-2), nhiều hơn năm trước 20.000 túi lương.

Để phục vụ nhân dân và du khách thập phương đến với lễ hội, huyện đã chỉ đạo UBND xã Nhân Đạo thành lập 6 tiểu ban phục vụ, gồm: Tiểu ban văn hóa tuyên truyền, tiểu ban khánh tiết, tiểu ban an ninh trật tự, tiểu ban cơ sở vật chất, tiểu ban y tế - vệ sinh môi trường và tiểu ban tài chính - hậu cần.

Hiện, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã cơ bản hoàn tất với số người phục vụ lên đến hơn 1.000 người. Việc treo cờ, khẩu hiệu tại các con đường dẫn vào khu vực đền, trang trí tại các điểm phát lương, chuẩn bị quần áo, bao kiếm, nhang án, tắm rửa tượng trong đền… đã được các tiểu ban cùng nhân dân chuẩn bị chu đáo.

Dự kiến năm nay, du khách về với lễ hội tăng hơn năm trước, Ban tổ chức lễ hội đã bố trí 14 điểm chốt trực tại các trục đường quanh khu vực đền, bảo đảm giao thông thông suốt, không để xảy ra tình trạng tắc đường. Ngoài ra, ban tổ chức đã thành lập các điểm trông xe, yêu cầu người dân cam kết thu đúng giá vé, bảo đảm an toàn tài sản. Ban tổ chức cũng lắp đặt 3 nhà vệ sinh dã chiến, 10 nhà vệ sinh di động, bố trí 3 điểm có cán bộ y tế thường trực cùng xe cứu thương sẵn sàng khi xảy ra sự cố. Công tác phòng chống cháy nổ cũng được chú trọng, việc thắp nhang, đốt vàng mã sẽ được quản lý chặt. Ngoài việc tăng số lượng túi lương, tại 29 điểm phát lượng, ban tổ chức đã thiết kế các hàng rào dích dắch để tránh tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy gây mất an ninh trật tự, bảo đảm những người đến với lễ hội đều được nhận lương.

Trước đó, vào mồng 10 tháng Giêng, nhân dân thôn Trần Thương đã làm lễ cáo yết xin phép Đức Thánh Trần cho tổ chức lễ phát lương. Nghi trình lễ phát lương có 3 phần: Lễ rước lương thảo từ kho lương vào trong đền làm lễ do 7 cô gái thanh tân mặc áo dài màu đỏ, đội khăn đỏ, đội 7 mâm đựng những túi lương nhỏ, 9 chàng trai tân mặc quần áo màu đỏ, đầu đội nón lá cũng màu đỏ, thắt lưng khăn vàng, ống chân quấn xà cạp viền xanh, chân đi giày vải màu vàng có trách nhiệm khiêng kiệu, trên kiệu đặt 3 túi lương lớn(100.000 túi lương nhỏ). Đi đầu đoàn rước là đội sư tử dàn trống, chiêng, cờ ngũ sắc, 7 mâm lương thảo, đội tế nam, đội tế nữ của xã, đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước, tỉnh, huyện, nhân dân và du khách thập phương. Phần thứ hai là lễ châm đuốc và dâng hương của các đại biểu. Phần thứ ba 7 cô gái, 9 chàng trai rước lương thảo vào hậu cung làm mật lễ.

Cụ Ngô Văn Đàm, năm nay đã 83 tuổi, thôn Trần Thương, người đã 4 năm liền tham gia phát lương tại đền Trần Thương, chia sẻ: Hai chữ in trên túi lương là chữ Hán “Trần Thương”. Túi được làm bằng vải điều, màu đỏ tượng trưng cho Hỏa. Màu vàng của chữ tượng trưng cho Thổ. Bên trong túi gồm các loại ngũ cốc là sản vật của vùng quê Nhân Đạo đó là nếp cái hoa vàng, đậu tương, ngô đỏ. Ý nghĩa về giá trị tinh thần của lễ phát lương được thể hiện qua từng túi lương, theo người dân là cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, đón linh khí trời đất, cầu cho một năm sung túc, nhà nhà no đủ, hạnh phúc.

Trong tiết trời xuân ấm áp, trong hào khí Đông A truyền lại, nhân dân và khách thập phương, đều vui mừng, phấn khởi khi được nhận những túi lương. Cầm túi lương trên tay, mong rằng mỗi gia đình sẽ có một năm no đủ, khỏe mạnh, làm ăn phát tài. Đây chính là động lực tinh thần trong cả năm, giúp người dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bên cạnh ý nghĩa tâm linh sâu sắc, lễ phát lương đền Trần Thương còn động viên nhân dân thi đua sản xuất nông nghiệp, làm ra lương thực nuôi sống con người, nuôi quân đánh giặc trong công cuộc dựng nước và giữ nước của ông cha ta bao đời nay, thể hiện sự trường tồn của những giá trị văn hóa tâm linh trong mạch nguồn bất diệt của dân tộc.