Sách là loại vốn đặc biệt
Khi lần đầu tiên tiếp xúc với anh Tuấn tôi có cảm giác như đây là một chàng trai có phong cách “bụi bụi”, lãng tử, tuy nhiên sau những lời chào xã giao, đi vào câu chuyện, Tuấn đã cho thấy mình là một con “mọt sách” thật sự. Chàng trai sinh năm 1991 tại vùng nông thôn nên ngay từ bé đã coi sách như món quà quý giá cho hành trang cuộc sống.
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Tuấn đã yêu thích làm tình nguyện, từ những việc làm nho nhỏ như dọn vệ sinh công cộng, thăm hỏi tặng quà người nghèo đến tặng những cuốn sách hay cho bạn bè. Năm 2013, sau khi tốt nghiệp kỹ sư xây dựng tại Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Tuấn về quê làm việc trong một công ty thủy lợi và giờ đã lên vị trí tổ trưởng tổ vận hành.
Tuy nhiên, dù bận rộn công việc song Tuấn luôn dành thời gian để làm con “mọt sách”. Tuấn cho biết, ở vùng nông thôn, đặc biệt vùng sâu, vùng xa học sinh rất thiếu sách đọc, thậm chí sách giáo khoa nhiều chỗ vẫn thiếu. Có lần, Tuấn chứng kiến một em học sinh tiểu học ngồi ở ven đường Hồ Chí Minh say sưa đọc sách cho dù đang là buổi trưa nắng gắt. Hình ảnh đó càng thôi thúc Tuấn quyết tâm thực hiện chương trình thật tốt.
Vào tháng 8/2015, Tuấn quyết định khởi xướng chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị. “Tôi tự bỏ tiền túi từ đồng lương của mình lặn lội vào TP Hồ Chí Minh mua một vài tủ sách đem tặng các trường tiểu học. Ban đầu, khi nghe tôi giới thiệu sách hóa nông thôn, nhiều trường học không hiểu, sợ tuyên truyền không đúng nên từ chối. Có trường còn thông tin lại: Học sinh học nặng quá rồi, chỉ cần đọc sách giáo khoa là đủ”, anh Tuấn cho biết.
Nhưng rồi, bằng lòng nhiệt huyết của mình, anh Tuấn đã chứng minh cái hay, cái tốt của sách đối với học sinh. Nhận sách, thấy học sinh say sưa đọc sách, một số nhà trường đã xin thêm sách khiến chương trình của Tuấn cứ lớn dần theo thời gian.
“Bác Hồ là một tấm gương về đọc sách. Cả đời Bác không ngừng học tập, trong đó có học trong sách, Bác từng nói về việc tự học: “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học dân”. Vì vậy tôi càng quyết tâm học Bác, lan tỏa tri thức qua từng trang sách hay”, Tuấn tâm sự.
![]() |
Anh Tuấn tham gia Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024. |
Sách giúp chia sẻ trách nhiệm xã hội
Khi có người muốn tặng sách, Tuấn sẽ kết nối với điểm trường để lên danh sách số lượng, loại sách cần tặng và mua. Bằng uy tín của mình, Tuấn đã làm việc với nhiều nhà sách và được giảm giá sách từ 30-40% nếu nhà hảo tâm mua sách thuộc chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị.
Sau đó, Tuấn cùng nhà hảo tâm, tình nguyện viên đến điểm trường tặng tủ sách. Trong mỗi cuốn sách ngoài tri thức còn được Tuấn đóng dấu dòng chữ “Chia sẻ trách nhiệm xã hội” nhằm in vào tiềm thức trẻ thơ, để lớn lên các em sẽ có trách nhiệm chia sẻ với những người cần giúp đỡ, ít nhất là chia sẻ những cuốn sách của mình.
Để trao tặng thành công một tủ sách, anh Tuấn phải kiểm tra các khâu như đối tượng nhận sách, sử dụng sách như thế nào sau khi nhận, kết nối Ban giám hiệu các trường học với nhà hảo tâm. Đặc biệt, phải tổ chức buổi lễ trao tặng ý nghĩa và hướng dẫn các em cách đọc sách phù hợp. “Đối với học sinh lớp 1, tôi chọn các loại sách chủ yếu có hình ảnh, ít chữ và tăng dần số chữ theo lớp học, tránh sự không phù hợp sách với từng lứa tuổi”, Tuấn cho biết.
Bên cạnh đó, để vận động nguồn sách, anh Tuấn thường hướng đến đối tượng vận động tặng sách là cựu học sinh của các trường. Tuấn cho biết, mỗi tủ sách trang bị mới cần từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng. Chỉ cần tặng một lần, tủ sách sẽ theo các em đến hết cấp học. Số tiền bỏ ra để bổ sung nguồn sách hằng năm sẽ không nhiều như trang bị mới ban đầu. Ngoài tủ sách trường học, anh Tuấn còn phát triển các tủ sách công ty, tủ sách dòng họ và khởi xướng phong trào lì xì sách vào dịp Tết Nguyên đán.
Em Nguyễn Văn Gia Bảo, học sinh Trường tiểu học thị trấn số 1 Lao Bảo, huyện Hướng Hóa chia sẻ: Khi em nhận được những cuốn sách, em cảm thấy rất vui, vì đọc sách rất bổ ích cho việc học tập. Em mong muốn các tủ sách của chú Tuấn sẽ được mang đến nhiều nơi khắp tỉnh Quảng Trị.
Trong năm 2024, chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị của Tuấn đã tổ chức được nhiều chương trình như “Mừng tuổi sách - Trao lộc tri thức 2024” trao 200 đầu sách về chủ đề dân gian, lịch sử, khoa học vui và 500 tập tô màu cho trẻ em tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa; Thành lập quỹ ACE hỗ trợ, tặng quà, nấu ăn cho 38 trẻ mồ côi tại mái ấm Phước Tuyền, huyện Cam Lộ định kỳ mỗi tháng 1 lần, tổng cộng đến cuối năm 2024 đã thực hiện 10 chương trình với giá trị suất ăn và quà tặng khoảng 90 triệu đồng. Chương trình cũng tặng 2 tủ sách đến Trường tiểu học và THCS Trung Hải, huyện Gio Linh.
Tuy nhiên, anh Tuấn vẫn còn rất trăn trở với chương trình vì thấy rằng hiệu quả chưa tương xứng, trong đó có nhiều nguyên nhân như thiếu sự quan tâm của một số đơn vị nhận sách, vai trò của thủ thư chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều phương tiện vui chơi giải trí mới xuất hiện, ảnh hưởng đến vai trò của sách mà hiệu quả của đọc sách không thể thấy ngay được trước mắt. “Kinh phí xây dựng tủ sách rất lớn, ít người chung tay khó tạo nên sức mạnh lớn, số lượng tình nguyện viên cũng không ổn định”, anh Tuấn trải lòng.
Bên cạnh trao tặng tủ sách, Tuấn còn tham gia nhiều chương trình nâng cao văn hóa đọc như “Tổng kết và trao giải cuộc thi đại sứ văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024”; trao tặng các tủ sách lớp học và khuyến đọc, diễn giả truyền cảm hứng cho học sinh các trường thuộc địa bàn các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Hướng Hóa; tham gia Ngày sách và văn hóa đọc 2024.
Ước mơ 5.000 tủ sách trong năm 2025
Mới ngày nào anh Tuấn còn kể lại giấc mơ mang 3.000 tủ sách về nông thôn thì nay giấc mơ đó đã trở thành hiện thực. Anh Tuấn cho biết, thực hiện được giấc mơ này Tuấn sẽ mơ tiếp và không dừng lại. “Năm 2025 tôi quyết tâm sẽ nâng số tủ sách được trao tặng lên con số 5.000. Tự học để vươn lên, tự học để thích nghi với sự thay đổi của môi trường, xã hội là rất quan trọng và sách là người bạn đồng hành tin cậy. Vì vậy, cần trang bị cho thế hệ trẻ vùng sâu, vùng xa, miền biên giới, hải đảo những “phương tiện” hỗ trợ cho việc tự học, noi theo tinh thần học tập suốt đời như Bác Hồ”, Tuấn tâm sự.
Ngoài ra, anh Tuấn còn tham gia một số hoạt động thiện nguyện khác như nấu cháo tình nguyện tặng bệnh nhân Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị vào mỗi thứ hai hàng tuần; tham gia vận chuyển áo phao cứu hộ cho lực lượng tuyến đầu của huyện Hải Lăng chống lũ, vận chuyển lương thực, thực phẩm đến bà con vùng lũ Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh…
“Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để mang sách về vùng nông thôn, đồng thời khuyến đọc theo chiều sâu, mời diễn giả truyền cảm hứng cho các em nhỏ, phụ huynh biết đọc sách rất có lợi cho cuộc sống. Dự án cũng đang triển khai một số tủ sách cho trẻ em người gốc Việt tại Lào và một số tủ sách tiếng Anh cho trẻ em ở Nê-pan với những đầu sách quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam”, anh Tuấn cho biết.