1/Với 200 trang và khoảng 150 bức ảnh, “Hà Nội ơi” như cánh cửa hé mở vào một Hà Nội riêng tư và gần gũi. Trải từ thời bao cấp tới hiện tại, những bức ảnh mang tới góc nhìn hài hòa trong đa dạng của chín nhiếp ảnh gia người Việt và quốc tế: William E. Crawford, Nguyễn Hữu Bảo, Nicolas Cornet, Hoài Linh, Đồng Hiếu, Lê Anh Dũng, Lê Xuân Phong, Ngô Lâm Thanh và Vũ Khôi Nguyên.
Giám tuyển Nicolas Cornet đã tinh tế dẫn dắt người xem bước vào hành trình xuyên thời gian, nơi mỗi bức ảnh là một nhịp thở của cuộc sống đô thị, là ký ức dung dị đầy xúc cảm. Ông chia sẻ, một số người là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, số khác thì không hoạt động chính thức, nhưng tác phẩm của họ lại rất đẹp và đáng trân trọng.
Sách được chia thành 5 chương (nước, sắc, vị, tính, tình). Mỗi chương là một lát cắt của cuộc sống, là tiếng lòng và cả những bí mật rất “Hà Nội” mà mỗi nhiếp ảnh gia gửi gắm. Thí dụ, với nhiếp ảnh gia Hoài Linh là những tấm ảnh về con sông, tạo thành một chuỗi ảnh kể chuyện. Xen vào đó là những bức ảnh đẹp riêng lẻ, cùng những câu chuyện nhỏ, gần gũi, phản ánh đời sống Hà Nội. “Sự gần gũi giữa người với người, văn hóa ăn uống cộng đồng và đặc biệt là không gian sống rất hạn chế, tôi muốn đưa vào sách”, giám tuyển Nicolas Cornet cho biết.
Cuốn sách còn là ký ức, khắc họa sinh động trải nghiệm của nhiều thế hệ người Hà Nội. Nhiếp ảnh gia Hoài Linh đã thể hiện tình yêu với Thủ đô qua những bức ảnh đời thường, đường phố. Sinh năm 1967, ông lớn lên cùng Hà Nội những năm chiến tranh bom đạn rồi chứng kiến thành phố hồi sinh. “Bằng phong cách chụp ảnh đường phố yêu thích, tôi ghi lại khoảnh khắc người Hà Nội đang sống. Giai đoạn 1994-2004 là thời kỳ tôi thấy nhiều cảm xúc nhất, một Hà Nội vừa cổ kính vừa xô bồ, rất thật và rất đẹp,” Hoài Linh trải lòng.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hữu Bảo chia sẻ đầy cảm xúc, tên sách “Hà Nội ơi” như thể gọi tên người tình của mình vậy, chín tác giả cùng trong một góc nhìn chung. Tuy khác nhau trong suy nghĩ về mảnh đất này, nhưng điều chung là tình cảm của mình đối với Hà Nội. Với ông, Hà Nội là một cái gì đó vừa xốn xang hoài cổ, dung dị với nét văn hóa đa chiều. Tất cả những hình ảnh đều mộc mạc như đời thường chứ không phải một Hà Nội hào hoa, rực rỡ, nhiếp ảnh gia Hữu Bảo tâm sự. Hơn nửa thế kỷ chụp ảnh về Hà Nội, ông luôn tìm những những thứ nhỏ nhặt thường thấy nhưng lại mang dấu ấn của thành phố, đó là chiếc ghế nhựa trên hè phố, họa tiết kiến trúc, hàng hoa hay khung cảnh một quán ăn bình dân… “Mảnh tình Hà Nội nhỏ lắm nhưng lại rất lung linh. Nhiều khi tôi đưa các bạn tỉnh khác vào các ngõ nhỏ trong phố cổ để cảm nhận những giai điệu cuộc sống ở đó, đây chính là Hà Nội, bởi nó hình thành nên nét văn hóa của thành phố này”, ông nói.
![]() |
“Mưa tháng sáu, phố Lò Sũ, 2003”, ảnh của nhiếp ảnh gia Nicolas. |
2/Điểm đặc biệt ở cuốn sách ảnh này còn là sự kết hợp giữa nhiều thế hệ nhiếp ảnh gia, từ người trẻ 20 tuổi như Khôi Nguyên đến những người kỳ cựu ngoài 70 tuổi. Khôi Nguyên thừa nhận, ban đầu anh lo rằng, các góc nhìn quá khác biệt này sẽ khó hòa hợp khi đặt cạnh nhau. Tuy nhiên, chính giám tuyển đã thành công khi biến sự đa dạng đó thành lợi thế của cuốn sách. “Ảnh của các chú, các anh lớn tuổi mang nhiều cảm xúc lãng mạn, đầy câu chuyện. Trong khi đó, ảnh của thế hệ chúng tôi có vẻ hơi cứng, thiên về ý niệm và mang hơi thở đương đại nhiều hơn. Nhưng khi ghép chung lại, cảm giác là một cuộc hội thoại rất hay giữa các thế hệ về Hà Nội”, Khôi Nguyên chia sẻ.
Triển lãm và cuốn sách còn gửi gắm thông điệp sâu sắc về vai trò của nhiếp ảnh trong việc lưu giữ ký ức đô thị. Giám tuyển Nicolas Cornet nhấn mạnh, giữa một thành phố biến động không ngừng như Hà Nội, nhiếp ảnh là một cách thức hiệu quả để ghi dấu lại từng khoảnh khắc, làm sống dậy lịch sử của cộng đồng qua đời sống thường nhật. Ông khuyến khích những người yêu nhiếp ảnh, kể cả những người trẻ dùng điện thoại, hãy mạnh dạn ghi lại những gì mình thấy, bởi mỗi góc nhìn đều có giá trị. Không có tầng lớp “quý tộc” trong nhiếp ảnh, tất cả chúng ta đều cần nhau để lưu giữ ký ức.
Có thể nói, “Hà Nội ơi” không chỉ là một tuyển tập nhiếp ảnh, mà là một bản giao hưởng thị giác về một thành phố đang chuyển mình. Và những ai từng sống, từng đi qua những góc phố, hàng cây ở đây sẽ nhận ra được một mảnh ghép đã lâu nằm yên trong trí nhớ của mình. Triển lãm sẽ còn diễn ra tại Hanoi Studio Gallery, mời gọi người xem tự mình trải nghiệm hành trình xuyên thời gian, nơi từng khung hình đều kể một câu chuyện nhỏ nhưng đầy ý nghĩa về mảnh đất nghìn năm văn hiến.
Nếu được chọn từ khóa để mô tả về Hà Nội tôi sẽ chọn từ “thanh lịch”. Vì ở đây, cách bạn đi, bạn nói, bạn cư xử không phụ thuộc vào bạn giàu hay nghèo. Nó là thứ gì đó rất đặc trưng của người Hà Nội. Ngoài ra, tôi nghĩ Hà Nội có ánh sáng rất đặc biệt vào buổi sáng sớm, đầy duyên dáng. Nên từ khóa thứ hai của tôi là “duyên dáng”, không chỉ với phong cảnh mà cả con người nơi đây, ông Nicolas chia sẻ.