Người tình Tashkent

Tân xuống sân bay quốc tế Islam Karimov tại Tashkent giữa một chiều xuân lạnh nhẹ, nắng xiên chéo qua những áng mây trắng lững lờ, soi xuống mặt đất mầu đồng cháy, lơ thơ những cụm cỏ hanh vàng như cố bám lấy mặt đất chống lại sức gió bạt hơi từ cánh quạt máy bay. In đậm trong não anh vẫn là những tòa nhà cao tầng như những khối rubic nối tiếp nhau chạy dài tới sân bay khi anh ghé mắt nhìn qua cửa sổ máy bay lúc sắp hạ cánh.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Ông chủ khách sạn ở Đà Lạt, một người sành điệu và mê vẻ đẹp Á - Âu giao thoa, đã giao cho anh nhiệm vụ độc nhất: Đến tận Uzbekistan, tìm bằng được những tấm thảm thủ công sang trọng nhất để trang trí toàn bộ phòng ngủ của khu nghỉ dưỡng vừa xây xong trên đồi thông. “Phải là thảm thật, như trong cung điện thời Timur!”, ông nói, tay chỉ vào tấm ảnh phòng ngủ trải đầy sắc thảm từ một viện bảo tàng ở Bukhara.

Tân vốn không nghĩ rằng, một chuyến đi có thể thay đổi điều gì đó sâu xa. Anh chỉ muốn làm thật tốt công việc, rồi trở về. Có điều anh hơi ngạc nhiên là giá vé máy bay đắt gần gấp đôi so vé bay châu Âu. Chặng bay từ Hà Nội vắt qua thủ đô Seoul của Hàn Quốc, transit có 3 tiếng rồi bay tới Tashkent, mà báo hại anh phải làm cả visa Hàn Quốc mới được quá cảnh tại sân bay nước này. Giá vé đắt, thủ tục lại nhiêu khê đến thế, bảo sao khách du lịch hiếm khi chọn đi Uzbekistan.

Người lái xe đưa Tân từ sân bay về thẳng xưởng dệt nằm bên rìa ngoại ô Tashkent, để có cuộc gặp đầu tiên với người giữ bí mật của sợi tơ vàng. Anh được giới thiệu gặp Abdulah, một trung niên dáng cao, mắt sâu và râu quai nón điểm muối tiêu, có vẻ gì đó uy nghiêm mà phóng khoáng. Trong không gian nồng hương len, bụi sợi và âm thanh lách cách của khung dệt cổ truyền, họ ngồi đối diện nhau, uống trà đen từ những chiếc chén men lam cổ và ăn bánh quy phủ chocolate. Vị chát nhẹ của trà đen và vị ngọt của bánh quện nhau trong hơi se lạnh cuối xuân mới êm ái làm sao…

“Chúng tôi có thể dệt bất kỳ điều gì ngài tưởng tượng”, Abdulah nói tiếng Anh chậm rãi, rành rọt. “Chỉ cần ngài có thời gian chờ. Mỗi tấm thảm cần ít nhất ba tháng, do tám người thợ lành nghề cùng làm”. Câu nói của ông chủ xưởng dệt kéo Tân từ cõi mơ màng về với thực tại.

Sau hai tiếng trao đổi chi tiết, mẫu mã, hoa văn và mức giá, sau cuộc điện đàm với ông chủ của Tân ở Việt Nam và một loạt tấm hình chụp thảm mẫu gửi qua zalo cho ông, họ thỏa thuận bản hợp đồng đặt dệt thảm. Abdulah tỏ ra hài lòng. Ông rút trong túi ra một tấm thiệp nhỏ, mầu đỏ chạm vàng: “Chiều mai, em họ tôi cưới vợ. Ngài là khách quý!”.

Tân mỉm cười gật đầu, dù chẳng hiểu mình sẽ dự đám cưới với tư cách gì. Nhưng sự hiếu khách của người Uzbek có sức cuốn hút lạ kỳ. Tân nhớ lại câu chuyện bố mình từng kể về thời ông học ở Tashkent đầu thập niên 80, về những người phụ nữ cao tuổi nhận ông làm con, thường xuyên đón ông về nhà họ mỗi cuối tuần và yêu thương ông hơn cả con đẻ…

*

Đám cưới diễn ra ở một vùng ven đô, trước cổng và sân nhà giăng đầy thảm rực rỡ, xen lẫn các chùm hoa hồng trắng điểm lá xanh tinh khiết, âm nhạc dập dìu từ dàn nhạc dân tộc sống động. Cô dâu khoác chiếc áo cưới trắng muốt, dài chạm đất thêu chỉ vàng, đầu đội vương miện có voan trắng che mặt và tóc, tay đeo hàng chục chiếc vòng bằng vàng sáng loáng, cổ cũng đeo những kiềng vàng to lộng lẫy. Nhà trai, bạn bè, người thân thi nhau tặng vàng - những dây chuyền, nhẫn, hoa tai... xếp thành một mâm đầy như… mâm cỗ. À thì Uzbekistan có mỏ vàng thuộc loại lớn của thế giới cơ mà!

Bữa tiệc diễn ra giữa tiếng chúc tụng, tiếng đàn, điệu múa cổ truyền. Khi món súp thịt truyền thống được dọn ra, Tân nâng bát, mỉm cười, nhẹ nhàng xúc từng thìa đưa lên miệng, cảm nhận vị ngon ngọt. Bỗng anh khựng lại. Lưỡi anh chạm vào vật cứng. Tân vội nhằn ra. Là một chiếc nhẫn!

Anh bối rối, giơ tay gọi người dẫn chương trình lễ cưới. Mọi người lặng đi khi anh đưa chiếc nhẫn ra. Người dẫn chương trình hỏi lớn: Có ai đánh rơi nhẫn vào súp không? Đây là nhẫn vàng thật đấy!

Im lặng. Rồi từ phía sau, một giọng nói cất lên, nhẹ mà vang: Là tôi.

Cô gái bước ra trong chiếc váy thêu chỉ kim tuyến, làn da mịn màng, đôi mắt mầu hổ phách lấp lánh. “Tên tôi là Nodira”, cô nói bằng giọng Anh nhẹ nhàng: “Tôi… thả nhẫn vào đó. Là… một lời thề. Ai ăn bát súp ấy… sẽ là người tôi chọn”.

Cả đám đông xôn xao vì sự táo bạo lạ lùng của cô gái trẻ. Rồi họ vỗ tay rộn ràng, hò reo chúc mừng như trong một vở kịch cổ tích. Tân ngơ ngác, mặt đỏ bừng. Anh chưa kịp hiểu chuyện gì thì Nodira đã mỉm cười bước đến, tay chìa ra: Anh còn giữ nhẫn chứ?

Tân lúng túng đặt chiếc nhẫn vào tay cô gái. Bàn tay ấy mềm và ấm. Cô đưa lại nhẫn cho anh, rồi chìa bàn tay phải, ra hiệu cho anh đeo nhẫn vào ngón tay cho cô. Một thứ cảm giác kỳ lạ chạy qua người anh, như một dòng điện mảnh luồn vào tim. Không gian quanh anh dường như chậm lại, tiếng nhạc, tiếng người trở thành một phông nền xa mờ. Chỉ còn ánh mắt của Nodira sâu thẳm, dịu dàng như một hồ nước đêm mùa xuân là thực.

“Em không nghĩ anh, một người nước ngoài sẽ đến dự tiệc”, cô nói nhỏ, “và càng không ngờ chính… anh lại ăn bát súp ấy”.

“Còn anh…”, Tân có phần ngắc ngứ vì bối rối, “chưa bao giờ nghĩ… một chiếc nhẫn có thể dẫn lối tim mình như thế”.

Hôm sau, Nodira chủ động mời Tân đi dạo. Cô dẫn anh lang thang khắp Tashkent - thành phố trải dài giữa quá khứ và hiện đại, giữa các mái vòm xanh ngọc lam của nhà thờ Hồi giáo cổ và những quảng trường mênh mông rợp nắng. Họ ghé thăm khu phố cổ Kukeldash Madrasa, dạo quanh quảng trường Amir Timur và dừng chân lâu nhất ở khu chợ Chorsu - trái tim của Tashkent rộn ràng hương vị và sắc màu.

Tân nhìn Nodira say sưa chọn những nắm gia vị rực đỏ, bẻ từng miếng bánh nướng thơm nức mời anh, trò chuyện líu lo với các bà bán hàng, lòng anh chộn rộn chưa từng có. Cô vừa cổ điển, vừa sống động, vừa như một cơn gió đến từ nghìn năm trước, lại vừa là hơi thở của hôm nay.

*

Bữa tiệc sinh nhật của người bạn Nodira diễn ra tại một biệt thự ven hồ Ankhor. Tân mặc sơ-mi trắng đơn giản, còn Nodira thì khác hẳn, cô khoác bộ váy truyền thống mầu xanh ngọc bích, eo thắt mềm, mái tóc dài tết lẫn hoa tươi. Khi tiếng nhạc Uzbek cổ truyền cất lên, cô và các bạn gái bắt đầu nhảy. Những động tác uyển chuyển như nước chảy mây trôi, từng bước chân như thể nối kết với đất trời. Ánh đèn vàng rải xuống, cả khung cảnh như một đoạn phim cổ tích chuyển động.

Tân không thể rời mắt khỏi Nodira. Anh cảm thấy mình như tan ra trong điệu vũ ấy, trong nhịp trống rộn ràng, trong ánh mắt cô vụt sáng mỗi lần xoay người. Tim anh trỗi dậy ước ao thầm kín.

Khi tiệc tàn, Tân đề nghị đưa cô về. Họ đi bộ một đoạn dọc theo đại lộ Amir Timur, nơi những cây pawlunia vừa bắt đầu bung nở, tím hồng huyền ảo dưới ánh đèn đường lấp lánh.

Đến trạm tàu điện ngầm, cô đứng lại, khẽ mỉm cười: Cảm ơn vì anh đã dành thời gian cho em hôm nay!

Tân nhìn cô thật lâu: Anh sẽ về Việt Nam vào ngày mai, anh nói, nhưng trước khi đi… anh có thể xin một điều?

Gì vậy?, cô nghiêng đầu, giọng nhẹ như gió thoảng.

Được… hôn em một lần.

Nodira không nói. Chỉ nhẹ cúi đầu, hình như vai cô run run. Và trong tích tắc, đôi môi họ chạm nhau, dịu dàng, ngọt lịm, run rẩy. Nụ hôn đầu, giữa lòng thành phố xa lạ, dưới vòm hoa pawlunia tím dần sẫm lại, như một khúc nhạc không lời. Từng tế bào trong Tân phập phồng nở ra như hoa kia, anh muốn tan mãi ra trong khoảnh khắc này, anh muốn cả trái đất ngừng quay và thời gian ngừng trôi…

Sáng hôm sau, Tân chuẩn bị về nước. Trước khi ra sân bay, anh đặt bàn ăn trưa ở một nhà hàng nhỏ, nơi lần đầu họ ăn món plov cùng nhau. Anh nhắn tin cho Nodira: Anh đợi em ở đây, đúng 11 giờ trưa”. Rồi anh ra cửa hàng, mua một tấm khăn thật đẹp gói lại để tặng cô khi gặp.

11 giờ 55. Ghế bên kia vẫn trống.

12 giờ 15. Vẫn không thấy ai.

12 giờ 30. Tân gọi điện. Không tín hiệu. Anh nhắn thêm tin: Em ở đâu? Em ổn chứ?

12 giờ 45. Vẫn không có gì. Lòng Tân hoang hoải. Anh thanh toán, không đụng vào món ăn. Rồi chạy vội ra sân bay, kịp giờ bay nhưng lòng trống rỗng.

*

Về Việt Nam, Tân nhiều lần nhắn tin, gọi điện, nhưng số của Nodira luôn tắt máy. Sau một tuần chờ đợi trong lo âu, anh viết thư cho Abdulah, người chủ xưởng dệt thảm, kể lại mọi chuyện.

Một tuần sau, ông hồi âm: “Tôi rất tiếc phải báo tin này cho anh. Hôm ấy, đúng ngày anh hẹn Nodira, em gái cô ấy khi đang lau cửa sổ tầng 6 thì trượt chân ngã xuống và qua đời. Gia đình rơi vào tang thương, Nodira gần như không còn tiếp xúc với ai. Cô ấy bỏ điện thoại, không dùng mạng. Chúng tôi cũng không thể liên lạc trực tiếp được với cô ấy mà phải hỏi qua người quen”.

Tân ngồi lặng. Như thể chiếc nhẫn trong bát súp hồi nào lại rơi xuống đáy tim anh.

*

Mỗi mùa pawlunia tím hồng nở rộ, Tân lại bay về Tashkent. Anh đi qua những con đường cũ, vào lại quán cà-phê nhỏ xưa, đứng lặng dưới mái vòm chợ Chorsu... nhưng chưa một lần gặp lại người con gái ấy. Và cứ đi dưới vòm hoa pawlunia, anh lại rùng mình, thương nhớ như vừa chạm lại làn môi Nodira…

Vẫn là những bát súp, đĩa plov, những điệu nhảy, những nụ cười người Uzbek đôn hậu đón anh. Nhưng Nodira, người tình Tashkent của anh, như đã hóa vào đâu đó giữa nghìn đóa hoa tím, giữa những sợi tơ vàng chưa kịp dệt...