50 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC

May mắn còn được sà vào lòng bầm

Phú Thọ quê tôi gọi mẹ là bầm. Bầm tôi sinh năm 1913, trong một gia đình có đông anh em trai: Bác Nho, bác Sĩ, bầm tôi là Đấu, cậu Thái, cậu Lai.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN MINH
Minh họa: NGUYỄN MINH

Ông ngoại là trưởng chi họ Nguyễn Đức ở Văn Lang. Các cụ bên ngoại tôi vốn gốc ở thôn Đồng Phú, xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc lên Văn Lang lập nghiệp đến đời cháu tôi mới được 10 đời (khoảng 250 đến 300 năm). Gia đình ông bà ngoại thuộc diện có của ăn của để. Bầm vẫn kể: Nhiều vụ gặt, người ăn, kẻ làm vẫn nói với bầm: “Con cô nhớ nói với các cụ, nấu cho bọn người làm này, được ăn gạo mới nhé. Quanh năm suốt tháng toàn gạo vụ nọ kéo sang vụ kia, cơm khô, nhạt lắm”.

Ông bà rất chiều con gái, nhưng bầm không hề ỷ thế, mà ngược lại vô cùng chăm chỉ. Bầm tham công, tiếc việc làm quần quật chẳng khác gì các bác, các cậu. Có vụ một mình bầm cấy hết 7 mẫu ruộng, vì tiếc tiền nên không cho ông bà ngoại thuê người làm 3 xu một công cấy. Đến tuổi lấy chồng, bầm rất kén, rồi số giời trao nên chọn bố, một người đàn ông cao to, đẹp trai, có học, con ông đồ nho đã mất, đang phải ở với anh trai.

Tôi từ bé đến lớn hầu như không bị bố bầm đánh đòn. Bố rất nóng nhưng cũng không một lần bạt tai tôi. Tôi duy nhất một lần bị bầm đánh. Đó là lần cùng lũ bạn chăn trâu, cưỡi trâu vượt sông Hồng sang Lang Sơn. Bầm biết chuyện, bắt tôi cởi quần, nằm sấp, rồi lấy roi tre quật cho 3 phát vào mông. Bầm quất roi rất đau, vừa đánh vừa khóc: “Bầm đánh thật đau để còn nhớ, kẻo chết mất xác con ạ”. Sau này khi chúng tôi có con, mỗi lúc thấy chúng tôi cáu, vớ gì đánh con đấy, bầm phản đối thẳng thừng và nhất là kịch liệt phê phán lối tát hay bạt tai, bố bầm nói: “Đấy là chỗ tối kỵ, vì mặt và đầu con có nhiều huyệt đạo”.

Ngày 25/9/1972, tôi được gọi vào bộ đội. Khi ấy tôi đang là sinh viên khoa Sử, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội. Trường đang sơ tán ở Phù Cầm, huyện Việt Yên, Hà Bắc. Trường yêu cầu nhập ngũ luôn, không cho về quê chào gia đình.

Sau 3 tháng huấn luyện ở Mai Sưu, tỉnh Hà Bắc, trước khi đi B, toàn tiểu đoàn được về phép. 15 ngày phép nhưng đi đường đã mất 6 ngày. 9 ngày ở với bố, bầm, anh, chị, các cháu và bà con xóm giềng trôi đi nhanh quá.

Trước hôm tôi trả phép, bầm sai các chị đi chợ ở Cẩm Khê mua được con lợn cọc. Bầm lại nhờ bác Cự Hải “mổ trộm” để liên hoan cho tôi lên đường. Bầm bảo làm trước một ngày, chứ hôm chia tay cả nhà hồi hộp không ăn được. Lúc chuẩn bị thì bầm cứng cỏi thế, nhưng khi cơm dọn ra, chưa kịp ăn, bầm đã ôm mặt khóc nức nở, tiếp theo là chị Thăng, chị Phẩm, cả chị Toàn, cháu Điểm… Bầm với các chị cứ nức mãi lên. Chị Diệu, con bác Tiến, chị Viện, con bác Điều, em Kỉ con cậu Giáp, cháu Đông con chị Hồng Thiệp, chị Toàn con ông Toàn Duyệt… đến chơi cũng khóc theo. Tôi cố nén nhưng nước mắt cứ trào ra. Có lẽ ai cũng sợ đây là bữa cơm tiễn biệt tôi. Cả nhà lo cũng phải thôi, vì dù tôi không nói ra, song ai cũng hiểu về phép là để đi B. Mà đi B là vào nơi hòn tên, mũi đạn, nơi nghìn lẻ một kiểu chết đang chờ, nhà tôi lại chỉ có mình tôi là con trai. Trong xóm, trong xã đã có nhiều gia đình nhận giấy báo tử! Mấy năm trước, gia đình cụ Hảo Lễ, nhà quả đồi bên cạnh cũng nhận giấy báo anh Thuần hy sinh.

Buồn và lo như vậy, song không một ai xui tôi đào ngũ. Không một ai xui tôi thoái thác nhiệm vụ. Đất nước này đã trui rèn cho mọi thành viên sự hy sinh vì nghĩa lớn…

Hôm trả phép, anh Kiểm và em Đàm (anh rể và em họ tôi) dùng xe đạp đưa tôi về tận thị xã Phú Thọ. Lần đầu tiên thấy thẻ thương binh của anh Kiểm phát huy tác dụng. Dòng người xếp hàng mua vé dài dằng dặc, song nhoáng một cái anh đã mua được vé - hiệu quả của sự chen ngang. Song không một ai phản đối: vì ưu tiên thương binh. Tôi lên đường với một ba-lô bánh trái. Tôi không muốn đem nhưng bầm ép mãi: “Con đem vừa ăn, vừa cho các bạn”…

Gần 3 năm ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, tôi không viết thư về nhà. Chỉ có một lần viết giấy báo tin theo mẫu in sẵn được cấp trên phát. Không viết thư không phải vì cấp trên không cho viết, mà tự bởi không muốn viết, lẽ giản đơn là cuộc đời lính chiến” sống nay, chết mai”, nhiều đồng đội vừa gửi thư đi báo mạnh khỏe an lành, thì đùng cái, hy sinh!

Sau 30 tháng Tư năm 1975, trong niềm vui chung của ngày thống nhất, đơn vị vừa giải phóng thị trấn Đức Hòa, tỉnh Long An, tôi mừng muốn gửi thư ngay cho bố bầm biết tin còn sống. Song thư viết từ đầu tháng, chờ mãi đến ngày 15/5 mới gửi thư đi. Lý do đơn giản là ngày 14 mới được phát quân phục. Phải chờ có quân phục mới để đi chụp ảnh. Khi chụp, tôi cẩn thận dặn ông thợ chụp toàn thân, có đủ chân tay để bố bầm mừng.

Giữa tháng 11/1975, đang xây dựng doanh trại ở Bù Đăng, tỉnh Phước Long thì tôi và đám sinh viên học dở đại học được bất ngờ ra quân. Hóa ra Chính phủ thực hiện Di chúc Bác Hồ, sau chiến tranh cho bọn lính trẻ đã hoàn thành nhiệm vụ trong chiến đấu, được về học tiếp để “xây dựng Chủ nghĩa xã hội”.

Đường vào đi bộ mất hơn 6 tháng. Đường ra cũng đâu có nhanh. Đi thì ít, mà nằm chờ xe thì nhiều. Chờ ở ngoại vi Đà Nẵng mất hơn 1 tuần. Thấy thằng nào cũng có búp bê và khung xe đạp, tôi đua theo “cho đi ở” một bộ quân phục vừa được phát thêm trước lúc ra bắc mới sắm được một cái khung xe. Giấy chứng nhận có đài bán dẫn do trung đoàn phát, tôi viết nghịch là có một đài National 6 bóng, 10 băng… vì có đài đâu. Còn búp bê thì không phải mua, vì khi dừng ở Sài Gòn, Hưng “quẩy”, khoa Sinh, ở cùng trung đội thông tin cũ, đã xin tiền ông chú định cư ở Sài Gòn từ năm 1945, mua tặng mỗi thằng một con búp bê mắt nhắm, mắt mở rất đẹp. Trong ba-lô còn có gói mì chính 4,50 gram anh Hòa, Chủ nhiệm Hậu cần Tiểu đoàn, gửi làm quà cho bầm. Tôi cho rằng đây là món quà “đắc ý” nhất, vì khi ở nhà, mỗi khi dùng mì chính, bầm chỉ khẽ dùng đầu đũa chấm vào lọ, rồi khoắng vào nồi canh, cấm bao giờ dám dùng thìa xúc.

Tới Trạm đón tiếp Vĩnh Tường, mọi việc giải quyết rất nhanh. Lính chuyển ngành nên chẳng được lĩnh thêm cái gì. Chờ tàu suốt ngày ở ga Hướng Lại, vừa đói, vừa rét. Tàu tới ga Ấm Thượng khoảng 3 giờ sáng, tôi băm bổ cuốc bộ về luôn. Tới bến đò sông Hồng may gặp người đi chợ sớm, nên qua đò được ngay. Qua nhà anh chị Thăng Kiểm cả nhà vẫn ngủ yên ắng. Về tới nhà mới khẽ gọi cửa, đã thấy bố bầm bật dậy trả lời, hình như hai cụ thức chờ sự kiện con về lâu rồi (bố bầm cứ chờ theo cảm giác vậy thôi, chứ tôi có báo tin sắp về đâu). Bầm lập cập mãi không mở được cửa, phải có bố giúp sức. Cửa vừa bật ra, bầm ôm chầm lấy tôi, run rẩy: “lạy thánh mớ bái, con tôi được về thật rồi”. Bố khẽ nhắc: “Bà để con nó cởi ba-lô ra đã”. Vì đã là cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1975, nên tôi chỉ dám nghỉ ở nhà có 3 ngày rồi vội vã về Trường đại học Tổng hợp nhập học. Đeo ba-lô ra khỏi nhà, tôi còn nhớ mãi hình ảnh bầm siêu siêu ngó nhìn theo. Cho mãi đến tận sau này, mỗi khi vợ chồng tôi đưa các cháu về thăm, bầm bao giờ cũng tiễn lên đầu ngõ nhà anh chị Thăng Kiểm. Ra tới máy bơm ngoái lại, tôi vẫn hình dung bầm đang đứng ở đầu sân dõi theo (Mãi đến Tết Quý Dậu năm 1993, khi tôi xuôi Hà Nội, bầm không tiễn lên ngõ nổi nữa, thì 18 tháng Giêng bầm về với tổ tiên. Hưởng thọ 82 tuổi).

Ngày từ nhà về trường khấp khởi bao nhiêu thì tới trường tủi bấy nhiêu. Vì lính cựu sinh viên đổ về nhiều quá, trường bất ngờ nên không thể tiếp nhận ngay năm nay. Chúng tôi xếp mũ cối ngồi chờ trước cửa phòng thầy hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum. Thầy giải thích và đề nghị chúng tôi trở về đơn vị cũ, sang năm trường sẽ tiếp nhận. Không hiểu nghe ai báo tin, bầm tức tốc xuống tìm tôi đang tá túc ở nhà anh chị Hiểu Mứt, số 6 ngõ Bảo Khánh. Bầm lôi từ ruột tượng quấn quanh người ra một nắm tiền, đưa cả cho tôi và nói: “Tiền nhà nước trợ cấp cho bố bầm mấy năm con đi B, bầm giữ cả đây, con cầm lấy cần phải đút chỗ nào thì đút để mà về trường. Không thể để người ta đối xử tệ bạc với mình thế được”. Chao ôi, thương bầm quá, bầm ơi. Bầm tưởng như thời phong kiến, đế quốc, phải mang tiền ra để lo lót hay sao. Tôi giải thích cho bầm như lời thầy hiệu trưởng. Nghe tới đâu bầm mừng đến đấy. Mà quả thật những năm ấy, làm gì có thói chạy tiền tiêu cực. Hơn nữa những lời hứa của lãnh đạo nó thiêng liêng, cao quý vô cùng.

Đến hôm nay, bầm tôi về với tổ tiên đã hơn 30 năm, nhưng cũng như mọi năm nhân ngày chiến thắng 30 tháng Tư, bên cạnh niềm vui chung của dân tộc, tôi bao giờ cũng bùi ngùi nhớ về đồng đội và những người mẹ, trong đó có bầm tôi, những người mang nặng, đẻ đau, đã nuôi dưỡng và cống hiến cho dân tộc những người lính. Mỗi người có số phận khác nhau, song họ đều có điểm chung là sẵn sàng hiến tuổi thanh xuân cho Đất Nước. Tôi may mắn là được trở về với bố bầm, nhưng còn biết bao nhiêu đồng đội tôi, đã hy sinh ở chiến trường, không được sà vào vòng tay mẹ, sau ngày chiến thắng.