Từ tủ báo của cha

Chẳng thể nhớ rõ lần đầu tiên mình cầm trên tay một tờ báo là khi nào. Chỉ mang máng, hè lớp ba bốn năm gì đó, lần đầu tiên được lên huyện chơi. Mỗi sáng, mỗi tối, hầu như ngày nào cũng thế... tôi thường nhìn trộm bố tôi, một hình ảnh tranh sáng tranh tối bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ.
0:00 / 0:00
0:00
 Ảnh: NGUYỄN HẢI
Ảnh: NGUYỄN HẢI

Cái cửa sổ cũ kỹ, mùi hoa sứ già cỗi thoang thoảng hắt vào cũng già nua. Cũ kỹ mùi ký ức. Đọc, đánh dấu, ghi chép, cười mỉm, nhăn trán..., những cảm xúc được biểu hiện thầm lặng trên gương mặt bố tôi, tất cả ấy làm tôi tò mò, tất cả ấy đưa tôi đến với sở thích chữ nghĩa. Ông đọc báo như thể đang trò chuyện với ai đó trong im lặng, như thể đằng sau những dòng tin thời sự, những bài xã luận ông đang gặp một thế giới khác: thế giới của tri thức, của biến động, của lý tưởng, của người làm báo và của những xôn xao đời sống quanh ông.

Bố tôi là cán bộ nhà nước, mẹ tôi rặt nông dân, nhà bố mẹ tôi ở làng. Ngày về hưu, trước khi rời xa ô cửa sổ và cành hoa sứ già kia, ông không mang gì nhiều ngoài một chiếc túi vải chứa vài thứ đồ cá nhân và… gần cả tạ báo cũ. Những tờ Báo Nhân Dân ấy được ông gói ghém cẩn thận theo từng năm, từng tháng, thậm chí ghi rõ từng sự kiện nổi bật trên từng chồng báo bằng nét chữ nhỏ nhưng rõ và đều tăm tắp. Với ông, báo không chỉ là giấy mực nó là một dạng ký ức, một thứ sổ tay tinh thần ghi chép lại cả chặng dài của đất nước, của đời sống, và cả chính ông.

Mỗi bài báo là một lát cắt của đời sống, là nhịp thở, là tiếng trở mình của thời đại, là tâm huyết của những phóng viên ròng rã theo chân nhân vật giữa miền trung bão lũ, giữa núi non hiểm nghèo, giữa trùng khơi bão tố, giữa công trường ngổn ngang… Những bài viết điều tra, những phóng sự dài kỳ, những tranh luận xã hội, những bức thư bạn đọc… tất cả như từng dòng sông nhỏ thấm vào lòng tôi, tưới vào tôi sự hiểu biết và lòng tin vào phải trái con người.

Những sáng mùa thu Hà Nội, khi trời vừa se lạnh, bên quán nước dưới chân cầu Chương Dương, nhâm nhi từng trang An ninh thế giới, Công an nhân dân... Ngoài giải trí đơn thuần, có những bài báo cho tôi hiểu thêm về nhiều ngóc ngách thế giới mà tôi chưa một lần được thấy, được nghe.

Thời này đã khác, báo giấy dần lùi về đâu đó, nhường chỗ cho những cú chạm màn hình, những cú click chuột nhanh như chớp. Người ta đọc tin qua Facebook, TikTok, YouTube… Có lẽ nào thời gian đã phủ bụi, đã và sẽ biến báo giấy thành bảo chứng của ký ức?

Tôi giữ lại vài tờ báo cũ, những tờ báo bố tôi từng đọc, từng gói ghém cơ hàn. Tôi giữ lại không phải để đọc, mà để học... Nhớ về những buổi sáng giữa phố phường xôn xao mùi vị, văng vẳng tiếng rao mà chẳng biết đi đâu. Ừ thì ghé sạp, nhặt một tờ yêu thích, chỉ một tờ báo yêu thích, một ly cà-phê, một cốc trà nóng và cái vỉa hè sang sang, trải chữ ra, thế đủ.

Có người hỏi tôi: “Anh có nghĩ báo chí sẽ biến mất không?”. Tôi lắc đầu. Báo chí có thể đổi thay hình thức, nhưng tinh thần của nó, cái tâm, cái tầm, cái trách nhiệm với sự thật vẫn sẽ luôn tồn tại. Miễn là còn người viết bằng cả trái tim, và còn người đọc bằng tất cả sự am tường báo chí sẽ luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống. Bởi thời nào cũng thế thôi, đôi khi một mẩu tin nhỏ bé cũng có thể mở ra cả một chân trời cho ai đó. Như với tôi, báo chí đã từng là con đường, là ánh sáng, là người bạn cũ uyên bác nhưng kiệm lời và, sẽ mãi như thế.