50 năm đã qua, khoảng thời gian đủ để ký ức dần phai mờ nhưng những hình ảnh ngày đầu chúng tôi tiếp quản căn cứ này vẫn còn rõ như in. Dưới bước chân là lớp bụi đỏ quen thuộc, trên đầu là vòm trời năm ấy, chỉ có điều, hôm nay yên ả hơn nhiều.
Tôi nhắm mắt, như nghe lại tiếng máy bay F5, trực thăng UH-1 cùng nhau xuất kích chiến đấu chống quân Pôn-pốt, bảo vệ biên giới Tây Nam, những tháp canh lừng lững, dãy nhà kho loang lổ vết cháy, những gương mặt đồng đội thân quen cứ thế hiện ra. Năm xưa, Biên Hòa là căn cứ quân sự quan trọng, là căn cứ không quân chính của Không lực Việt Nam Cộng hòa (VNAF), từng là nơi đồn trú của Không quân Mỹ trong giai đoạn 1960-1973. Nơi đây chứa đựng số lượng lớn máy bay chiến đấu và các phương tiện quân sự hiện đại.
Tôi còn nhớ rõ buổi chiều khi đơn vị chúng tôi được lệnh tiếp quản, sân bay lúc đó hoang tàn, khung cảnh mang dấu ấn của sự rút lui vội vã. Nhiều máy bay chiến đấu, trực thăng và xe quân sự bị bỏ lại. Những khoang chứa đầy chất hóa học, xăng dầu... là những gì chúng tôi phải tiếp cận một cách thận trọng. Có nơi đơn vị trinh sát phải đi trước, dò từng hầm hố. Sau này chúng tôi mới biết khu vực đó từng là nơi lưu trữ chất độc da cam, nghĩ lại vẫn thấy rợn người, lòng se lại khi nghĩ về hậu quả chiến tranh vẫn còn âm ỉ đeo bám bao thế hệ.
Khi quân giải phóng tiến vào, các chiến sĩ reo hò, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên tháp điều khiển và các điểm cao trong căn cứ. Tiếng loa phát thanh vang lên những bài hát cách mạng như “Giải phóng miền Nam” hay “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”.
Giờ đây, sân bay Biên Hòa vẫn hoạt động như một căn cứ quân sự, là một trong những vị trí quan trọng của không quân nhân dân Việt Nam, những chiếc Su-30MK2 vẫn cất cánh hằng ngày bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Thành phố Biên Hòa đã thay da, đổi thịt, vòng vành đai xưa kia, từng lớp hàng rào kẽm gai, bãi mìn nay nhà cửa mọc lên san sát như một thị trấn sầm uất. Con đường quốc lộ trước cổng sân bay nay trở thành đại lộ lớn. Chúng tôi tĩnh lặng trước tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa nằm kế bên cổng số 1 sân bay lòng bồi hồi khó tả…