Từ lâu, đã biết đến các tộc người Thái từ Tây Bắc xuôi theo hướng tây xuống các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An dựng bản và giao thoa văn hóa với người Mường để tạo nên sự đặc sắc trong trang phục, ẩm thực, như khúc biến tấu của các nhánh Tày Dọ (Thái trắng), Tay Đăm (Thái đen)… một miền xanh quyến rũ.
Đêm đầu tiên, chúng tôi nghỉ lại một homestay nhỏ của huyện Lang Chánh. Dù biết nơi đây cách thác Ma Hao còn xa nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vẫn nghe thấy tiếng suối róc rách từ miền xa thẳm. Tôi mở cửa, đêm sương mù lãng đãng, cô gái Thái đang trực ở quầy lễ tân bảo: “Suối Đang chảy đó anh”. Suối Đang ư? Kỳ diệu, cái tên cũng là dòng chảy bất tận dưới trăng rừng cuối xuân. Trò chuyện với cô gái một lát thì biết ở đây là vùng đồng bào Thái trắng.
Sáng sớm khi sương mù còn vấn vít, đoàn chúng tôi lên đường. Máy ảnh, chân máy quay phim, flycam… lại theo chúng tôi ngược đèo để ghi lại những cảm xúc mới. Dòng suối Đang vẫn đồng hành một đoạn đường trong một sáng tinh khôi như sứ đào nguyên bị bỏ quên trước khi chào tạm biệt trong xa mờ thương nhớ… Đồng hành với chúng tôi trên cung đường là những thân luồng thẳng tắp. Ở những nơi có cộng đồng người Thái, các cây họ tre được ưa chuộng. Tre làm nhà, dựng hạn khuống, tre dẫn nước về bản, tre dùng làm cọn nước… Món cá nướng pa pỉng tộp được kẹp bằng tre, ép khẩu (hộp đựng xôi) hay ếp cũng được đan bằng tre. Cây tre, cây luồng, cây bương (puộc mụ), mạy bông… đã trở thành bản sắc truyền thống và trước xu hướng xanh hôm nay, những vật dụng thân thiện với môi trường này đã tìm thấy chỗ đứng vững chắc.
Xe dừng lại bên đường, chúng tôi đi bộ vào thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm của huyện Bá Thước. Chữ “lặn” khá lạ, có thể đường núi xa xôi đã lưu giữ những tiểu phương ngữ cổ cho đến hôm nay. Theo các cụ cao niên, nghề dệt xuất hiện ở đây vào năm 1749, ứng với thời điểm bức lũy Đại La được xây dựng ở Thăng Long và xuất hiện tên gọi các cửa ô. Có lẽ đã gần ba mươi năm, tôi mới lại được nhìn thấy những tấm thổ cẩm được dệt công phu và chân phác như thế. Nào là những hoa văn hình hoa cấm (boọc cấm), hoa ban (boọc ban), đàn khỉ (tô lình), con bướm (tô bơ), hình rồng (tô ngược)… hiện ra từ bàn tay khéo léo của các cô gái. Nhưng, điều bất ngờ nhất ở đây lại là cộng đồng người Thái đen. Không rõ có phải từ những biến động lịch sử của thế kỷ 18 hay từ trước đó mà bà con về đây đây để xứ Thanh có một sắc màu bền bỉ giữa non ngàn.
Bá Thước dẫu vẫn còn là một huyện nghèo vì giao thông đi lại khó khăn, canh tác dựa vào tự nhiên nhưng chính nét bản nguyên ấy lại là tiềm năng của du lịch xanh. Chỉ cần dừng chân ngắm cô sơn nữ Thái dệt thổ cẩm, sẽ thấy thời gian như ngừng trôi, những ước vọng đều gửi gắm vào sợi chỉ màu nhiệm ấy. Nhìn tấm khăn (piêu), chiếc áo (xửa cỏm), chiếc mũ… bên con đường đèo mà ấm lòng như đã được về bên mái nhà có người thương lo cho ta một đời an yên…
Đoàn chúng tôi trở về, tạm biệt những bản làng mến khách, những nụ cười bè bạn. Còn với tôi, tôi đã tìm được tấm thổ cẩm cho riêng mình, tấm thổ cẩm ấy chính là vẻ đẹp của nắng, của sương, của tiếng suối róc rách, của những rừng luồng xanh thẳm và tâm hồn của cô gái Thái ở nơi núi rừng miền Tây của xứ Thanh như màu xanh bất tận…